Củ địa liền điều trị trẻ khò khè do đàm

Củ địa liền, ở nơi tôi sống, người ta vẫn quen gọi với cái tên khác là thiền liền. Thiền liền là một vị thuốc nam được biết đến phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp. Ngoài ra, nhiều người còn biết đến nó với những công dụng đối với chứng đau dạ dày, đường ruột, đau răng,…. (bạn có thể tìm hiểu thêm về những công dụng này của cây địa liền trên trang web của chúng tôi).

Cách đây 10 năm, ở nơi tôi sống, cây thiền liền ít ai trồng lắm. Về sau, khi người dân biết đến loại cây này và truyền tai nhau về những lợi ích cho sức khỏe của nó thì nó đã trở nên dễ tìm hơn. Ở quê là vậy, xung quanh nhà, ngoài cây ăn trái, rau củ ra thì cây thuốc nam cũng là một trong những nhóm cây góp mặt quanh nhà. Với người dân quê tôi, họ đơn giản là trồng để sẵn, khi nào cần dùng thì có mà dùng hoặc ai cần thì cho người ta “làm phước”.

Củ địa liền
Củ địa liền

Nhà tôi cũng vậy, hồi tôi còn nhỏ, ông tôi trồng rất nhiều cây thuốc nam quanh nhà: nào là từ bi, ngũ trảo (hay còn gọi là cây chân chim), thuốc cứu, linh lăng,… Ông tôi trồng nhiều lắm, đến khi cây đủ lớn thì ông sẽ hái, cắt nhỏ phơi khô rồi mang đi tặng cho những phòng thuốc nam từ thiện gần nhà như một cách góp chút tấm lòng giúp đỡ bà con. Vì có kiến thức về cây thuốc nam nên tôi thường thấy ông mang nhiều cây thuốc mới về trồng, cứ như vậy, vườn thuốc nam nhỏ quanh nhà ngày càng thêm phong phú.

Cách trồng và sự phát triển của cây thiền liền

Thiền liền khá dễ trồng, bạn có thể đi mua hoặc nếu nhà người quen của bạn có thì bạn chỉ cần xin một ít củ, đem về ươm cho nảy mầm rồi đem đi trồng xuống đất (tương tự như củ gừng). Thời gian ươm và lúc mới trồng xuống đất, bạn cần tốn công giữ ẩm để củ nảy mầm và tưới nước, chăm sóc để củ từ từ “bắt đất”. Đến khi cây đã ăn rễ tốt vào đất thì bạn không cần tốn công chăm sóc nữa mà cây sẽ tự lớn và phát triển. Chỉ cần quên chúng một thời gian thôi, đến khi nhìn lại, có thể bạn sẽ ngạc nhiên mà thốt lên rằng “chúng đã nở thành một bụi to như thế rồi ư”.

cây địa liền
Cây địa liền (thiền liền)

Củ thiền liền điều trị chứng khò khè do đàm ở trẻ

Chứng khò khè ở trẻ nhỏ có lẽ không hiếm gặp và tuy nó không nguy hiểm cấp bách nhưng lại khiến trẻ rất khó chịu. Cách đây một tháng, đứa cháu họ của tôi được vài tháng tuổi thì cũng bị mắc chứng khò khè này. Nó làm cho cháu dễ bị nôn sữa sau khi bú và hay quấy khóc, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn khiến các bậc phu huynh chưa có kinh nghiệm (như vợ chồng chị họ mình) cảm thấy lo lắng.

Vì vậy, chị họ mình đưa cháu đi khám nhưng một thời gian sau lại tái phát. Sau đó, chị ấy được người ta chỉ cho cách dùng củ thiền liền. Thật may mắn là bé hợp với cách điều trị này và đã khỏi. Cách dùng rất dễ.

Cách 1: Dùng tươi

Nếu bạn tìm được củ thiền liền tươi, bạn lấy 20 g củ thiền liền tươi, gọt vỏ, ngâm qua nước muối loãng và rửa thật sạch rồi cắt nhỏ và thêm vào một chút xíu muối. Sau đó, bạn giã cho thật nhuyễn rồi vắt lấy 1/2 thìa cà phê nước cốt củ thiền liền (nếu khi giã xong, thấy khô quá không vắt được nước thì bạn có thể thêm vào một chút nước đun sôi để nguội) rồi pha loãng phần nước thu được với 1/3 chén nước đun sôi để nguội, sau đó cho bé uống.

Lưu ý: nếu bé nhà bạn nhạy cảm với mùi thuốc, thường khóc hay nôn ói khi uống thuốc thì bạn có thể pha loãng hơn nữa để bé dễ uống hơn vẫn được nhé. Phần bã còn lại bạn chia ra làm 3 phần rồi lấy 1 phần đắp lên trên đầu bé ngay, vị trí xoáy tóc (2 phần còn lại chia ra đắp trong ngày, nghĩa là mỗi ngày đắp 3 lần).

Củ địa liền (thiền liền)
Củ địa liền (thiền liền)

Cách 2: Dùng khô

Bạn dùng 5 g củ thiền liền khô, rửa thật sạch rồi cho vào nửa chén nước, nấu lửa vừa cho nước sắc xuống còn một nửa so với ban đầu thì bạn gạn lấy nước, pha loãng cho bé uống. Phần bã còn lại, bạn vớt ra, đâm nhuyễn rồi cũng chia nhỏ và đắp lên đầu bé ngay vị trí xoáy tóc, mỗi ngày 3 lần.

Bạn cho bé uống đến khi thấy các chịu chứng khò khè không còn nữa thì ngưng.

Lưu ý:

  • Không nên cho bé dùng liên tục quá 5 ngày nhé!
  • Sau 2 lần uống, nếu thấy bệnh không thuyên giảm thì bạn nên ngưng và đưa trẻ đi khám.
  • Địa liền tính cay ấm nên những người bị âm hư, nóng trong hay thiếu máu không nên dùng.
  • Dù bất kỳ vị thuốc nào, bạn cũng không nên lạm dụng dùng quá nhiều vì có thể sẽ dẫn đến phản tác dụng.
  • Trong quá trình cho bé sử dụng, các bậc phụ huynh cần theo dõi biểu hiện của bé, phải ngưng ngay nếu có dấu hiệu bất thường và cần đưa ngay đến thầy thuốc Đông Y hoặc bác sĩ để kiểm tra.

Cuối cùng, bài thuốc này chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào thể trạng mỗi người. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc Đông y hoặc bác sĩ trước khi cho bé dùng nhé!

– Nguyễn Sen –

Đặt dược liệu khôĐặt giống cây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện