Hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm… là những cái tên quen thuộc ở các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, ở các tỉnh phía Bắc (và cả Tây Nguyên) còn có cây hoàng cầm Ấn, có tên khoa học là Scutellaria indica. Cây này điều trị được nhiều bệnh thường gặp hàng ngày.
Vậy, cây hoàng cầm Ấn có đặc điểm gì? Công dụng và cách dùng nó như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Đặc điểm nhận dạng
Cây hoàng cầm Ấn là cây thân thảo, lúc nhỏ mọc hơi nằm nằm, đến khi lớn hơn thì mọc đứng, cao không quá 40 cm.
Lưu ý:
- Thân cây không có lông nhưng lá thì có ít lông, mép lá có dạng răng cưa.
- Hoa có lá bắc, mọc thành cụm, mỗi vòng có 2 hoa mọc đối nhau, tràng hoa màu lam tím và có lông mi.
- Quả nhỏ, chưa đến 1 mm và có màu đen, hơi sần (1).
Công dụng làm thuốc của cây hoàng cầm Ấn
Toàn cây hoàng cầm Ấn đều được dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, nó có vị cay đắng, mùi thơm đặc trưng, tính ấm và có các công dụng như:
- Giúp thư cân hoạt lạc (thư giãn gân cốt), điều trị đau nhức lưng, đau khớp.
- Tán ứ, dùng khi bị đòn ngã làm tổn thương, sưng đau.
- Giúp tán huyết (làm tan máu tích tụ), giảm sưng và giảm đau.
- Dùng cho trường hợp phụ nữ sinh nở xong, chân tay đau mỏi.
- Điều trị nhức răng, áp xe phổi.
- Điều trị viêm ruột, kiết lỵ.
Cách dùng: sắc lấy nước uống từ 15 – 20 g mỗi ngày.
- Riêng với trường hợp đòn ngã gây sưng, bầm, đau nhói… thì dùng 80 g toàn cây hoàng cầm Ấn, giã nát, vắt lấy nước rồi hòa với chút rượu và uống.
- Với trường hợp sơ cứu khi bị rắn cắn thì lấy 60 g toàn cây hoàng cầm Ấn, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt rồi hòa thêm chút nước và uống (phần bã thì đắp lên vết thương).
Dùng ngoài da: Với trường hợp viêm mủ da, ngứa da và bị thương chảy máu thì bạn có thể lấy toàn cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng vì sẽ gây sảy thai (1).
Các nghiên cứu về cây hoàng cầm Ấn
- Thành phần hoạt chất trong rễ: Theo tạp chí Chemical and Pharmaceutical Bulletin, rễ cây hoàng cầm Ấn có chứa nhiều hợp chất như rivularin, scutevurin, wogonin, alpinetin… và caldamomin (2).
- Tác dụng đối với xơ vữa động mạch: Theo tạp chí Archives of Pharmacal Research, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất methanol từ cây hoàng cầm Ấn có tác dụng ức chế Arginase II (mục tiêu điều trị mới để điều trị xơ vữa động mạch) (3).
- Tác dụng chống viêm: Theo tạp chí Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters, toàn bộ cây hoàng cầm Ấn có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống viêm (hiệu quả tùy theo liều lượng) (4).
Thông tin thêm
Ngoài cây hoàng cầm Ấn thì ở nước ta còn có nhiều loại hoàng cầm khác (ít dùng làm thuốc) như:
- Hoàng cầm đài thẳng (tên khoa học Scutellaria orthocalyx): cây này được người Trung Quốc dùng làm thuốc điều trị viêm gan, viêm dạ dày…
- Hoàng cầm lá không cuống (tên khoa học: Scutellaria sessilifolia): cây này được dùng làm thuốc giúp giải độc, điều trị cảm mạo, phong nhiệt mắt mờ, sốt cao khiến cho tai điếc…
- Hoàng cầm Nam Bộ (tên khoa học: Scutellaria cochinchinensis). Cây này được dùng làm thuốc nhuộm, giúp giảm sưng tấy và sơ cứu khi bị rắn cắn.
- Hoàng cầm nhiều màu (tên khoa học: Scutellaria discolor): cây này được dùng làm thuốc tiêu viêm giải độc, thanh nhiệt, điều trị viêm dạ dày, viêm ruột…
- Hoàng cầm thân hồng (tên khoa học: Scutellaria yunnanensis): cây này được dùng làm thuốc hạ sốt và điều trị đau mắt có màng…
- Hoàng cầm râu (tên khoa học: Scutellaria barbata): cây này được dùng điều trị khá nhiều bệnh, xem thêm Tại đây.