Đơn rau má điều trị sưng mắt, viêm thanh quản và tiểu buốt

Đơn rau má

Ở nhiều tỉnh phía Bắc, trên các nương rẫy hay các lối đi vào rừng thường có cây đơn rau má – lá thì giống như lá rau má nhưng lại có quả tròn màu tím, to cỡ viên đạn và nhìn như cái chùy.

Đây là cây thuốc nam có nhiều công dụng và có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Lào, Thái Lan… Ở nước ta, đơn rau má mọc nhiều ở Lào Cai, Sơn La, Hà Nội… (1).

Bạn có biết cây này được dùng điều trị các bệnh gì không?

Sơ nét về cây đơn rau má

Cây đơn rau má, hay còn gọi là cỏ bi đen, nhã hoa, rau vảy ốc, vảy ốc đỏ…, có tên khoa học là Pratia nummularia (tên đồng nghĩa là Lobelia nummularia) (2).

Đơn rau má
Đơn rau má

Ở Trung Quốc, cây còn được gọi bằng các tên khác như đồng chùy ngọc đái thảo (铜锤玉带草), địa gia tử thảo (地茄子草), khấu tử thảo (扣子草), mã liên thảo (马莲草), … (3).

Nhìn chung, cây đơn rau má dễ nhận biết bởi nó mọc bò, lá như rau má, có mép viền răng cưa hoặc lượn tai bèo, mặt dưới có lông. Hoa của cây mọc ở nách lá, có 5 lá đài, thường có màu hồng, vàng hoặc trắng… và mọc đơn độc. Quả của cây thuộc dạng quả mọng và chứa nhiều hạt bên trong (3).

Công dụng làm thuốc của cây đơn rau má

Được biết, trong lá cây đơn rau má ngoài nước (hơn 80 %) thì còn có chất đạm (2,3 %), đường bột (6,9 %), tiền vitamin A và vitamin C.

Khi dùng làm thuốc, dân gian thường dùng cả cây đơn rau má (có khi dùng riêng quả) và thường hái vào mùa xuân hoặc thu vì giai đoạn này cây sinh trưởng tốt, hoạt chất cao (sau khi thu hái thì rửa sạch, cắt ngắn rồi phơi khô hoặc dùng tươi) (3).

Quả đơn rau má
Quả đơn rau má

Theo kinh nghiệm dân gian, đơn rau má có vị ngọt đắng, tính bình (có tư liệu ghi là vị đắng cay, tính mát; có tư liệu lại ghi vị chát, tính hơi ôn) và có nhiều công dụng như:

  • Giúp máu huyết lưu thông (hoạt huyết).
  • Giúp mát máu, hạ sốt, giải nhiệt.
  • Giúp bổ hư, điều trị hư nhược.
  • Giúp tán ứ.
  • Giải độc, điều trị ngứa trong người.
  • Giảm sưng, điều trị sưng mắt, mờ mắt.
  • Điều trị viêm kết mạc.
  • Điều trị viêm hạch lympho.
  • Trừ phong thấp.
  • Điều trị đau dạ dày.
  • Điều trị viêm thanh quản, ho có đờm đặc hoặc ho do phế nhiệt.
  • Giúp lợi tiểu, điều trị tiểu buốt và nước tiểu vàng.

Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 20 – 30 g toàn cây đơn rau má, nấu lấy nước uống. Bên cạnh đó, với các chứng như di tinh, thoát vị bàng quang, đau thấp khớp và khí hư thì ta tăng liều lên, mỗi ngày nấu uống từ 30 – 60 g (theo kinh nghiệm dân gian của người Hồng Kông).

Dùng ngoài da: Toàn cây đơn rau má còn được dùng ngoài da trong nhiều trường hợp như: áp xe vú, mụn nhọt, viêm mủ ngoài da, đinh nhọt và tụ máu bầm do đòn ngã tổn thương (lấy toàn cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên).

Đối tượng cần tránh: Thuốc có tính hoạt huyết nên phụ nữ mang thai không được dùng (vì sẽ gây sẩy thai) (3) (4).

Các bài thuốc kết hợp có dùng đơn rau má

1. Điều trị khí hư ở nữ giới và di tinh ở nam giới

  • Chuẩn bị: 12 g quả đơn rau má, 12 g rễ củ cây hoa phấn, 12 g rễ cây bạch quả và 12 g quả kim anh.
  • Thực hiện: lấy các vị trên cùng nấu lấy nước uống (3).

2. Điều trị đòn ngã tổn thương hoặc đau thấp khớp

Với trường hợp này, bạn dùng bài thuốc rượu theo cách sau đây: lấy 120 g toàn cây đơn rau má, cắt nhỏ ra rồi ngâm trong nửa lít rượu trắng để làm thuốc rượu (ngâm trong 5 ngày).

Liều dùng: mỗi lần uống từ 10 – 15 ml, mỗi ngày uống 3 lần và uống liên tiếp từ 2 – 5 ngày (3).

3. Điều trị cam tích ở trẻ nhỏ

Cách dùng rất đơn giản: bạn chỉ cần hái một ít lá tươi, non, đem hầm với gan lợn rồi cho trẻ ăn thường xuyên là được (mỗi lần dùng một lượng nhỏ, khoảng 10 g vì liều của trẻ em thường bằng một nửa so với người lớn) (4).

Tuy nhiên, ngày nay ít ai dùng bài thuốc này vì gan lợn được bán trên thị trường đa phần kém chất lượng.

Thông tin thêm

Cây đơn rau má còn được gọi là “rau giải phóng” vì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dân gian thường dùng lá non của cây nấu canh ăn (4).

Nguồn tham khảo
  1. Nhã hoa, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A3_hoa, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.
  2. 铜锤玉带草, https://baike.baidu.com/item/%E9%93%9C%E9%94%A4%E7%8E%89%E5%B8%A6%E8%8D%89/4973771, ngày truy cập: 19/ 04/ 2021.
  3. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 964.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 819.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện