Hậu phác nam (quế rừng) điều trị khó tiêu, tả lỵ và buồn nôn

Hậu phác nam (cây quế rừng)

Bên cạnh vị thuốc hậu phác khá nổi tiếng trong y học cổ truyền thì còn có hậu phác nam, hay còn gọi là cây quế rừng, rè hương, quế lợn…

Đây là vị thuốc chuyên điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là nôn mửa, khó tiêu và tả lỵ. Ngoài ra, nó còn được dùng với nhiều công dụng khác mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Vài nét về cây hậu phác nam

Cây có tên khoa học là Cinnamomum iners, thuộc họ Long não (1). Ở Trung Quốc, nó được gọi là đại diệp quế 大叶桂 (2). Thân cây cao to, có thể cao đến 20 m.

Điểm đặc biệt của cây hậu phác nam chính là lá cây to, phiến lá tròn dài, gân dọc đối nhau và có mùi thơm. Lúc còn non, nó có màu nâu ửng đỏ khá đẹp.

Hậu phác nam (cây quế rừng)
Hoa hậu phác nam

Hoa hậu phác nam mọc thành chùm dạng chùy, có màu trắng và cũng rất thơm. Quả của cây là dạng quả mọng và có hình bầu dục.

Ở nước ta, cây này mọc nhiều ở Tuyên Quang, Bình Dương và An Giang… ngoài ra còn có ở các tỉnh khác (và các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… cũng có) (3).

Công dụng làm thuốc của vỏ thân cây hậu phác nam

Vỏ thân cây hậu phác nam là bộ phận chủ yếu được dùng làm thuốc, có vị đắng, cay mát và có tính ấm.

Vỏ cây hậu phác nam (ảnh minh họa)
Vỏ cây (ảnh minh họa)

Trong y học cổ truyền, vỏ cây thường được dùng với các công dụng như:

  • Làm ấm bụng, tản khí lạnh.
  • Giúp giảm đau, tiêu thũng.
  • Giúp bổ dạ dày.
  • Điều trị khó tiêu, kích thích tiêu hóa.
  • Điều trị bụng đau do thức ăn đầy trướng.
  • Điều trị tả lỵ, buồn nôn.

Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống từ 4 – 20 g vỏ thân cây.

Đối tượng cần tránh: Những người nguyên khí kém và tỳ vị quá hư không nên dùng. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng không được dùng (3).

Ghi chú: Vỏ cây này thường được dùng thay cho vị hậu phác thực thụ để điều trị các bệnh về đường tiêu hóa nên được gọi là hậu phác nam (3).

Hậu phác nam (cây quế rừng)
Cây hậu phác nam (cây quế rừng)

Công dụng làm thuốc của rễ, lá và hạt cây hậu phác nam

Rễ, lá và hạt của cây cũng được dùng làm thuốc trong các trường hợp như:

  • Rễ: giúp hạ sốt (sắc lấy nước uống).
  • : dịch lá làm thuốc đắp giúp giảm đau nhức khi bị thấp khớp.
  • Hạt: giúp giảm ho và kiết lỵ (giã nát, trộn với mật ong rồi ăn) (3).

Các bài thuốc kết hợp thường dùng

1. Điều trị đại tiện táo kết, bụng bí đầy và đau bụng

  • Chuẩn bị: 12 g vỏ cây hậu phác nam, 12 g đại hoàng và 12 g chỉ xác.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (nếu không có đại hoàng thì dùng 12 g chút chít).

2. Điều trị no hơi, ăn uống lâu tiêu, kém ăn, hay sình bụng

  • Chuẩn bị: 100 g củ sả, 100 g vỏ cây hậu phác nam, 100 g thủy xương bồ, 100 g cỏ gấu (sao lên), 50 g củ gừng phơi khô, 100 g vỏ quýt chín phơi khô và 50 g quế khâu.
  • Thực hiện: lấy các vị trên xay nát, trộn đều thành hỗn hợp bột rồi để dùng dần.
  • Liều lượng: mỗi lần dùng thì múc một muỗng cà phê hỗn hợp bột ấy, hòa với nước rồi uống (mỗi ngày uống hai hoặc ba lần, uống sau khi ăn và uống trước khi đi ngủ) (3).

Các nghiên cứu về cây hậu phác nam

  • Hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí Molecules, kết quả thí nghiệm cho thấy chiết xuất methanolic từ lá cây có tác dụng kháng khuẩn đáng kể, giúp chống lại vi khuẩn E.coli và vi khuẩn chủng MRSA (4).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Industrial Crops and Products, chiết xuất methanolic từ lá cây hậu phác nam có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do và có tiềm năng ứng dụng trong ngành dược phẩm và dinh dưỡng (5).
  • Hoạt tính hạ đường huyết: Theo tạp chí International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Science, kết quả nghiên cứu cho thấy trong lá cây hậu phác nam có các hoạt chất chống tiểu đường và giúp tăng mỡ máu tốt, vì vậy, nó được xem là có tiềm năng làm thuốc kiểm soát đái tháo đường type II (6).
Nguồn tham khảo
  1. Quế lợn, https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%BF_l%E1%BB%A3n, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.
  2. 大叶桂https://baike.baidu.com/item/%E5%A4%A7%E5%8F%B6%E6%A1%82, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.
  3. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 1077.
  4. An Antimicrobial Compound Isolated from Cinnamomum Iners Leaves with Activity against Methicillin-Resistant Staphylococcus Aureus, https://www.mdpi.com/1420-3049/16/4/3037, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.
  5. Antioxidant, free radical scavenging and GC–MS composition of Cinnamomum iners Reinw. ex Blume, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0926669015001132, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.
  6. Antidiabetic and antihyperlipidemic potential of standardized extract, fraction and subfraction of Cinnamomun iners leaveshttps://www.researchgate.net/profile/, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện