Mình có đứa em họ đẹp trai mà da đen nhẻm vì suốt ngày phơi nắng phơi gió, chẳng bao giờ chịu ở trong nhà được một buổi trọn vẹn. Tự nhiên, một ngày nọ, phần má và cổ của nó có vết trắng lên.
Lúc đó mình còn nhỏ lắm. Vì vậy, với trí óc trẻ con, cả đám con nít tụi mình khấp khởi mừng vui vì nó sắp “thay da đổi thịt”. Ngờ đâu, cái vết trắng loang ra ngày càng rộng khiến làn da của nó chỗ trắng chỗ đen, trông càng lem nhem dữ. Nó đưa bà ngoại xem. Bà ngoại bảo đó là lang ben.
Từ khi xuất hiện những vết loang lổ ấy thì vẻ đẹp trai của nó dường như tan biến. Bà ngoại thấy vậy thì tìm thuốc cho nó. Thế là, ngày nào mình cũng thấy bà ngoài lôi nó vào, xoa thứ nước gì đó lên những vết trắng loang lổ đó (mỗi ngày 2 lần như vậy).

Nói về bà ngoại thì mình rất khâm phục cái tính kỷ luật của bà, khi bà đã là gì thì phải làm đến nơi đến chốn, nhất là khâu trị bệnh. Dù có đi chơi đâu thì đến giờ, bà cũng lôi về bôi cho nó. Ban đầu nó hay kêu nóng nhưng dần thì quen lại đâm ra ghiền hay sao ấy (nên tự động nhắc bà làm cho).
Khoảng 2 tuần sau, da dẻ nó đều màu lại chứ không còn loang lổ nữa, nhờ vậy mà lấy lại được vẻ đẹp trai.
Lúc còn bé, mình cũng chẳng để ý đến bài thuốc đó, sau này đi học có đứa bạn cũng bị lang ben, mình mới nhớ ra chuyện cũ và hỏi ngoại bài thuốc thì bà chỉ cặn kẽ như sau:
Thành phần bài thuốc bao gồm:
- Củ riềng tươi liều lượng vừa đủ.
- Giấm (loại giấm thanh, giấm nuôi càng tốt).

Cách dùng:
Củ riềng đem rửa sạch, cạo vỏ và giã nát rồi cho vào nồi nhỏ, sau đó đổ giấm vào (cho ngập riềng) rồi đun sôi kỹ. Lúc nước còn đang ấm nóng, dùng bông gòn nhúng vào và bôi đều toàn bộ vùng da có lang ben. Mới bắt đầu bôi, bạn sẽ thấy rát nhưng một lát sau sẽ thấy dễ chịu và đỡ ngứa. Sau khoảng 1 tuần, các vết trắng mờ dần, sau 2 tuần thì da dẻ sẽ trở nên bình thường như trước đây.
Thật lòng, mình luôn rất yêu kính bà ngoại. Bà là quyển bách khoa toàn thư, là một “bác sỹ đại tài” của gia đình. Chuyện gì đến tay bà cũng được giải quyết gọn gàng tận gốc bằng những bài thuốc dân dã dân gian.
Vài nét về củ riềng
Củ riềng cay hơn củ gừng và mùi nồng hơn, đặc trưng hơn. Ở quê, củ riềng được trồng làm gia vị trong các món ăn đặc biệt như món mắm ruột chay (nếu không có củ riềng thì nó sẽ mất ngon).
Đặc biệt, khi bị khó tiêu, uống một tí trà củ riềng thì sẽ ấm bụng, dễ tiêu ngay (1, 2 lát là được vì củ riềng rất cay).
Mình thích củ riềng không chỉ vì nó trị được lang ben mà còn vì nó thơm cái mùi cực kỳ dễ chịu, ấm áp. Mỗi khi rảnh rỗi, mình thường thái một lát rồi ngửi cho thông mũi.
Củ riềng đến với mình không chỉ qua bà, qua mẹ, qua những bữa cơm với các món ăn có riềng mà còn qua ca dao, qua những bài học thân thương hồi nhỏ:
“Con chim manh manh nhảy quanh bụi ớt, rớt xuống bụi riềng
Thương sao thấy mặt thương liền
Cũng như ông Tơ bà Nguyệt nối duyên mình thuở xưa”
Hay như câu:
“Thịt chó thì phải có riềng
Thịt lợn thì phải có riêng món hành
Thịt gà cần phải lá chanh
Tía tô cà chuối mới thành ba ba”.
Ở quê mình bây giờ không ăn thịt chó nữa, nhưng bụi riềng thì vẫn trồng, như một truyền thống vậy. Thế gian có đủ trăm vị nhưng cái vị của riềng thực sự khiến những đứa con xa nhà nhớ mãi không quên!
Vy Thảo – Phụng Nghi