Hoa lài trâu (ngọc bút), dược tính và độc tính cần lưu ý

Hoa lài trâu

Có người hỏi: “Nghe nói hoa lài thơm lắm mà sao cây của tôi trồng thì cũng bình thường”. Hỏi ra mới biết, cây của họ là hoa lài trâu (tức hoa lài tây, hay còn gọi là hoa ngọc bút, mộc hoa, bánh hỏi), không phải hoa lài ta (mạt lỵ) – loại nổi danh “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An“.

Và khác với hoa lài ta được dùng tẩm hương cho trà và làm thuốc, hoa lài trâu đa phần chỉ được dùng làm cảnh, làm cây công trình. Nói về dược tính thì cây này có độc, vì vậy bạn cần cẩn thận, tránh dùng nhầm.

Vài nét về cây lài trâu (ngọc bút)

Cây lài trâu có tên khoa học là Tabernaemontana divaricata (1). Đây là dạng cây bụi, thường cao dưới 2 m, lá nhẵn bóng 2 mặt và có hình bầu dục nhọn. Hoa lài trâu to hơn hoa lài ta và có màu trắng, tràng hoa dài rõ rệt và có 5 cánh hoa xòe ra, xoay chéo như chong chóng.

Hoa lài trâu
Hoa lài trâu

Độc tính và dược tính của hoa lài trâu

Độc tính

Các bộ phận của cây lài trâu đều có độc. Cụ thể, qua các kết quả thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số hoạt tính sau đây:

  • Cao chiết khô từ rễ, hạt và vỏ cây lài trâu đều gây ức chế hoạt động của tủy xương và làm giảm bạch cầu (trên cơ thể động vật thí nghiệm).
  • Cao ethanol chiết xuất từ hoa, lá, rễ và thân cây lài trâu đều có thể gây ức chế hô hấp, có tác dụng an thần nhưng nếu dùng quá liều thì có thể gây ảo giác.
  • Chiết xuất từ cây lài trâu khi dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch thì thấy có tác dụng làm chậm nhịp tim (ở chuột lang).
  • Dịch chiết của cây khi dùng quá liều có thể gây liệt hô hấp và gây chết ở động vật thí nghiệm (chất độc ở rễ và thân mạnh hơn ở lá và hoa) (2) (3).

Dược tính

Mặc dù có độc nhưng trong y học cổ truyền, cây lài trâu cũng được biết đến là một vị thuốc với các công dụng như:

  • Cây có nhiều nhựa và phần nhựa này có tác dụng làm giảm sưng tấy (và vì có độc nên cũng được dùng để tẩm tên độc).
  • Lá cây có tác dụng làm mát, điều trị bệnh ngoài da (ghẻ lở, nhọt) và giải độc chó dại cắn.
  • Rễ, lá và gỗ cây lài tây có tính mát, có thể làm tan uất kết, hạ huyết áp, giúp giảm đau và tiêu thũng.
  • Vỏ, rễ và nhựa của cây có tác dụng tẩy giun, điều trị đau răng, đau mắt.
  • Rễ cây còn được dùng để bó gãy xương.
  • Cao ethanol từ vỏ rễ và vỏ thân có tác dụng kháng khuẩn, diệt côn trùng (2) (3).

Tuy vậy, như đã nói, vì có độc tính nên ngày nay, hầu như cây lài tây chỉ được trồng làm cảnh là chủ yếu.

Cây lài tây lài trâu ngọc bút
Cây lài trâu (lài tây, ngọc bút)

Các nghiên cứu về hoa lài trâu (ngọc bút)

  • Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, ở Thái Lan, cây ngọc bút được dùng như một vị thuốc cổ truyền giúp giảm đau, giảm ho và an thần (4).
  • Theo tạp chí International Current Pharmaceutical Journal, chiết xuất methanolic từ lá cây lài tây có tiềm năng làm chất chống oxy hóa mạnh (so với chất chống oxy hóa tham chiếu là axit ascorbic) (5).
  • Theo tạp chí Chinese Journal of Natural Medicines, chiết xuất từ hoa lài tây qua kết quả thí nghiệm trên chuột còn cho thấy hoạt tính chống sinh sản (6). Trong một thí nghiệm khác trên cơ thể chuột đực, chiết xuất etanol 50% từ lá cây cũng cho thấy tác dụng chống sinh sản (thông qua cơ chế làm giảm trọng lượng tinh hoàn, túi tinh, số lượng tinh trùng và các bộ phận liên quan (theo tạp chí Asian Pacific Journal of Tropical Medicine)) (8).
  • Kết quả thí nghiệm trên chuột bạch tạng cũng cho thấy chiết xuất ethanolic từ hoa lài tây có tác dụng chống viêm đáng kể (tương tương với chất tham chiếu chuẩn là Diclofenac) (7).
Nguồn tham khảo
  1. Tabernaemontana divaricata, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tabernaemontana_divaricata, ngày truy cập: 31/08/2020.
  2. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 323.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 175.
  4. The effects of Tabernaemontana divaricata root extract on amyloid β-peptide 25–35 peptides induced cognitive deficits in mice, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874110002588, ngày truy cập: 31/ 08/ 2020.
  5. Antioxidant and cytotoxic potential of methanol extract of Tabernaemontana divaricata leaves, https://www.banglajol.info/index.php/ICPJ/article/view/9446, ngày truy cập: 31/ 08/2020.
  6. Anti-fertility effect of flower extracts of Tabernaemontana divaricata in rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1875536412600132, ngày truy cập: 31/ 08/2020.
  7. Anti inflammatory activity of the flowers of Tabernaemontana divaricata (L.) R.BR., https://manipal.pure.elsevier.com/en/publications/anti-inflammatory-activity-of-the-flowers-of-tabernaemontana-diva, ngày truy cập: 31/ 08/ 2020.
  8. Antifertility effect of chronically administered Tabernaemontana divaricata leaf extract on male rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1995764512600960, ngày truy cập: 01/ 09/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện