Công dụng làm thuốc của hạt đác và cây đác (búng báng)

Chè hạt đác

Nếu chưa từng ăn qua hạt thốt nốt và hạt đác, rất có thể bạn sẽ nhầm lẫn hai loại này. Chúng đều có vẻ ngoài trắng nõn nà, bóng bẩy và ngon miệng. bạn đã biết công dụng của hạt đác chưa ?

Vì vậy, nếu chỉ nhìn qua ảnh chụp, bạn sẽ không biết hạt đác hầu như không có mùi, cùi thịt dày, bên trong đặc và kích thước cũng tương đối nhỏ (trong khi hạt thốt nốt thì to hơn, thơm dẻo đặc trưng, cùi như cùi dừa nước và ngọt nhẹ, rỗng ruột bên trong).

Không chỉ thế, so về màu sắc, màu trắng của hạt đác cũng đục hơn hạt thốt nốt.

Hạt đác và hạt thốt nốt
Hạt đác và hạt thốt nốt

Tuy nhiên, hạt đác có một ưu điểm là nhai vào dẻo sực rất ngon miệng. Vì vậy, nó là một trong những món ăn vặt được nhiều chị em phụ nữ ưa thích và từ đó mà ta có rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn từ hạt đác như: chè hạt đác, hạt đác rim đường thốt nốt, rim đường phèn, rim dứa; rim chanh dây…

Công dụng của hạt đác Hạt đác rim đường thốt nốt
Hạt đác rim đường thốt nốt

Công dụng của hạt đác là gì ?

Được biết, trong hạt đác có chứa một số chất dinh dưỡng và khoáng chất thiết yếu như Sắt, Can xi, Phốt pho, Ka li, Na tri, Ma giê… Theo kinh nghiệm dân gian, đây là loại hạt có công dụng thanh nhiệt, dưỡng da và tốt cho đường tiêu hóa (nên chọn hạt non vì hạt già bị dai và cứng, khó ăn) (1).

Vài nét về cây đác (cây báng)

Cây đác trông như cây dừa nhưng chùm quả thì lại như chùm cau. Đặc biệt, trên thân cây đác có phủ những sợi to đen.

Cây và quả đác (báng)
Cây và quả đác

Ngoài tên gọi này thì cây đác còn được gọi là cây báng, cây đoác, cây bột báng, cây búng báng, cây dừa núi…, có tên khoa học là Arenga saccharifera, thuộc họ Cau (2). Cây này mọc chủ yếu ở miền Bắc, khác với cây thốt nốt mọc chủ yếu ở miền Nam.

Công dụng của cây đác (cây báng)

Cây đác có nhiều công dụng trong đời sống hàng ngày, từ làm thực phẩm đến làm thuốc.

1. Cung cấp bột báng

Khi cây bắt đầu ra hoa, người ta chặt rồi lấy ruột (lõi) của thân cây giã nát, sau đó lọc lấy tinh bột và phơi khô (gọi là bột báng). Bột này được dùng làm thực phẩm (như nấu chè, làm bánh…) và theo thống kê thì mỗi cây đác có thể cho từ 20 đến 100 kg bột báng (3).

Theo y học cổ truyền, bột báng có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bồi bổ cơ thể, làm tăng sức lực, nhẹ mình mẩy nên những người bị suy yếu, hư tổn có thể dùng để tẩm bổ (4).

2. Cung cấp đường

Tương tự như ở cây dừa, cây dừa nước và cây thốt nốt…; nước chiết từ cuống bông mo của cây đác có vị rất ngọt (do có chứa đường saccarozo) và có thể ủ men làm rượu, nấu sánh lại thành đường (3).

3. Làm thuốc hạ sốt, lợi tiểu

Theo y học cổ truyền, ta có thể lấy từ 30 – 50 g thân cây đác, xắt nhỏ và nấu lấy nước uống trong ngày (giúp thanh nhiệt, hạ sốt và lợi tiểu tiện) (3).

Thông tin thêm

  • Quá trình thu nhân hạt đác rất vất vả. Sau khi chặt những buồng quả về, người ta chất thành một đống lớn, đốt cho cháy vỏ rồi mới chặt quả ra, dùng cái kẹp gỗ ép cho nhân hạt văng ra ngoài (toàn bộ quá trình đều là thủ công).
  • Sau khi mua hạt đác về, bạn cần rửa nhiều lần nước cho thật sạch rồi mới để vào ngăn mát tủ lạnh và chế biến thành các món chè, món rim đường… càng sớm càng tốt (lưu ý, nếu không rửa sạch thì hạt rất dễ bị hỏng).
  • Cây đác có rất nhiều quả nhưng trong điều kiện môi trường tự nhiên, cây con được mọc lên từ quả (hạt) lại rất ít.
Nguồn tham khảo
  1. Cách làm hạt đác rim dứa – món ngon đang được chị em săn lùnghttps://danviet.vn/cach-lam-hat-dac-rim-dua-mon-ngon-dang-duoc-chi-em-san-lung-7777859256.htm, ngày truy cập: 14/ 03/ 2021.
  2. Báng, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1ng, ngày truy cập: 08/ 03/ 2021.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 677.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 270.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện