Dầu ô liu dưỡng tóc, dưỡng da và ngăn ngừa tiểu đường, tim mạch

Dầu ô liu

Kinh Thánh kể rằng sau trận đại hồng thủy kinh hoàng thì chỉ còn con tàu của ông Nô – ê được chúa Trời ban cho sự sống. Để xem tình hình xung quanh như thế nào, ông Nô – ê đã thả ra một con chim bồ câu để do thám. Lần đầu, con chim quay về tàu vì xung quanh toàn là nước, không có chỗ đậu. Bảy ngày sau, ông Nô – ê lại thả cho nó bay lần nữa và lần này thì chim bồ câu bay trở về, trên mỏ còn ngậm cành lá ô liu tươi (vì nước đã rút xuống, mặt đất đã trở lại yên bình).

Sau này, hình ảnh chim bồ câu ngậm cành ô liu trở thành biểu tượng của hòa bình thế giới, của cuộc sống an bình.

Vài nét về cây ô liu và dầu ô liu

Cây ô liu có tên khoa học là Olea europaea, thuộc họ Ô liu. Ở nước ta có thể trồng loại cây này nhưng ít thấy (ở miền Nam vẫn có người trồng được). Nhìn chung, cây này phù hợp với khí hậu những vùng như duyên hải Địa Trung Hải. Cây được trồng chủ yếu để thu hoạch quả làm dầu ô liu (1).

Cây ô liu cổ thụ ngàn năm tuổi
Cây ô liu cổ thụ ngàn năm tuổi

Với dầu ô liu thì đây là loại dầu nổi tiếng và quen thuộc với nhiều chị em, nhất là các chị em thích làm đẹp. Chất dầu này được chiết xuất từ quả ô liu. Mỗi 100 g dầu chứa đến 885 kcal – một mức năng lượng rất cao. Được biết, đây là loại dầu cung cấp nhiều loại chất béo như chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, omega 3, omega 6, vitamin E và vitamin K… (2).

Dầu ô liu với làm đẹp

Với dầu ô liu, bạn có thể dùng làm đẹp cùng với bột trà xanh. Thời còn sinh viên, hội chị em phụ nữ ký túc xá của mình rất thích đắp loại này.

Này nhé, bạn múc 1 muỗng bột trà xanh rồi nhiễu một ít dầu ô liu vào, quậy đều cho nó sệt sệt thì thoa lên mặt. Hỗn hợp này thoa lên rất dễ thấm và bạn có cảm giác rất dễ chịu, không nhờn bóng như dầu ăn, dầu gấc hay dầu dừa. Sau khi thoa, bạn chỉ cần rửa mặt rồi dùng khăn lau khô là da sẽ trắng mịn lên hẳn.

Mỗi tuần, bạn chỉ cần đắp một hai lần và mỗi lần chỉ đắp khoảng 15 phút là được rồi nhé!

Thông tin thêm: Nếu tóc bạn khô xơ, bạn cũng có thể hâm cho dịch dầu hơi ấm rồi massage lên tóc. Sau 20 phút, bạn gội đầu bằng một ít dầu gội thông thường thì tóc bạn sẽ khỏe mạnh và dài nhanh hơn.

Công dụng của dầu ô liu với sức khỏe

Không chỉ có công dụng làm đẹp, loại dầu này còn được biết đến là loại thực phẩm thân thiện với sức khỏe. Đó là vì loại dầu này không chỉ giúp chống ô xy hóa, chống viêm, giúp giảm dị ứng mà còn mang lại nhiều lợi ích khác như:

  • Tốt cho tim mạch: Được biết, loại dầu này giúp giảm lượng mỡ xấu trong máu, đồng thời duy trì lượng mỡ tốt và từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch (như bệnh về van tim, rồi loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch và đột quỵ…) (dùng 4 muỗng canh).
Dầu ô liu thích hợp cho các món salad
Tinh dầu thích hợp cho các món salad
  • Chống oxy hóa và giảm nguy cơ ung thư: Việc sử dụng dầu ô liu thường xuyên có thể giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lão hóa và ngăn ngừa ung thư.
  • Ngăn ngừa béo phì: Mặc dù có chứa chất béo nhưng dùng một lượng vừa phải dầu sẽ giúp bạn có cảm giác mau no hơn, nhờ đó mà bạn cũng ít nạp thêm thức ăn hơn.
  • Tốt cho hệ tiêu hóa: Không chỉ giúp cải thiện đường tiêu hóa, dầu ô liu còn được biết đến là loại dầu thực vật có thể hỗ trợ ngăn ngừa sỏi túi mật và giúp nhuận tràng, giảm táo bón (dùng 30 ml).
  • Ngăn ngừa tiểu đường: Được biết, đây là thực phẩm lành mạnh giúp giảm lượng đường trong máu, vì vậy, nó có khả năng phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 (dùng 20 g mỗi ngày). Ngoài ra, với những người bị viêm khớp dạng thấp thì dùng dầu này cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt (3) (4).

Lưu ý khi dùng dầu ô liu

  • Đối tượng: Nhìn chung, dầu ô liu ít gây các tác dụng phụ nhưng với những người quá mẫn cảm thì cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng. Bên cạnh đó, các bà bầu và bà mẹ sau sinh thì nên hạn chế. Ngoài ra, với những người có lượng đường huyết trong máu thấp thì cũng không nên dùng dầu này (vì dầu có tác dụng hạ đường huyết).
  • Trong chế biến: Bạn không nên dùng dầu này trong các món cần nhiệt độ cao (như chiên) mà nên dùng trong các món như: làm nước sốt, trộn gỏi, làm nước chấm hoặc xào nhẹ… (3).
  • Liều lượng: Cuối cùng, không nên lạm dụng dầu này mà chỉ nên xem như một thực phẩm bổ sung hàng ngày thay thế cho dầu ăn thông thường (hoặc dùng theo chỉ định của bác sĩ).
Nguồn tham khảo
  1. Ô liu, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94_liu, ngày truy cập: 03/ 09/ 2020.
  2. Dầu cây ô liu, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BA%A7u_%C3%B4_liu, ngày truy cập: 03/ 09/ 2020.
  3. Dầu cây ô liu: Công dụng và rủi ro, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/dau-o-liu-cong-dung-va-rui-ro/?link_type=related_posts, ngày truy cập: 03/ 09/ 2020.
  4. Dầu cây ô liu: Công dụng, tác dụng phụ, tương tác, tiều lượng và cảnh báo, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/dau-o-liu-cong-dung-tac-dung-phu-tuong-tac-tieu-luong-va-canh-bao/, ngày truy cập: 03/ 09/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện