Dây lõi tiền rễ dài điều trị vàng da, tiểu buốt, đau khớp xương

Dây sương sâm lông để làm nước giải khát thì nhiều người đã biết rồi. Thế nhưng, có một loại dây mà khi gặp, người ta lại ngờ ngợ: có phải là sương sâm không? Thế rồi, khi đến gần xem kỹ mới hóa ra không phải sương sâm mà là dây mối.

Nói về dây mối lại có nhiều loại cùng tên dây mối. Có loại lá hình tam giác, nhìn giống như lá sâm lông nhưng cả hai mặt trơn nhẵn hoàn toàn (chứ không phủ đầy lông như sâm lông). Cũng có loại mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông như lá mối rừng. Lá của hai loại này cùng với lá sâm lông đều có thể vò nước cho đông thành thạch rồi ăn với nước cốt dừa, ngon và mát đáo để.

Tuy nhiên, loại dây mối mình muốn giới thiệu trong bài viết này lại là một loại khác, nó cũng được gọi là dây mối nhưng không làm thạch ăn được mà chỉ dùng làm thuốc (vì lá nó đắng). Đó là dây lõi tiền, hay còn gọi là dây mối, dây phấn cơ đốc.

Vài nét về dây lõi tiền

Nói về dây lõi tiền thì lại có ít nhất hai loài có cùng tên này. Trong bài viết này, mình nói về dây lõi tiền rễ dài Stephania longa, thuộc họ Tiết dê. Loại này có lá trông y như dây sâm lông nhưng hoàn toàn trơn láng, nhẵn mịn cả hai mặt. Hơn nữa, cuống của loại này thường đính vào sâu khoảng 1/ 4 phiến lá trong khi cuống lá sâm lông thì đính cạn hơn (khoảng 1/ 6, 1/ 7).

Dây lõi tiền
Dây lõi tiền

Điều quan trọng hơn ở cây lõi tiền rễ dài là lá của nó có vị đắng và rễ của nó thì khá dài (khác với loại lõi tiền còn lại có rễ phát triển thành củ – loại này ít gặp hơn). Quả lõi tiền khi còn sống có màu xanh còn khi chín thì chuyển dần sang màu cam, đỏ. Cây lõi tiền rễ dài phân bố ở hầu khắp nước ta nhưng tập trung ở các tỉnh phía Bắc.

Công dụng của dây lõi tiền rễ dài

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Tất Lợi, dây lõi tiền rễ dài là vị thuốc dân gian được lưu truyền trong nhiều năm nay và có các tác dụng như:

  • Lợi tiểu, điều trị tiểu tiện khó khăn, tiểu dắt, tiểu buốt.
  • Điều trị phù nề, chân tay sưng nhức, đau khớp xương.
  • Điều trị ho.
  • Giúp thanh nhiệt, giải độc.

Cách dùng: lấy lá và dây tươi (chừng 30 g), cắt nhỏ rồi sắc lấy nước uống (nếu dùng lá và dây đã phơi khô thì dùng từ 6 – 12 g). Các bạn lưu ý sắc lấy nước hơi đặc một chút nhé.

Có thể nói, trong dân gian, tác dụng lợi tiểu của dây lõi tiền là được chú ý nhất và cũng được dùng hiệu quả nhất.

Không chỉ thế, thảo dược lõi tiền còn giúp giải độc rắn cắn bằng cách lấy lá lõi tiền và lá tiết dê (mỗi loại 50 g), rửa sạch, giã nát, sau đó thêm nước và gạn phần nước trong uống (phần bã thì đắp ngoài da).

Ở Trung Quốc, người ta còn dùng thảo dược lõi tiền để điều trị một số bệnh như: vàng da, viêm dạ dày, phát cuồng, tiểu ra máu, nóng sinh mụn nhọt và sưng tấy. Liều lượng thường dùng là từ 15 – 30 g dây lá tươi hoặc 6 – 9 g dây lá khô. Với mụn nhọt, sưng tấy thì lấy thêm một ít lá tươi, giã nát rồi đắp ngoài da.

Một số bài thuốc thường dùng

Ngoài cách dùng một mình dây lõi tiền rễ dài thì dân gian còn dùng kết hợp nó với một vài cây thuốc khác nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.

Dây lõi tiền
Cây lõi tiền

Chẳng hạn, trong trường hợp tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt hay phù nề, có thể lấy 6 g dây và lá lõi tiền, 6 g mã đề, 6 g mộc thông và 10 g hạt đậu đen cùng sắc uống (sắc trong 600 ml đến khi còn 200 ml thì chia thành nhiều lần uống trong ngày). Những thành phần trong bài thuốc này đều là những thảo dược có tác dụng lợi tiểu rất tốt.

Với bệnh đau thấp khớp và đau dây thần kinh tọa, có thể lấy 30 g rễ lõi tiền (lưu ý dùng rễ, không dùng dây và lá như các cách trên) cùng với 60 g hạt bo bo, sắc lấy nước rồi cho thêm một ít mật ong vào và uống (kiên trì nhiều lần sẽ khỏi).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện