Kho tàng cây thuốc Việt Nam có rất nhiều loài không thuộc chi Sâm nhưng vẫn được gọi là sâm như sâm tanh tách, sâm bố chính, đảng sâm… và đan sâm.
Đan sâm (ĐS), ngay từ tên gọi đã cho thấy đặc điểm và tính chất của nó: củ của một loài cây cho hiệu quả tốt như sâm và có lớp vỏ ngoài màu đỏ (đan là màu đỏ). Mặt khác, cũng cần phải nói ĐS là vị thuốc điều trị được nhiều bệnh phụ khoa nhưng cũng có những lưu ý riêng khi dùng. Vậy, những trường hợp nào có thể dùng ĐS và những trường hợp nào không nên dùng đan sâm?
Vài nét về đan sâm
Cây đan sâm có tên khoa học là Salvia miltiorrhiza, thuộc họ Hoa môi (1). Hiện nay, ĐS được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Khác với đảng sâm là loại dây leo, ĐS là loại cỏ sống lâu năm, có hoa màu tím xanh và toàn thân đều có lông ngắn màu vàng nhạt. Củ ĐS cũng không ngọt như đảng sâm (hay sâm tanh tách) mà có vị đắng, tính mát.
Đan sâm, vị thuốc bổ đa công dụng
Không chỉ là vị thuốc chuyên trị các bệnh phụ nữ như bế kinh, vô kinh, đau bụng kinh, đan sâm còn có tác dụng trục thai chết trong bụng ra.
Ngoài ra, vị thuốc này còn có các công dụng khác như:
- Bổ huyết, hoạt huyết (trục huyết ứ) và làm tăng lưu thông máu.
- Tiêu sưng, giảm đau và làm tinh thần thanh thản.
- Điều trị bệnh tim và động mạch vành.
- Điều trị tâm hư sinh phiền nhiệt, hồi hộp khó chịu.
- Điều trị nhức đầu, suy nhược thần kinh.
- Điều trị các khớp sưng đau, phong thấp.
- Điều trị bụng dưới kết hòn cục.
- Điều trị mụn độc, ghẻ lở, mẩn ngứa và vàng da.
Liều lượng: Mỗi ngày dùng 8 – 15 g đan sâm, sắc lấy nước uống (2).
Tham khảo: Tam thất hoang (sâm vũ diệp) loại sâm quý của Việt Nam
Một số bài thuốc có dùng đan sâm
1. Điều trị chứng suy tim
Suy tim là một trong những căn bệnh nguy hiểm và phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi dùng tân dược điều trị, nhiều người lại than thở về những tác dụng phụ của nó (nhất là các vấn đề về nội tạng).
Từ đó, nhu cầu dùng thảo dược với tác dụng phụ ít hơn và hiệu quả triệt để hơn đã được quan tâm dần trong thời gian gần đây. Đó cũng là lý do mà các thông tin về thảo dược, các khóa học điều trị bệnh bằng liệu pháp bấm huyệt, châm cứu, kê toa… ngày càng nở rộ (nhất là ở TP. HCM).
Riêng nói về bệnh suy tim thì có nhiều loại thảo dược điều trị căn bệnh này. Trong đó, có thể kể đến cách sắc chung đan sâm với mộc thông, bạch truật, xa tiền, bo bo, trạch tả, xuyên khung, ngưu tất (mỗi loại đều 16 g), cùng với đẳng sâm (20 g) (2).
2. Điều trị chứng kinh nguyệt mau và nhiều
Điều đặc biệt khi nói về ĐS là công năng vừa cầm máu lại vừa phá máu ứ, từ đó sản sinh ra máu mới và làm lưu thông máu. Vì thế, bạn có thể thấy đan sâm trong các thang thuốc điều trị vô kinh và ngược lại – trong các thang thuốc giúp cầm máu, điều trị chứng kinh nguyệt mau và nhiều.
So với bế kinh, tắc kinh thì chứng kinh nguyệt nhiều ít gặp hơn nhưng nếu gặp phải thì thường gây ám ảnh các chị em phụ nữ nhiều hơn (bởi máu kinh ra nhiều và đóng thành từng mảng).
Như vậy, trong trường hợp này, các bạn có thể tham khảo bài thuốc sau: đan sâm (8 g), huyền sâm, xuyên khung, địa cốt bì và ngưu tất (mỗi vị 8 g), sinh địa (12 g), ích mẫu (16 g), cây nhọ nồi (dùng tươi, 20 g), tất cả cùng sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang (riêng cỏ nhọ nồi cũng đã là vị thuốc Nam nổi tiếng với công dụng cầm máu) (2).
3. Điều trị đau bụng kinh, bế kinh, mất kinh
Như đã nói ở trên, ĐS có tính tán huyết, phá máu ứ nên thường được dùng trong các trường hợp như:
- Điều trị đau bụng kinh, bế kinh: dùng đan sâm, địa hoàng và củ đương quy (mỗi vị 10 g), bạch thược và xuyên khung (mỗi vị 5 g), củ cỏ gấu (6 g), sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Điều trị mất kinh: lấy đan sâm và bo bo (mỗi loại 12 g), củ cỏ gấu, vỏ quýt khô, bán hạ chế, chỉ xác, nga truật (củ nghệ đen), uất kim (mỗi vị 8 g) và đảng sâm (16 g), sắc lấy nước uống.
- Điều trị tắc kinh: dùng đan sâm (30 g), thiến thảo (15 g) và mai mực (60 g), sắc lấy nước uống (2) (3).
Tham khảo: Đảng sâm (hay đẳng sâm) loài nhân sâm của người nghèo
Những lưu ý khi dùng đan sâm
- Nhìn chung, đan sâm là vị thuốc bổ đa công dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng ĐS cũng cần linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể và nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng (liều dùng đan sâm thông thường khá thấp, chỉ từ 15 g trở xuống, tuy nhiên, trong một vài trường hợp, có thể dùng đến 30 g và thậm chí là 50 g tùy theo chỉ dẫn của thầy thuốc).
- Những người máu quá loãng và phụ nữ mang thai không nên dùng đan sâm (3).
- Không nên lạm dụng vị thuốc này vì theo GS Đỗ Tất Lợi, phàm những người không có ứ huyết thì không nên dùng đan sâm (4).
Tham khảo: Sâm bố chính – Sự thật về loại nhân sâm giá rẻ của người Việt