Vâng, bài này có thể khiến bạn thất vọng, nhưng thật sự thì rất khó để có thể cho ra sản phẩm dầu gội thảo dược với thành phần tự nhiên 100 %. Nói là “rất khó” nghĩa là vẫn có thể, chỉ là sẽ tốn kém hơn, mất thời gian hơn và khó bán hơn.
Dầu gội thảo dược có dùng hoá chất bảo quản không ?
Thứ nhất, muốn để được lâu thì bạn bắt buộc phải dùng chất bảo quản. Cái này không thể cực đoan được vì nếu bạn không dùng chất bảo quản thì sau 2 ngày, dầu gội sẽ lên men hoặc bị ôi thiu và hư hỏng. Nếu bạn dùng nó gội, da đầu của bạn sẽ bị ngứa, dị ứng và thậm chí là rụng tóc. Vì vậy, bắt buộc bạn phải dùng chất bảo quản. Câu hỏi chỉ là: bạn sẽ dùng chất bảo quản có nguồn gốc từ tự nhiên hay chất bảo quản tổng hợp? Cái này còn tùy vào điều kiện kinh tế. Bạn biết đấy, các chất bảo quản có nguồn gốc tự nhiên thường có giá thành rất cao.
Dầu gội thảo dược dùng hương tự nhiên hay hương liệu tổng hợp ?
Thứ hai, dầu gội thảo dược nếu nấu theo phương pháp truyền thống, nghĩa là gom cỏ mần trầu, lá ổi, vỏ bưởi, hương nhu, sả, chanh, dâu tằm, ngũ sắc, bồ kết, bồ hòn… nấu chung (hoặc cái nấu trước cái nấu sau, kể cả lên men bồ hòn…) thì sản phẩm tạo ra cũng sẽ nặng mùi thảo dược và gây bết tóc. Vì vậy, để có mùi thơm dễ chịu thì chắc chắn người làm dầu gội phải cho thêm hương liệu (thường là hương liệu hoặc hương liệu kết hợp tinh dầu chứ khó có thể dùng tinh dầu 100 % vì dùng tinh dầu nhiều sẽ gây khô tóc, giá tinh dầu cũng cao). Vì vậy, hương liệu là cần thiết để mang lại trải nghiệm tốt khi gội, vấn đề chỉ là chọn hương liệu chất lượng hay hương liệu dỏm thôi.
Còn về phần gây bết tóc thì chắc chắn rồi, thảo dược cô đặc mà, với lại lá ổi và nhiều thành phần khác chứa nhiều tanin nên sẽ gây bết, vì vậy, bạn sẽ khó bán vì người tiêu dùng khó sử dụng. Để hết bết tóc thì phải cho thêm chất làm mượt như hóa chất PQ 10 hoặc chiết xuất từ trái oliu Ollvatis 15 C, ngoài ra còn nhiều chất làm mượt khác.
Dầu có thêm phụ gia gì khác không ?
Thứ ba, dù bạn cô đặc như thế nào thì dầu gội của bạn cũng sẽ không thể sánh dẻo như các loại dầu gội thường thấy, vì vậy, đa phần người làm dầu gội thảo dược sẽ cho thêm chất tạo đặc như PEG 150 hoặc các chất tạo đặc khác. Hiển nhiên, người làm dầu gội có thể dùng các loại thảo dược có nhớt, có tinh bột để tạo đặc nhưng nếu chọn cách này thì sau một thời gian, dầu gội sẽ bị đóng cặn hoặc tụ thành từng mảng nhớt, khó có thể trong veo và sánh đều như ban đầu.
Thứ tư, dù bạn có dùng nhiều loại lá cây hay thảo dược có chức năng tạo bọt thì bọt của nó cũng sẽ mau vỡ, ít và bọt to chứ khó có được bọt mịn. Vì vậy, người làm dầu gội thường phải dùng thêm chất tạo bọt. Có nhiều chất tạo bọt lắm. Hóa chất thì có thể kể đến SLS (Sodium Lauroyl Sarcosnate), rẻ và nhiều bọt, lợi nhuận cao nhưng lại không thân thiện với tóc. Ngoài ra còn có chất tạo bọt từ dừa, thân thiện với tóc hơn (như Decyl glucoside…).
Thứ năm, để có được màu dầu gội bắt mắt, xanh trong hoặc vàng trong thì bắt buộc phải cho thêm màu. Hiển nhiên, bạn cũng có thể dùng màu tự nhiên như màu hoa đậu biếc, màu lá cẩm…
Ngoài ra, nhiều người làm dầu gội còn dùng thêm một số chất khác và đó là bí mật của họ, để giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn, sánh đẹp hơn, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Ở đây, cần nói rõ rằng không phải hóa chất là xấu. Nhiều hóa chất có ưu điểm riêng của nó nếu bạn dùng đúng liều. Trong danh sách các chất mình vừa kể trên, có chất có thể gây dị ứng với một số cơ địa mẫn cảm nhưng cũng có những chất an toàn, không gây tác dụng phụ, miễn là bạn sử dụng đúng tỉ lệ. Khi cân hóa chất, bạn nên sử dụng cân tiểu ly để chính xác từng gam.
Có thể tự làm dầu gội thảo dược
Nói tóm lại, bạn cũng có thể làm dầu gội thảo dược với thành phần 100 % tự nhiên nhưng sẽ tốn nhiều chi phí, công sức và thời gian hơn. Mặt khác, bạn cũng có thể dùng thêm một số chất hỗ trợ (như chất tạo bọt, chất tạo đặc, chất bảo quản…) có nguồn gốc từ tự nhiên.
Ngoài ra, công thức thảo dược của bạn cũng phải tối ưu về nguyên liệu và tỉ lệ. Vì là dầu gội thảo dược nên thành phần thảo dược sẽ nhiều và ở một số công thức, tỉ lệ thảo dược lên đến 60 %. Vì vậy, ngay trong khâu tuyển chọn nguyên liệu, bạn cũng cần ưu tiên các thành phần có tính kháng khuẩn cao (để dầu gội lâu hư hơn).
Cuối cùng, dầu gội nào cũng có hạn sử dụng, vì vậy, bạn cần test hạn sử dụng của dầu gội và khi thấy dầu gội có dấu hiệu hôi, đổi mùi lạ… thì nên bỏ. Để dễ test hạn sử dụng, hạn có thể mua tủ lạnh loại mini hay dùng cho xe hơi (chọn loại có thể chỉnh nhiệt nóng lên 45 độ) và cho dầu gội vào đó. Với nhiệt độ nóng ẩm ấy, nếu dầu gội của bạn vẫn không hư hỏng thì bạn có thể yên tâm sử dụng trong thời gian thử nghiệm ấy.
Lời khuyên cho bạn là: nếu bạn muốn làm dầu gội thì tốt nhất là bạn nên mua khóa học (tầm 2 – 5 triệu đồng). Nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí nhiều hơn rất nhiều so với việc bạn tự mày mò nghiên cứu. Sau khi mua khóa học, bạn cũng nên tra cứu lại thành phần hoạt chất trong công thức đó, xem cái nào cần bỏ ra, cái nào cần gia giảm tùy theo nhu cầu của bạn.
Chúc bạn thành công!