Củ gừng thì đã quá quen thuộc với mọi người và ai cũng biết rằng nó có màu vàng nhạt với mùi vị cay thơm đặc trưng. Thế nhưng, củ gừng đen thì không phải ai cũng từng thấy qua và ngay từ cái tên của nó cũng đã gây ra không ít nhầm lẫn.
Có người cho rằng củ gừng đen chính là củ ngải tím (nga truật) nhưng ngải tím (nga truật) lại là tên gọi thông dụng để chỉ củ nghệ đen (Curcuma caesia) (1). Có người lấy tên gừng đen để gọi củ tam thất rừng (Rhizoma Stahlianthi thoreli) nhưng đây cũng là một loài khác. Vậy, gừng đen thực chất là tên gọi của loài cây nào? Hay những loài cây nào?
Gừng đen là cây gì?
Hiện nay, có ít nhất hai nhóm thực vật đều có tên gọi là gừng đen (GĐ) với hình dáng bên ngoài tương tự nhau.
Thứ nhất, gừng đen là cây Kaempferia parviflora (hay gọi là cây ngải đen), có tên tiếng Anh là Thai black ginger (gừng đen Thái Lan), Thai ginseng (nhân sâm Thái Lan). Loại này có giá trị dược liệu cao (chúng tôi sẽ nói thêm ở phần sau) nên được bán với giá đắt đỏ, được săn lùng như “thần dược” và đương nhiên, còn bị làm giả để trục lợi.
Thứ hai, gừng đen là tên gọi của một nhóm các loài cây đặc hữu được phát hiện ở Việt Nam, bao gồm ít nhất 4 loài thuộc chi Gừng đen đã được phát hiện, đó là:
- Distichochlamys citrea, được gọi là gừng đen, loài này có thể trồng làm thuốc và lấy tinh dầu, phân bố ở vườn quốc gia Pù Mát (VQG Pù Mát), VQG Bạch Mã và VQG Cúc Phương. Loại này có lá màu xanh, hoa màu vàng, nụ hoa có vệt đỏ và là loài điển hình của chi Gừng đen.
- Distichochlamys orlowii, được gọi là gừng Orlow (gừng đen Orlow), loài này phân bố ở VQG Pù Mát (Nghệ An) và một vùng nhỏ ở Gia Lai. Gừng Orlow là loại cung cấp tinh dầu.
- Distichochlammys benenica, loài GĐ này được tìm thấy ở VQG Bến En, Thanh Hóa.
- Distichochlammys rubrostriata, hay còn gọi là gừng đen khía đỏ, được tìm thấy ở VQG Cúc Phương, có tán lá xanh nhạt và hoa màu vàng tươi (2) (3).
Hiện tại, các nghiên cứu về 4 loại GĐ trên đây vẫn còn ít ỏi (riêng cây gừng đen Thái Lan – Kaempferia parviflora thì đã được nghiên cứu rất nhiều).
Nghiên cứu sơ bộ về hàm lượng tinh dầu trong các loài Gừng đen đặc hữu của Việt Nam
Năm 2015, kết quả nghiên cứu về lượng tinh dầu trong củ GĐ được công bố trên Tạp chí Khoa học Đại học An Giang. Đối tượng của nghiên cứu này là củ gừng đen Distichochlamys citrea (củ tươi, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Quảng Trị). Theo đó, hàm lượng tinh dầu trong củ gừng đen ở những nơi này đều trên 0, 4 % (4).
Năm 2016, một kết quả nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Journal of Medicinal Plants Research. Theo đó, thành phần chính của tinh dầu gừng đen Distichochlamys citrea là các hoạt chất (E)-citral, 1,8-cineole và (Z)-citral. Với gừng đen Distichochlamys orlowii, các hoạt chất chính được tìm thấy lại là geranyl acetate, β-pinene, βcaryophyllene và β-elemene (5).
Kết quả nghiên cứu về cây gừng đen Thái Lan (Kaempferia parviflora)
Mặc dù được gọi là gừng đen Thái Lan (hay còn gọi là cây ngải đen) nhưng loài cây này vẫn được tìm thấy ở nhiều nơi như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… và cả Việt Nam (các tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai, Dak Lak…).
Trong y học cổ truyền Thái Lan, nước sắc của loài này với rượu có tác dụng tăng cường sinh lý, điều trị dị ứng, hen suyễn, tiêu chảy, bệnh gút, loét dạ dày, tiểu đường… và nhiều bệnh khác (8).
Từ các kết quả nghiên cứu, có thể nói củ gừng đen Thái Lan – Kaempferia parviflora (hay còn gọi là ngải đen) là cây dược liệu quý hiếm với các hoạt tính đáng chú ý như:
- Kháng khuẩn và kháng nấm (theo tạp chí Fitoterapia) (6).
- Chống loét dạ dày (theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology) (7).
- Chống béo phì (theo tạp chí Journal of Natural Medicines) (9).
- Giúp cải thiện sinh lý, tăng cường khả năng cương dương (đối với chiết xuất rượu ethanol hoặc thức uống có cồn) (10).
- Chống trầm cảm (11).
- Chống lại tế bào ung thư phổi NCIH187 một cách mạnh mẽ (theo tạp chí Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters) (12).
- Chống lại tế bào ung thư biểu mô KB (theo tạp chí Archives of Pharmacal Research) (16).
- Ngăn ngừa bệnh Alzheimer (theo tạp chí Journal of Functional Foods) (13).
- Chống dị ứng (14).
- Tăng cường sức mạnh thể lực ở đôi tay của vận động viên (không tác dụng ở các bộ phận khác) (15).
- Hoạt tính bảo vệ gan (theo tạp chí Chemical and Pharmaceutical Bulletin) (17).
- Chống loãng xương và chống oxy hóa (theo Natural Product Sciences) (18).
… và nhiều hoạt tính khác.
Lưu ý
- Các hoạt tính vừa đề cập trên đây chỉ phát huy tác dụng ở những dạng chiết xuất nhất định của củ ngải đen (GĐ Thái Lan). Vì vậy, khi có nhu cầu làm thuốc, các bệnh nhân nên hỏi thêm ý kiến của các thầy thuốc chuyên nghiệp vì chỉ có phương pháp điều chế phù hợp mới đem lại kết quả như mong đợi.
- Mặt khác, người dùng cũng cần lựa chọn đúng loại GĐ Thái Lan với tên khoa học là Kaempferia parviflora, tránh mua nhầm các loại gừng đen khác.
Afternoon,
I work with an agency and we have an excessive amount of clients who want some new company exposure. Does your website permits guest posts?
We’ve got the cash to pay immediately and there’s not any additional cost to you.
Regards
Do you dare to ensure that the content of the article you post on our site is unique?