Hoa hợp hoan và các món ăn làm thuốc (dược thiện cổ truyền)

Lá Cây hợp hoan bì

Dược thiện là phương pháp dưỡng sinh kết hợp điều trị bệnh bằng thức ăn và thuốc (thường dùng để dưỡng thai, dưỡng thần).

Nếu thường xuyên xem các phim về hậu cung Trung Quốc, bạn sẽ thấy vua quan và phi tần nhà Thanh rất hay dùng hương liệu như trầm hương, xạ hương… Không chỉ thế, dược thiện cũng là hình ảnh lặp đi lặp lại trong sinh hoạt quý tộc nhà Thanh.

Trong số các dược thiện thì có thể kể đến các vị phổ biến như táo đỏ, hạt sen và hoa hợp hoan. Đặc biệt, với hoa hợp hoan thì đây là loài hoa rất đẹp – nhìn thì giống hoa trinh nữ (hoa xấu hổ) nhưng to và đẹp hơn nhiều.

Vào mùa hoa thì toàn cây nhấp nhóa những ánh hồng, trông rất đẹp mắt nên lòng người cũng vui vẻ theo! (chính vì vậy mà trong cung của các phi tần thường trồng loại cây này!).

Vài nét về cây hợp hoan

Cây hợp hoan (合欢, Albizia julibrissin) là loài cây có thân cao to, sống lâu năm và vỏ của nó có thể dùng làm thuốc (gọi là hợp hoan bì). Vị thuốc này nổi tiếng trong điều trị mất ngủ và suy nhược thần kinh (1) (2).

Hoa hợp hoan ít được nhắc đến nhưng nó cũng là vị thuốc quý, thường được dùng trong các món ăn và trà hoa. Ngoài tên gọi này, hoa còn được gọi là “hoa dạ hợp” hay “hoa điểu nhung”…

Thu hái: Khi hoa chưa nở, ta hái các nụ hoa rồi phơi khô (1).

Hợp hoan hoa
Hợp hoan hoa

Hoa hợp hoan có công dụng gì?

Nói về công dụng của hoa hợp hoan thì có rất nhiều nhưng chủ đạo vẫn là giúp tinh thần vui vẻ và dễ ngủ. Theo y học cổ truyền, hoa có vị ngọt đắng, tính ôn và thường được dùng trong các trường hợp như:

  • Bốc hỏa, cay mắt, mắt nhìn mờ.
  • Điều hòa khí.
  • Giải trừ phiền muộn.
  • Giúp dễ ngủ, an thần.
  • Dùng cho người hay quên.

Cách dùng: làm thành trà uống hoặc làm thành các món ăn dược thiện (cách dùng cụ thể ở phần dưới đây) (1).

Ngoài ra, trong trường hợp đau chân và đau lưng lâu ngày không khỏi thì loại hoa này cũng có tác dụng xoa dịu (bằng cách kết hợp với các vị khác theo tỉ lệ: 4 lạng hợp hoan hoa, 1 lạng lõi quế, 1 lạng hồng hoa, 1 lạng ngưu tất và 0, 5 lạng mộc qua – liều dùng tùy theo chỉ định của thầy thuốc) (1).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai và những người có hệ tiêu hóa yếu không nên dùng (3).

Các món ăn – dược thiện

Có nhiều cách dùng hoa hợp hoa như hấp gan lợn, pha trà, nấu cháo…

1. Hoa hợp hoan hấp gan lợn

Khi nấu gan gà, gan lợn hoặc gan dê, bạn có thể cho thêm hoa hợp hoan vào hấp chung. Món ăn này có tác dụng:

  • Điều trị đau mắt đỏ và các chứng bốc hỏa làm cho cay mắt.
  • Giúp bổ gan, sáng mắt và cải thiện các tật về mắt.
  • Giúp giảm mệt mỏi.
  • Tốt cho những người hay thức đêm, u uất, trầm cảm (1).

Cách nấu như sau:

  • Chuẩn bị: 0, 1 lạng hợp hoan hoa, gan lợn vừa đủ (hoặc 2 bộ gan gà), 1 muỗng cafe rượu và 1 muỗng cafe muối.
  • Thực hiện: Cho gan lợn vào nồi, đổ nước luộc một lát thì lấy ra, xắt nhỏ và cho vào nồi điện. Sau đó, ta cho gia vị và hoa vào (hoa đã rửa sạch với nước), trộn đều lên rồi hấp (phía ngoài thêm nửa chén nước, đợi tín hiệu của nồi điện bật lên thì đổ ra dĩa và ăn lúc còn ấm nóng (1).

2. Hoa hợp hoan ngâm rượu

Với rượu hoa hợp hoan, chỉ cần ngâm ba ngày là có thể uống. Vào mỗi buổi tối, uống một ít rượu này sẽ có tác dụng:

  • Điều trị chứng mắt mờ, nhìn không rõ.
  • Điều trị các vết bầm tím bị sưng tấy lâu ngày không khỏi.
  • Giúp giảm đau lưng, đau tức ngực  (1).

Ghi chú: Người bị bệnh gan không nên dùng.

3. Trà hoa hợp hoan

Trà rất dễ pha: bạn chỉ cần lấy 0, 2 lạng hoa đem tráng qua nước cho sạch rồi cho vào ly, sau đó đổ hai chén nước sôi vào và cho thêm một chút đường phèn, đợi hai phút là có thể uống (1).

Trà hoa hợp hoan
Trà hợp hoan

Trà này có nhiều công dụng như:

  • Giúp an thần, dễ ngủ.
  • Giúp mát tim dưỡng thận.
  • Giúp giảm chứng hay quên (1).

4. Cháo hoa hợp hoan

Với những người cảm thấy thấy bực bội, khó chịu trong người nên bị mất ngủ thì cháo hoa hợp hoan sẽ là gợi ý lý tưởng. Vào mỗi buổi tối, bạn hãy ăn một ít cháo hoa thì sẽ cải thiện được tình trạng này.

Cách nấu như sau:

  • Chuẩn bị: 30 g hợp hoan hoa (khô), một chén gạo trắng và một muỗng đường đen.
  • Thực hiện: Lấy gạo nấu cùng 4 chén nước cho chín nở thì vặn nhỏ lửa. Sau đó, các bạn cho hoa vào (đã rửa sạch), nấu cho đến khi cháo chín nhừ thì thêm đường rồi ăn.

Lưu ý: Với món cháo này, bạn nên ăn vào buổi tối, lúc bụng đói và nên ăn trước lúc đi ngủ một tiếng (1).

Ngoài dùng hợp hoan hoa làm thuốc, y học cổ truyền còn sử dụng hợp hoan bì (hay vỏ cây hợp hoan) làm vị thuốc an thần, điều trị rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh. Mời bạn tham khảo thêm thông tin về hợp hoan bì tại bài viết: Hợp hoan bì vị thuốc quý điều trị suy nhược thần kinh, mất ngủ

Nguồn tham khảo
  1. Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 68.
  2. Hợp hoan bì vị thuốc quý điều trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, https://caythuoc.org/hop-hoan-bi-la-cay-gi.html, ngày truy cập: 10/ 07/ 2020.
  3. 合欢花茶什么人不能喝,怀孕的人/肠胃不适的人忌饮用, https://caythuoc.org/hop-hoan-bi-la-cay-gi.html, ngày truy cập: 10/ 07/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện