Cúc bách nhật điều trị viêm phế quản, viêm khí quản và ho lao

Hoa cúc bách nhật

Đến Đà Lạt, bạn có thể mua rất nhiều loại hoa sấy khô mà màu sắc và hình dáng của chúng thì không khác gì so với lúc còn tươi, trong số đó có cúc bách nhật (hay còn gọi là bách nhật hồng, bông nở ngày).

Gọi là cúc bách nhật vì cây này cho hoa rất nhiều, bền màu và nở hầu như quanh năm (“bách nhật” hiểu theo nghĩa hoán dụ là rất nhiều ngày). Và khác với nhiều loài hoa khác, khi bạn dùng tay sờ vào hoa thì nó không mềm mịn mà hơi nhám (hoa thường có màu hồng tím, thỉnh thoảng cũng thấy loại có màu đỏ tía).

Công dụng làm thuốc của cây cúc bách nhật (bách nhật hồng)

Nói về cúc bách nhật là nói đến loài hoa vừa được trồng làm cảnh vừa được dùng làm thuốc. Cây có tên khoa học là Gomphrena globosa (1).

Hoa cúc bách nhật
Cúc bách nhật (loại hoa đỏ)

Theo y học cổ truyền thì cả cụm hoa, cành và lá của cây đều được dùng làm thuốc (trong đó, hoa của cây thường được dùng nhiều hơn).

Công dụng:

  • Điều trị hen phế quản.
  • Điều trị viêm khí quản cấp và mãn tính.
  • Điêu trị viêm phế quản cấp và mãn tính.
  • Giúp giảm ho, điều trị ho lao, ho gà, ho ra máu.
  • Điều trị đau mắt và nhức đầu.
  • Điều trị đầy hơi, chướng bụng đau đớn.
  • Điều trị tiểu tiện khó.

Liều lượng: mỗi ngày sắc uống từ 9 – 16 g hoa và thân lá (nếu là người lớn), từ 4 – 8 g hoa và thân lá (nếu là trẻ em từ 5 – 10 tuổi). Lưu ý không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi (2).

Ghi chú: Trong một số trường hợp cần dẫn thuốc nhanh thì dân gian thường đổ thêm một ít rượu trắng vào chén thuốc đã sắc rồi uống (3).

Ngoài ra, khi bị chấn thương ngoài da gây bầm tím thì cũng có thể hái nhánh cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên (2).

Một số bài thuốc kết hợp thường dùng

Bạn có thể gặp hoa cúc bách nhật trong các thang thuốc như:

1. Điều trị viêm khí quản, viêm phế quản và hen suyễn

  • Thành phần: 30 g cúc bách nhật (chỉ lấy cụm hoa) và 30 g kim tiền thảo.
  • Cách dùng: nấu lấy nước uống hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
  • Ghi chú: Đây là bài thuốc dễ tìm, dễ nấu. Tuy nhiên, trong dân gian còn lưu truyền bài thuốc khác cũng điều trị các chứng bệnh này (chẳng hạn như bài thuốc sắc gồm 6 g hoa cúc bách nhật, 6 g tỳ bà diệp, 10 g lá nhót và 6 g thất diệp nhất chi hoa) (2).

2. Điều trị ho ra máu, ho gà và ho lao

  • Thành phần: 10 g cúc bách nhật (chỉ lấy cụm hoa) và 9 g long nha thảo (hay còn gọi là cỏ răng rồng).
  • Cách dùng: rửa sơ qua với nước rồi cho vào ấm, nấu lấy nước uống (2).
Hoa cúc bách nhật
Hoa cúc bách nhật

3. Điều trị mờ mắt, mắt đỏ sưng đau và bệnh kinh phong ở trẻ nhỏ

  • Thành phần: 15 g cúc bách nhật (lấy cụm hoa), 2 g cúc hoa, 6 g cương tàm và 15 g câu đằng.
  • Cách dùng: tất cả rửa sạch rồi sắc uống hàng ngày.
  • Ghi chú: chỉ dùng cho trẻ trên 5 tuổi. Ngoài ra, nếu không tìm đủ các vị khác thì có thể dùng mỗi 2 g hoa cúc bách nhật, nấu uống hàng ngày để điều trị kinh phong ở trẻ nhỏ và giúp sáng mắt (2).

Các nghiên cứu về cúc bách nhật

Trên thế giới, các nghiên cứu về dược tính của loài cây này còn khá hạn chế, chủ yếu là tập trung vào đặc tính sinh học và tính ứng dụng trong đời sống. Trong đó, có thể kể đến các công dụng đáng chú ý như:

  • Làm chất tạo màu: Theo tạp chí Food Chemistry, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất betacyanin từ hoa cúc bách nhật có tiềm năng làm chất tạo màu tự nhiên cho ngành công nghiệp thực phẩm (thay thế chất tạo màu tổng hợp) (4).
  • Hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm: Theo tạp chí Food and Function, sắc tố được chiết xuất từ hoa cúc bách nhật còn có nhiều đặc tính sinh học đang chờ khám phá, trước tiên là kháng khuẩn và kháng nấm (5).
Nguồn tham khảo
  1. Nở ngày, https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BB%9F_ng%C3%A0y, ngày truy cập: 13/ 08/ 2020.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 571.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 602.
  4. Betacyanins from Gomphrena globosa L. flowers: Incorporation in cookies as natural colouring agents, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0308814620310402, ngày truy cập: 13/ 08/ 2020.
  5. Enhancing the antimicrobial and antifungal activities of a coloring extract agent rich in betacyanins obtained from Gomphrena globosa L. flowers, https://pubs.rsc.org/no/content/articlelanding/2018/fo/c8fo01829d/unauth#fn1, ngày truy cập: 13/ 08/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện