Duyên hồ sách, thảo dược cho bệnh phụ khoa

củ cây duyên hồ sách

Nhiều người biết và yêu thích hoa bồ câu (một loại hoa kiểng) bởi những bông hoa có hình dáng như những chú chim bồ câu đang bay, trông rất đẹp mắt. Trong các cây thuốc của Đông y, có một loại thảo dược thân cỏ, sống lâu năm cũng có hoa tương tự như vậy, đó là cây duyên hồ sách. Thế nhưng, phần cánh hoa (nhìn như đuôi loài chim) của hoa duyên hồ sách và hoa bồ câu khác nhau. Đặc biệt, cây duyên hồ sách còn có phần rễ củ nhỏ và hơi tròn, được dùng làm thuốc.

Vài nét về duyên hồ sách

Duyên hồ sách có tên khoa học (Corydalis yanhusuo, thuộc họ Anh túc: Papaveracea (1))

Là cây thuốc cổ truyền của người Trung Quốc. Cây còn có các tên gọi khác như: diên hồ sách, Đông Bắc duyên hồ sách, huyền hồ, huyền hồ sách, duyên hồ, nguyên hồ, nguyên hồ sách, nguyên hồ tố, … Ở Việt Nam, vì điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp nên chưa trồng được loại cây này (vị thuốc duyên hồ sách phải nhập khẩu hoàn toàn).

Thu hái và sơ chế

Bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây đó là rễ và củ.

Để cho ra thuốc tốt, cây duyên hồ sách phải được từ 4 năm tuổi trở lên mới bắt đầu thu hoạch lấy rễ. Sau khi được đào, phần rễ củ sẽ được rửa sạch, phơi khô. Tùy vào mục đích sử dụng mà dạng thức sơ chế, sao tẩm của duyên hồ sách cũng khác nhau.

cây duyên hồ sách
Hình ảnh cây tươi

Công dụng của cây duyên hồ sách

Theo kinh nghiệm dân gian vị thuốc có công dụng điều trị một số bệnh sau:

  • Viêm phụ khoa
  • Đau bụng kinh
  • Kinh nguyệt không đều
  • Giảm đau
  • U xơ tuyến vú
  • Ho, có đờm

Cách dùng duyên hồ sách làm thuốc

Củ duyên hồ sách có vị cay, hơi đắng, được dùng với các tác dụng liên quan đến máu huyết như: phá huyết (dùng tươi), điều huyết (phơi khô, sao lên), hành huyết (phơi khô, sơ chế với rượu) và cầm máu (phơi khô, tẩm giấm rồi sao lên).

Bên cạnh đó, vị thuốc này còn giúp giảm đau, lợi khí (thông vào phế) và điều trị các bệnh phụ nữ như đau bụng kinh, ứ huyết sau sinh (uống từ 6 – 12 g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên đều được) (2) (3).

Ngoài ra, duyên hồ sách thông vào phổi tạng nên những người bị ho có đờm cũng có thể dùng kết hợp duyên hồ sách với phèn chua đã phi lên (khô phàn) theo tỉ lệ 4:1 rồi làm thành viên cho tiện dùng (mỗi ngày ngậm từ 4 – 8 g thuốc) (2).

Hai bài thuốc điều trị bệnh phụ khoa có vị duyên hồ sách

  • U xơ tuyến vú: U xơ tuyến vú là dạng u lành tính nhưng cũng cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh.

Theo tư liệu y học cổ truyền, có thể điều trị căn bệnh này bằng bài thuốc sau: huyền hồ, xích thược, đương quy, xuyên luyện tử (hay còn gọi là khổ luyện tử, tức quả cây xoan), hương phụ chế, sài hồ, lá quất (miền Bắc gọi là lá tắc, miền Nam gọi là lá hạnh), hồng hoa, đào nhân (mỗi vị 12 g) và đan sâm (16 g), mỗi ngày dùng 1 thang (3).

  • Viêm phần phụ: Viêm phần phụ là bệnh phụ khoa với biểu hiện viêm nhiễm ở phần phụ như vòi tử cung, buồng trứng… và có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh (4).

Trong trường hợp này, người bệnh có thể dùng thang thuốc sắc gồm các vị sau: duyên hồ sách (8 g), ý dĩ (bo bo), kê huyết đằng (cây huyết rồng, cây bổ máu) (mỗi vị 16 g), xuyên khung (10 g), kim ngân hoa, bồ công anh (mỗi vị 12 g), cam thảo, nhũ hương (địa nhũ hương) và mộc dược (một dược) (mỗi vị 4 g), mỗi ngày dùng một thang (3).

củ cây duyên hồ sách
Củ duyên hồ

Một số nghiên cứu về duyên hồ sách

  • Tác dụng chống trầm cảm: Một nhóm các nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã dựa trên hoạt tính giảm đau và kích hoạt máu của duyên hồ sách (theo kinh nghiệm y học cổ truyền) để tìm hiểu về tác dụng giảm trầm cảm của vị thuốc này. Sau khi thí nghiệm trên chuột, các tác giả đã tìm thấy sự khác biệt rõ ràng ở nhóm đối tượng thí nghiệm được sử dụng chiết xuất từ duyên hồ sách. Từ đó, vị thuốc này được xem là hữu ích trong điều trị trầm cảm (5).
  • Điều trị bệnh tim mạch vành và suy tim: Qua phương pháp phân tích quang phổ và bằng chứng hóa học, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều hợp chất trong duyên hồ sách có tác dụng chống lại thiếu máu cục bộ cơ tim (bệnh tim mạch vành) (theo Journal of Chinese medical materials) (6). Không chỉ thế, kết quả thí nghiệm trên chuột còn cho thấy chiết xuất từ duyên hồ sách không những giúp giảm nhồi máu cơ tim, cải thiện chức năng tim mà còn điều trị suy tim do nhồi máu cơ tim(7).
  • Ngăn cản sự hình thành khối u: Dựa trên một công thức của đơn thuốc cổ truyền Trung Quốc có từ thời nhà Tống, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm về khả năng kết hợp giữa hai vị thuốc cơ bản là nghệ và duyên hồ sách. Từ đó, các tác giả đã tìm được tỉ lệ kết hợp giúp đạt được hiệu quả chống ung thư mạnh nhất giữa nghệ và duyên hồ sách là 3:2 (theo Oncology Reports) (8).

Lưu ý khi dùng thuốc

  • Đối tượng cần tránh: Vì duyên hồ sách có tính phá huyết, hành huyết, điều huyết nên phụ nữ có thai không nên dùng (để tránh sẩy thai). Bên cạnh đó, người sắp đến kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, sản hậu huyết hư, bị huyết trắng, bệnh do huyết nhiệt (máu nóng) hay huyết hư mà không có ứ trệ cũng không được dùng duyên hồ sách (3) (9).
  • Liều lượng và tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường thấy khi dùng duyên hồ sách là hoa mắt, chóng mặt, thiếu sức, trướng bụng, đau bụng, nổi sởi… Đặc biệt, cần chú ý về liều lượng thuốc bởi nếu dùng quá liều sẽ gây ức chế hô hấp, trúng độc, đầu óc mê man, sắc mặt xanh xao nhợt nhạt, tay chân bất lực, toàn thân rã rời, tụt huyết áp, mạch nhỏ yếu, tim đập chậm, suy kiệt tuần hoàn, hô hấp, tê liệt và thậm chí tử vong (10).
  • Kiêng kỵ: Duyên hồ sách không hợp với cà phê, nếu dùng chung thì dược tính sẽ bị hạ thấp (10). Vì vậy, các bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, tránh quá liều, tương tác thuốc cùng những tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn tham khảo
  1. Diên hồ sách, https://vi.wikipedia.org/wiki/Di%C3%AAn_h%E1%BB%93_s%C3%A1ch, ngày truy cập: 24/08/2019.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 70.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1016.
  4. Viêm phần phụ là gì và một số điều cần biết về viêm phần phụ, http://phukhoadongphuong.com/viem-phan-phu-la-gi-va-mot-dieu-can-biet-ve-viem-phan-phu.html, ngày truy cập: 24/08/2019.
  5. 1H-NMR-Based Metabonomic Study on the Anti-Depressive Effect of the Total Alkaloid of Corydalis Rhizoma, https://www.mdpi.com/1420-3049/20/6/10047, ngày truy cập: 24/08/2019.
  6. Studies on chemical constituents in the anti-myocardial ischemia effective fraction of Corydalis yanhusuo, https://europepmc.org/abstract/med/19260272, ngày truy cập: 24/08/2019.
  7. Beneficial effects of the extract from Corydalis yanhusuo in rats with heart failure following myocardial infarction, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1211/jpp.59.5.0010, ngày truy cập: 24/08/2019.
  8. A traditional Chinese medicine formulation consisting of Rhizoma Corydalis and Rhizoma Curcumae exerts synergistic anti-tumor activity, https://www.spandidos-publications.com/or/22/5/1077, ngày truy cập: 24/08/2019.
  9. 延胡, https://baike.baidu.com/item/延胡, ngày truy cập: 24/08/2019.
  10. 延胡索, http://yc.xjlz365.com/zhongcaoyao/yanhusuo.html, ngày truy cập: 24/08/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện