Hoa cúc làm thuốc có rất nhiều loại, trong đó có cúc hoa trắng và cúc hoa vàng. Ngày nay, cúc hoa trắng ít được trồng hơn vì năng suất thu hoạch thấp hơn cúc hoa vàng. Tuy nhiên, hoa của cây này lại có nhiều dược tính quan trọng, đặc biệt là tác dụng đối với với mắt.
Ngày nay, ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, loài hoa này được trồng chủ yếu để làm thuốc, làm cảnh, ướp chè và nấu rượu.
Vài nét về cúc hoa trắng
Cúc hoa trắng còn được gọi là bạch cúc, có tên khoa học là Chrysanthemum sinense (1).
Ở Trung Quốc, cây được gọi là mao hoa cúc (毛华菊) là vì thân của nó có lớp lông trắng mềm bao phủ và mặt dưới lá cũng có lông trắng mốc.
Nhìn chung, cúc hoa trắng cũng giống nhiều loại cúc khác: lá xẻ thùy, hoa mọc thành cụm và cây có thể sống nhiều năm. Nếu muốn nhân giống, bạn có thể chọn cách giâm cành vì nó hiệu quả và dễ thực hiện.
Thu hái và sơ chế cúc hoa trắng
Khi thấy hoa vừa nở, chúng ta hái rồi đem phơi trong bóng râm cho khô dần. Ngoài ra, có một cách sơ chế thứ hai là xông lưu huỳnh để bảo quản được lâu hơn.
Cách làm như sau: hoa cúc sau khi thu hái xong, ta đem quây cót rồi xông lưu huỳnh cho đến khi hoa chín mềm thì đem nén một đêm và phơi 3, 4 nắng cho khô (lưu ý, vào những ngày trời râm, không phơi được ban ngày thì ban đêm phải tiếp tục xông lưu huỳnh để chống ẩm mốc) (2) (3).
Chính vì vậy, khi mua hoa cúc, bạn nên chọn nguồn cung uy tín để tránh tình trạng thuốc bị xông quá nhiều lưu huỳnh, gây nguy hại cho sức khỏe.
Công dụng làm thuốc của cúc hoa trắng
Ở Trung Quốc, cúc hoa trắng được biết đến là vị thuốc “thanh nhiệt giải độc, thanh can minh mục” (giúp mát gan, làm sáng mắt) (1).
Ở nước ta, cùng với trà thảo quyết minh và trà kỷ tử; trà hoa cúc cũng trở thành một trong bộ ba thảo dược tốt cho mắt, đặc biệt là những người bị cận thị, hay mỏi mắt.
Khác với cúc hoa vàng có vị cay đắng và có tính ôn (ấm); hoa có vị ngọt và có tính hàn. Vì vậy, tác dụng thanh nhiệt có thể được xem là chủ đạo của loại hoa này (3).
Theo y học cổ truyền, cúc hoa trắng có nhiều công dụng như:
- Thông vào phổi, gan và thận, giúp giải độc, làm sáng mắt.
- Tính hơi hàn giúp giáng hỏa.
- Giúp giảm nhức đầu, chảy nước mắt và đau mắt do nóng nhiệt.
- Giúp hạ huyết áp và hạ sốt (điều trị cao huyết áp).
Liều lượng: Mỗi ngày, lấy từ 9 – 15 g hoa, sắc lấy nước uống. Ở Trung Quốc, trà hoa cúc trắng cũng được biết đến với tác dụng làm giảm chóng mặt, giảm đau dây thần kinh và hạ huyết áp (mỗi lần hãm từ 2 – 6 g hoa khô) (2) (3).
Các bài thuốc kết hợp từ cúc hoa trắng
1. Điều trị suy nhược thần kinh, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ và kém trí nhớ
- Chuẩn bị: cúc trắng khô, sinh địa hoàng, đương quy, câu kỷ tử, phục linh (mỗi loại 20 g); toan táo nhân (25 g); xuyên khung, nhân sâm, hoàng bá (mỗi loại 10 g), tục tùy tử, bạch truật, viễn chí và mạch môn (mỗi loại 15 g).
- Thực hiện: cho thuốc vào nồi rồi đổ 800 ml nước vào, sắc cho đến khi nước rút còn lưng 1 chén thì chắt ra, chia thành 2 lần uống trong ngày (2).
2. Điều trị viêm não Nhật Bản B
- Chuẩn bị: cúc hoa trắng, kim ngân hoa và liên kiều (mỗi loại 10 g), thạch cao (30 g); cam thảo, thanh cao, hoàng cầm (mỗi loại 6 g), cát cánh và dành dành (mỗi loại 5 g) và bạc hà (2 g).
- Thực hiện: cho các vị thuốc vào nồi rồi đổ 1 chén nước vào, nấu trong 20 phút thì chắt ra và uống hết trong 1 lần (2).
Thông tin thêm
- Tinh dầu cúc trắng: Được biết, tinh dầu nụ cúc trắng có thể kháng lại nhiều loại vi khuẩn, trong đó có trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng và E.coli (2).
- Tác dụng lợi tiểu: Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy chiết xuất glycosid từ hoa cúc trắng có tác dụng lợi tiểu kèm theo hạ huyết áp (2).
- Phản ứng phụ: Sau khi dùng các chiết xuất từ hoa cúc trắng, một số người có thể gặp phải các biểu hiện như chướng bụng nhẹ, ợ chua, buồn nôn, nhức đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng trên sẽ tự biến mất (2).
- Công dụng của lá: Để giảm mụn nhọt, dân gian dùng lá cây này giã nát với chút muối rồi đắp lên da (2).
- Đối tượng cần tránh: Người bị huyết áp thấp không nên dùng.