Bằng lăng nước và giá trị y học của cây bằng nước

cây bằng lăng nước

Nhắc đến bánh khọt miền Tây, người ta liên tưởng ngay đến thứ bánh vàng nghệ, thơm ngọt được gói ghém trong mớ lá kèm như lá xoài non, rau muống, rau thơm, rấp cá.. và đặc biệt, không gì ăn với bánh khọt ngon hơn, hợp khẩu vị hơn lá bằng lăng non. Các bà nội trợ miền Tây hễ đi ngang cây bằng lăng tím đang trổ những đọt non mơn mởn cạnh bờ sông là buột miệng chách lưỡi, xuýt xoa: “Trời, coi lá bằng lăng nó non kìa, nhìn mắc thèm quá tụi bây. Cái mày mà gói bánh khọt ăn thì hết sẩy!”.

Ngày nay, ngoài việc trồng cây bằng lăng làm cảnh, lấy bóng mát, để giữ bến không bị sạt lở và hái lá non ăn kèm; hầu như người ta ít chú ý đến bằng lăng như một cây thuốc. Trong khi đó, giá trị dược liệu của cây bằng lăng đã được thừa nhận từ những bài thuốc cổ truyền và các kết quả thí nghiệm, nghiên cứu trên thế giới.

Về cây bằng lăng nước

Trong khoảng 50 loài thuộc chi Bằng lăng thì loài được biết đến nhiều hơn cả là bằng lăng nước, hay còn gọi là bằng lăng tím, bằng lăng tía, bằng lăng tiên, bằng lăng ổi…., tên khoa học là Lagerstroemia speciosa, thuộc họ Lythraceae (1).
Bằng lăng nước là loài thân gỗ lâu năm, lá kép nhẵn bóng, hoa rất nhiều, mọc thành chùm và có màu tím, quả hình trứng (giống quả bần nhưng tròn hơn). Tế Hanh – nhà thơ của làng quê Việt Nam cũng đã có bài thơ rất giản dị, tình tứ viết về vẻ đẹp của hoa tím bằng lăng:
Bằng lăng soi bóng ven hồ
Xuân đi thu đến bao giờ nở hoa
Hoa ơi, có phải vì ta?
Mà hoa tím cả trời xa trời gần (8)
Bên cạnh bằng lăng nước còn có các loài bằng lăng khác như bằng lăng ổi hoa trắng (Lagerstroemia calyculata) hay còn gọi là bằng lăng cườm, thao lao…; bằng lăng lông (Lagerstroemia tomentosa) hay còn gọi là săng lẻ…; bằng lăng sừng (Lagerstroemia venusta)… (2)

Công dụng của cây bằng lăng nước

Theo y học cổ truyền thì vỏ cây, lá, hoa, quả, hạt và rễ bằng lăng nước đều có thể dùng để điều trị bệnh. Tuy nhiên, lá và quả bằng lăng già được xem là chứa nhiều hoạt chất nên được dùng phổ biến hơn (sắc khoảng 50g lá hoặc quả khô trong nửa lít nước). Nhiều thí nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng tập trung vào lá và quả bằng lăng già hơn các bộ phận khác.

Lá, hoa bằng lăng nước giúp giảm cân

Kết quả nghiên cứu trên chuột cái béo phì cho thấy chiết xuất từ lá bằng lăng nước giúp giảm cân và giảm mỡ trong gan. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trên người (không mắc bệnh tiểu đường) cho thấy axit corosolic trong lá và hoa bằng lăng nước có tác dụng giảm cân mà không làm thay đổi lượng đường trong máu (3) .cây bằng lăng nước

Lá, hoa và quả bằng lăng nước điều trị tiểu đường

  • Được biết, hoạt tính chống đái tháo đường của chiết xuất lá bằng lăng nước đã được nghiên cứu và khẳng định qua xét nghiệm ức chế alpha – amylase và alpha – glucosidase. Bên cạnh đó, lá và quả già, đã phơi khô của cây bằng lăng nước còn được được điều chế dưới dạng viên nang thảo dược (3).
  • Một kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy chiết xuất từ lá bằng lăng nước kết hợp với chiết xuất từ tỏi (Kalium sativum)  ở tỉ lệ 1:1 có tiềm năng lý tưởng trong quản lý bệnh đái tháo đường, đồng thời giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường (4)
  • Ở Philippins, chế phẩm từ lá bằng lăng khô cũng được sử dụng rộng rãi để điều trị tiểu đường và các bệnh về tiết niệu (5)
    Hoa bằng lăng nước có chứa axit corrosolic, cũng có tác dụng hạ đường huyết nhưng hoạt tính không cao bằng lá và quả già nên ít được sử dụng hơn. Lá và quả bằng lăng nước có thể được dùng như trà để uống hàng ngày để giảm cân, chống đái tháo đường bằng cách thái nhỏ, đun sôi, tắt và chờ 30 phút rồi lọc lấy nước uống (3).

Công dụng của thân, vỏ, rễ và hạt của cây bằng lăng nước

  • Kết quả thí nghiệm cho thấy chiết xuất etanol 50% từ thân và lá cây bằng lăng nước có tiềm năng ức chế nhiễm HIV – 1 (do có chứa axit ellagic và axit gallic) (3) .
  • Bên cạnh đó, nước sắc vỏ cây bằng lăng nước cũng được ghi nhận với công dụng chống tiêu chảy và đau bụng (5).
  • Rễ cây bằng lăng nước còn được dùng để điều trị bệnh về dạ dày (6) .
  • Hạt bằng lăng nước qua kết quả điều tra hóa học cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn (7) .

Lưu ý tương tác thuốc

Vì chiết xuất từ lá bằng lăng hoạt động như một tác nhân giúp giảm lượng đường trong máu, vì vậy, để tránh quá liều và tác dụng phụ, bệnh nhân không nên dùng cùng lúc với thuốc điều trị tiểu đường (7)

Nguồn tham khảo
  1. Bằng lăng nướchttps://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%B1ng_l%C4%83ng_n%C6%B0%E1%BB%9Bc, ngày truy cập: 30/04/2019.
  2. Chi bằng lăng, https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Chi_B%E1%BA%B1ng_l%C4%83ng, ngày truy cập: 30/04/2019.
  3. Banaba Herbal Medicinehttp://www.medicalhealthguide.com/articles/banaba.htm, ngày truy cập: 30/04/2019.
  4. In vitro antioxidant activity of the individual herbs of DIA-2, a herbal mixture containing standardized extracts of Allium sativum and Lagerstroemia speciosahttps://pdfs.semanticscholar.org/6505/3f82ad7d5ec38613f8b4bf14442cee500f9e.pdf?_ga=2.65769006.1007247464.1556284895-35264152.1552581037, ngày truy cập: 30/04/2019.
  5. Lagerstroemia speciosahttp://tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Lagerstroemia+speciosa, ngày truy cập: 30/04/2019.
  6. Lagerstroemia speciosa L. – Hoaqueen., https://tropilab.com/queen-flow.html, ngày truy cập: 30/04/2019/
  7. Banabahttps://www.drugs.com/npp/banaba.html, ngày truy cập: 30/04/2019.
  8. Bằng lăng, https://www.thivien.net/T%E1%BA%BF-Hanh/B%E1%BA%B1ng-l%C4%83ng/poem-f6NyrvtAH1J9QV8dd0gkEg, ngày truy cập: 30/04/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện