Cúc vạn thọ điều trị nhức đầu, kinh phong và quai bị

Hoa vạn thọ

Cúc vạn thọ, ngay từ tên gọi đã cho thấy ý nghĩa của nó: ước mong cuộc sống được khỏe mạnh, trường thọ. Không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều yêu quý loài hoa này.

Kỳ thực, chi Cúc vạn thọ (CVT) có đến 60 loài nhưng chỉ có một số loài được dùng làm thuốc (thường thấy nhất là cúc vạn thọ đơn và cúc vạn thọ kép).

Vài nét về cúc vạn thọ kép và cúc vạn thọ đơn

Hoa vạn thọ nói chung có mùi thơm hơi gắt mũi nhưng sắc màu của nó thì tuyệt vời. Thông thường, vào ngày Tết hoặc các ngày rằm, bạn sẽ thấy người ta bày bán rất nhiều hoa vạn thọ. Đó thường là những chậu hoa hay những nhánh hoa cao to, tròn mũm và có màu vàng sáng, trông rất bắt mắt. Loại đó là vạn thọ kép, hay còn gọi là vạn thọ cao, có tên khoa học là Tagetes erecta, thuộc họ Cúc: Asterceae (1).

Cây cúc vạn thọ
Cây cúc vạn thọ kép (CVT cao), hoa to, thân nhánh cao

Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ thấy những chậu vạn thọ nhỏ hơn, thân chỉ cao khoảng 40 cm và các nhánh con lòe xòe xung quanh, hoa của nó cũng nhỏ hơn và có màu vàng đậm hơn. Đó là hoa vạn thọ đơn, hay còn gọi là vạn thọ lùn, có tên khoa học là Tagetes patula (2) (3).

Cúc vạn thọ đơn (cúc vạn thọ lùn)
Cúc vạn thọ đơn (cúc vạn thọ lùn), hoa nhỏ, thân nhánh thấp

Công dụng của cây vạn thọ kép

Hoa, lá và rễ cây vạn thọ kép (vạn thọ cao) đều có thể dùng làm thuốc. Lương y Việt Cúc – người được nhân dân Nam Bộ xưng tụng là “Tuệ Tĩnh thứ hai” có viết về cúc vạn thọ như sau:

Vạn thọ hoa bình, nhẫn, vị thơm

Thanh tâm, giáng hỏa lại tiêu đờm.

Cây thì thông khí, ho, phong trị

Lá mát phổi gan, giải nhiệt hơn” (4).

Trong y học cổ truyền, từ lâu, hoa vạn thọ đã được dùng trong các bài thuốc điều trị ho gà, viêm khí quản, viêm miệng, nhức răng và đau mắt (10 – 15 g thuốc sắc mỗi ngày). Mặc dù hoa của nó có mùi hương hơi gắt và có vị đắng nhưng dùng làm thuốc thì khá tiện lợi.

Bên cạnh hoa thì lá vạn thọ kép cũng thường được dùng chung với hoa trong các trường hợp như:

  • Thanh nhiệt, hóa đàm.
  • Nhức đầu, hoa mắt và đau mắt.
  • Trẻ em kinh phong, cảm mạo.
  • Điều trị sưng vú và quai bị.

Liều lượng: Mỗi ngày sắc uống từ 4 – 12 g hoa, lá (2) (3).

Bên cạnh đó, nếu bị viêm tuyến mang tai (hay viêm vú), có thể lấy một lượng bằng nhau hoa vạn thọ kép với thất diệp nhất chi hoa và kim ngân hoa, giã nát rồi trộn với giấm và đắp lên da (4). Nếu da bị viêm mủ, có thể nghiền rễ và lá cây tươi rồi đắp lên (4).

Bệnh hen suyễn: Ngoài ra, người bị bệnh hen cũng có thể dùng kết hợp cúc vạn thọ kép với thài lài tía, rau cần trôi, tinh tre mỡ, củ tầm sét và rễ cây bạch đồng nữ (mỗi vị 10 g), sắc uống trong ngày (2) (3).

Công dụng làm thuốc của cúc vạn thọ đơn

CVT đơn cũng có vị đắng nhưng tính bình và ít được dùng làm thuốc hơn so với CVT kép. Loại này được biết đến với các công dụng như: thanh nhiệt, lợi thấp, điều trị ho và lỵ (sắc uống 12 – 20 g mỗi ngày) (2) (3).

Một số nghiên cứu về cúc vạn thọ kép

  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Fitoterapia, nhiều hoạt chất có trong chiết xuất hoa vạn thọ kép đều có tác dụng chống oxy hóa, trong đó, quercetagetin là loại có khả năng chống oxy hóa mạnh nhất (5).
  • Hoạt tính chống côn trùng: Theo tạp chí Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine, chiết xuất etanolic từ hoa vạn thọ kép có tác dụng chống côn trùng, cụ thể là loài muỗi Culex quonthefasciatus – loài muỗi trung gian truyền bệnh cho người (6).
  • Giúp giảm chai sạn bàn chân: Một đánh giá thử nghiệm về vai trò của cúc vạn thọ đối với các vết chai sạn bàn chân đã cho thấy CVT có tác dụng tích cực đối với các vết chai sạn: làm giảm độ dài, độ rộng và cả sự đau đớn do các vết chai sạn gây ra (7).
  • Hoạt tính giảm đau: Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy với liều lượng phù hợp, chiết xuất từ hoa vạn thọ có tác dụng chống viêm và giảm đau (8).
Nguồn tham khảo
  1. Vạn thọ, https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%A1n_th%E1%BB%8D, ngày truy cập: 19/ 01/ 2020.
  2. Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh, NXB Y học, 2006, trang 102.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 591.
  4. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 178.
  5. Investigation into the antioxidant activity and chemical composition of alcoholic extracts from defatted marigold (Tagetes erecta L.) residuehttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0367326X11003273, ngày truy cập: 19/ 01/ 2020.
  6. Tagetes erecta Linn. and its mosquitocidal potency against Culex quinquefasciatus, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2221169111600245, ngày truy cập: 19/ 01/ 2020.
  7. Podiatric Treatment of Hyperkeratotic Plantar Lesions with Marigold Tagetes erecta, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/(SICI)1099-1573(199605)10:3%3C211::AID-PTR813%3E3.0.CO;2-7, ngày truy cập: 19/ 01/ 2020.
  8. Studies on the antioxidant and analgesic activities of Aztec marigold (Tagetes erecta) flowers, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/ptr.2550, ngày truy cập: 19/ 01/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện