Điều trị tiểu gắt kèm hâm hấp sốt bằng 3 vị thuốc quen thuộc

Tôi – người viết bài này đã nhiều lần bị tiểu gắt. Những lần đầu, tôi cũng không để ý xem nguyên nhân do đâu mà chỉ ra tiệm thuốc Tây và miêu tả căn bệnh để mua thuốc. Lúc ấy, người bán thuốc nói rằng tôi bị viêm bàng quang và cho 4 lần thuốc để dùng.

Sau khi uống xong, bệnh của tôi thuyên giảm rõ rệt nhưng sau đó, chứng tiểu gắt vẫn tái phát nhiều lần và mỗi lần như thế, tôi đều phải dùng thuốc Tây, có khi chỉ uống 1 lần là khỏi nhưng sau đó lại bị nữa…

Đỉnh điểm là một lần tôi bị tiểu gắt và uống thuốc đến một tuần mà vẫn không khỏi. Thế là tôi đi bệnh viện siêu âm, chụp X quang… nhưng vẫn không phát hiện điều gì bất thường.

Thế là tôi đành về nhà, nghiền ngẫm lại xem vì sao mình bị tiểu gắt. Rõ ràng, tôi không có ăn uống món gì lạ, không hút thuốc, không cà phê, không nước giải khát, càng không rượu bia, chơi bời, kể cả chuyện vợ chồng cũng không có gì là quá độ…

Hay là do mùa hè nóng bức? Hay là do ăn nhiều đồ ăn có tính nóng như mắm, như chao?

Tôi chỉ biết rằng, chứng tiểu gắt của tôi có kèm cả sốt hâm hấp, nặng ở bụng dưới, trong người gây gây khó chịu. Có khi đi tiểu đã xong nhưng cảm giác mắc tiểu vẫn còn âm ỉ và vài giọt nước tiểu mót rơi ra. Có khi tiểu xong lại muốn đi đại tiện nhưng đại tiện lại rất ít, có khi không có phân và sau đó, cảm giác mắc tiểu vẫn còn.

Tiểu gắt
Tiểu gắt

Kể từ lần “khám không ra bệnh” ấy, tôi chuyển sang thuốc Nam để cầu may và kết quả mang lại khiến tôi rất hài lòng: tuy chứng tiểu gắt thỉnh thoảng có tái lại nhưng thời gian rất lâu mới bị một lần và mức độ cũng rất nhẹ. Sau này, con gái tôi cũng bị tiểu gắt và đi gặp bác sĩ Sản khoa để điều trị nhưng không thuyên giảm. Thấy thế, tôi lại làm bài thuốc Nam này cho con gái tôi uống và nó cũng đã khỏi bệnh.

Bài thuốc điều trị tiểu gắt bằng 3 vị thuốc quen thuộc  như sau:

  • Thành phần: kim ngân hoa (dùng cả thân lá và hoa), cây râu mèo (cũng dùng thân, lá và hoa), rễ cỏ tranh. Ba vị này dùng tươi hay khô đều được. Tuy nhiên, theo Đông y, với những bài thuốc điều trị nóng nhiệt thì ta nên dùng tươi và khi nấu xong, ta để nguội rồi mới uống.
  • Cách dùng: Mỗi loại lấy một nhúm, bỏ vào ấm, đổ nước vào gần đầy ấm rồi đun sôi, để sôi khoảng 3 phút thì tắt bếp (lưu ý không sắc đặc nhé!). Nước thuốc này, ta chia thành nhiều lần uống trong ngày thay cho nước lọc.
Cây kim ngân hoa
Cây hoa kim ngân
Cây râu mèo
Cây râu mèo và bài thuốc điều trị tiểu gắt bằng 3 vị thuốc quen thuộc 
Rễ tranh
Rễ tranh

Tản mạn về phép sắc thuốc

Ở bài thuốc trên, ta thấy phương pháp sắc thuốc là sắc loãng (nghĩa là đun sôi và giữ sôi 3 phút rồi để nguội, không sắc cho đặc như các loại thuốc khác). Sở dĩ sắc loãng và đổ gần đầy ấm nước là để lượng nước thuốc được nhiều, sau khi uống vào sẽ cùng hoạt chất của thuốc giúp lợi tiểu và tống khứ thấp tà (hoặc các nguyên nhân gây bệnh) ra khỏi cơ thể.

Ngược lại, nếu là thuốc bổ thì hầu như đều sắc đặc để hạn chế việc đi tiểu ngay sau khi uống (giúp thuốc có đủ thời gian thấm vào cơ thể và phát huy tác dụng bồi bổ của nó).

Danh y Lý Thời Trân từng có câu nói bất hủ về phép sắc thuốc như sau:

Uống thuốc thang, dẫu phẩm chất thuốc tốt và bào chế đúng phép nhưng sắc lỗ mãng, vội vàng, dùng lửa không đúng độ thì thuốc cũng không công hiệu”.

Thế mới thấy, cách sắc thuốc có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả của thang thuốc đó. Ngày nay, nhiều nơi bán thuốc theo kiểu công nghiệp: không tư vấn, nhắc nhở người bệnh cách sắc như thế nào, cho nên, bệnh nhân cứ theo nguyên tắc 3 chén sắc còn 1 chén. Vì vậy, thuốc thì vẫn uống nhưng có người hết nhanh, có người hết chậm, có người thì không có hiệu quả đáng kể.

Đông y là một câu chuyện rất dài nhưng cũng rất thú vị nếu như bạn muốn tìm hiểu nó!

Trần Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện