Hoa ngâu và bài thuốc điều trị ho hen, bế kinh và cao huyết áp

Hoa và quả ngâu ta

Hoa nhài, hoa quế, hoa ngâu… là những loài hoa thanh nhã, gắn liền với thú thưởng trà của các tao nhân. Với hoa ngâu, người ta không chỉ thích nó vì vẻ ngoài chúm chím dễ thương mà còn vì hương thơm tựa như mùi chanh, thơm mát và dễ chịu.

Hương thơm hoa ngâu hầu như chỉ tỏa vào ban ngày, khác với hoa nhài tỏa mạnh về đêm.

Ca dao còn lấy hoa ngâu để ví von với những người con gái khuôn phép xưa kia:

“Bông ngâu rụng xuống hoa ngâu

Em còn phụ mẫu, dám đâu tự mình”.

Không biết có phải vì mùa bông Ngâu nở vào tháng 7, tháng 8 mà có mưa Ngâu không? Hay bởi câu chuyện ả Chức chàng Ngâu (Ngưu Lang Chức Nữ) đã khiến người ta nghĩ về cơn mưa tháng 7?

Còn về hoa ngâu, nó đã là một loài hoa được nhiều người yêu quý, đem trồng ở khuôn viên, sân nhà để khi rãnh rỗi thì ngóng ngọn gió lùa và thưởng hoa thơm.

Hoa ngâu vàng
Bông ngâu vàng

Công dụng làm thuốc của hoa ngâu

Người ta sẽ không thích bông ngâu nhiều nếu như nó chỉ có mùi thơm. Vâng, hoa ngâu thơm và cái hương thơm ấy giúp ích cho con người.

Được biết, hoa ngâu Việt (Aglaia duperreana) có nhiều công dụng hơn bông ngâu rừng, ngâu Tàu và trong y học cổ truyền, nó là vị thuốc có nhiều công dụng như:

  • Giúp giải uất kết, điều trị chứng đầy trướng khó chịu ở ngực.
  • Giúp tỉnh rượu và làm thư giãn tinh thần.
  • Giúp sáng mắt, điều trị vàng da.
  • Giúp giảm phiền khát, làm sạch phổi.
  • Điều trị ho hen, nghẹn hơi mới phát, ho hen.
  • Điều trị váng đầu, nhọc độc.
  • Điều trị sốt.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng khoảng 10 g hoa ngâu, hãm lấy nước uống (2) (3).

Ngoài ra, trong trường hợp bị ghẻ ngứa, người ta còn dùng lá ngâu nấu nước tắm (3).

Một số bài thuốc kết hợp có dùng hoa ngâu

Với bệnh cao huyết áp, các bạn có thể lấy 10 g bông ngâu trộn đều với 30 g hoa cúc rồi chia thành 3 phần bằng nhau, mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng thì lấy một phần hoa hãm trong nước sôi (nước sôi già), đợi khi nước nguội lại thì uống (2).

Trong trường hợp bế kinh, hoa ngâu cũng cho hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, các bạn cần chú ý uống thuốc trước ba ngày so với ngày có kinh hàng tháng và uống liên tục 5 ngày như thế rồi ngưng (mỗi ngày chỉ uống một lần). Mỗi lần uống, các bạn lấy khoảng 10 g bông ngâu, 50 g rượu cho vào chén, đổ thêm ít nước rồi đem chưng cách thủy. Khi thấy hoa đã chín và mềm nhừ, các bạn tắt bếp, chờ nguội hẳn và chắt lấy nước uống (2).

Ngâu Việt
Ngâu Việt

Ngoài ra, bông ngâu còn giúp giải uất kết rất tốt nên khi bị vấp ngã hay bị đòn gây thương tích, bầm tím; có thể lấy hoa ngâu và lá ngâu làm thành cao dán.

Cách làm như sau: Lấy 50 g hoa ngâu và 50 g lá ngâu, đem nấu với một lượng nước vừa phải, nấu đến khi hoa ngâu chín thì chắt lấy nước, để riêng rồi tiếp tục đổ nước khác vào, nấu tiếp rồi lại chắt lấy nước riêng, cứ liên tục 3 lần như thế. Sau đó, gom nước của 3 lần nấu lại, tiếp tục nấu cho nước sắc thành cao (nấu trong lửa to, khi thấy cao sắc lại thì nấu trong lửa nhỏ dần, giữ riu riu đến khi hoàn thành). Mỗi ngày, lấy một ít cao đó tra lên dải lụa mỏng rồi đắp lên vết sưng đau (mỗi ngày 1 lần) (2).

Một số nghiên cứu về cây ngâu Việt

  • Hoạt tính trừ sâu: Theo tạp chí Phytochemistry, các dẫn xuất được phân lập từ bông ngâu Việt cho thấy tác dụng chống lại sâu bướm Spodoptera littoralis với mức độ từ trung bình đến mạnh (6).
  • Hoạt tính chống động vật thân mềm: Theo tạp chí Fitoterapia, chiết xuất methanol của cành và lá ngâu cho thấy tác dụng chống lại ốc bưu vàng (Pomacea Canaliculata) (7)

Lưu ý

  • Phân biệt: Hoa ngâu trong bài viết này là cây hoa ngâu Việt, mỗi lá kép có từ 5 – 7 lá chét, đuôi lá tròn còn cây ngâu Tàu thì đuôi lá nhọn. Hơn nữa, cành non của cây ngâu Việt không có lông và cũng không nhiều lá chét như cây ngâu rừng.
  • Liều lượng và đối tượng: Không dùng bông ngâu liên tục trong thời gian dài và phụ nữ mang thai cũng không nên dùng.

Tham khảo: Củ bách hợp điều trị ho, viêm phế quản, mất ngủ, HIV

Nguồn tham khảo
  1. Ngâu, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A2u, ngày truy cập: 09/02/2020.
  2. Đức Minh, Những vị thuốc quanh ta, cây cỏ, rau củ và sức khỏe của bạn, NXB Hà Nội, trang 33.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 675.
  4. Ngâu Tàu, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A2u_T%C3%A0u, ngày truy cập: 09/02/2020.
  5. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 371.
  6. New insecticidal rocaglamide derivatives from flowers of Aglaia duperreana (Meliaceae), https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031942299003271, ngày truy cập: 09/02/2020.
  7. Molluscicidal activity of Aglaia duperreana and the constituents of its twigs and leaves, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0367326X12001529, ngày truy cập: 09/02/2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện