Xoài và công dụng của quả, thân, lá xoài trong điều trị bệnh tiểu đường ( 1)

Công dụng của quả xoài

Hình như, ít có loại quả nào được như quả xoài – gắn bó với bao người từ thuở trong nôi cho đến lúc trưởng thành. Làm sao quên được lời hát ru bên cánh võng “Má ơi đừng đánh con hoài – Để con câu cá bầm xoài cho má ăn” cùng cái nhúm lá xoài non ăn cùng với bánh khọt, bánh xèo, chua ngon đáo để!

Với tôi, món bánh lá “thúi địt” – đặc sản ẩm thực miền Tây lại càng không thể thiếu lá xoài khi nắn bột. Và như thế, cây xoài gần gũi đến mức khi đi vào ca dao, nó cứ xuất hiện một cách tự nhiên, bâng quơ mà vẫn duyên dáng:

Gió đưa mười tám lá xoài

Ai đưa duyên bạn lạc loài đến đây.” (1).

Và càng yêu mến hơn khi quả xoài được chạm nổi trang trọng trên đỉnh thứ ba trong Cửu đỉnh triều Nguyễn (ở Hoàng thành Huế) (1), hơn thế nữa, cây xoài còn góp mặt trong đời sống hàng ngày qua những bài thuốc cổ truyền của các thế hệ cha ông.

Đặc điểm

Xoài còn có các tên gọi khác như sài, yêm la, muỗm, mãng quả…, có tên khoa học là Mangifera indica, thuộc họ Xoài: Anacardiaceae (3).

Xoài là cây thân gỗ lâu năm, phân nhánh nhiều, lá dày đặc với các phiến lá thuôn dài nhẵn bóng, mọc so le. Hoa xoài mọc thành cụm ở đầu cành và hình thành các quả hạch hình thận, khi chín vỏ quả có màu vàng, chứa nhiều thịt bao quanh một hạt dẹt và cứng.

Có nhiều giống xoài khác nhau và những loại xoài ngon có thể kể đến là xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, xoài cát chu, xoài tứ quý, xoài tượng, xoài thanh ca, xoài Đài Loan…

Công dụng của quả xoài

Thịt quả: Theo y học cổ truyền, thịt quả xoài có vị chua ngọt, tính mát, chứa nhiều vitamin, thịt quả xoài có công dụng lợi tiểu, mát bổ. Vì vậy, ăn xoài ở mức độ vừa phải không chỉ giúp bồi bổ cơ thể, nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt và ra mồ hôi mà còn có thể hỗ trợ điều trị loạn óc, hoại huyết và tiêu hóa kém (4) (6).

Vỏ quả: Vỏ quả xoài chín được dùng điều trị rong kinh, xuất huyết và bạch đới (mỗi ngày dùng khoảng 20 – 40 g thuốc sắc) (4).

Hạch quả: Phần hạch của quả xoài có vị chua chát, tính bình, có tác dụng chỉ khái, kiện vị, do đó, hạch quả được dùng trong điều trị các bệnh trĩ, giun sán, kiết lị và xuất huyết (mỗi ngày dùng 5 – 10 g thuốc sắc) (4).

Quả xoài xanh
Công dụng của quả xoài xanh

Tác dụng của thân và nhựa cây xoài

Thân cây: Vỏ thân cây xoài có vị chua ngọt, tính mát, có tác dụng thu liễm, sát trùng, được dùng điều trị đau răng, loét miệng, lở ngứa âm đạo và bệnh ngoài da. Cách dùng: sắc đặc vỏ thân cây xoài, lấy nước ngậm rồi nhổ đi hoặc rửa ngoài, lưu ý không được nuốt (4).

Nhựa cây: Nhựa tươi từ thân cây xoài còn được dùng điều trị ghẻ lở bằng cách hòa với nước chanh rồi thoa lên vùng da bệnh (5).

Tác dụng điều trị bệnh của lá xoài

Lá cây: Lá xoài có vị chua ngọt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, sơ trệ, chỉ dương, hành khí. Trong dân gian, lá xoài được dùng điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, ho, viêm phế quản và viêm ngứa da (mỗi ngày dùng khoảng 20 g thuốc sắc) (4).

Ngoài ra, lá xoài còn được dùng điều trị các bệnh về họng (vòm họng, cổ họng…) bằng cách nấu nước xông hơi hay cũng thường được dùng kết hợp với các loại lá xông khác để giải cảm (5).

Lá xoài non điều trị tiểu đường

  • Những năm gần đây, nhiều người mắc bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu đã dùng lá xoài non làm thuốc điều trị và có những kết quả nhất định tùy vào cơ địa mỗi người. Theo trang phunuvagiadinh.vn, có thể dùng khoảng 5 lá xoài non, thái sợi rồi đổ 1 ly nước sôi vào hãm và để qua đêm, uống nước vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, cần cách thời gian dùng nước lá xoài với thuốc khác từ 2 tiếng và theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên (cũng như tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ) để tránh các tác dụng không mong muốn (7).
  • Theo tạp chí Phytotherapy research, chiết xuất nước từ lá xoài giúp hạ đường huyết trên chuột tiểu đường do tăng glucose máu (nhưng không có tác dụng đối với bệnh tiểu đường do streptozotocin gây ra) (8).

Lưu ý

  • Tiếp xúc với cuống quả xoài còn xanh vốn chứa rất nhiều mủ có thể bị dị ứng, viêm da (4).
  • Lá xoài chứa mangiferin (1, 6 %) có nhiều dược tính nhưng cũng có độc, vì vậy, cần cẩn trọng trong liều lượng khi dùng làm thuốc. Bên cạnh đó, các loại gia súc ăn nhiều lá xoài (nhất là lá già) trong thời gian dài có thể bị nhiễm độc, thậm chí là chết. Mặt khác, vỏ thân cây xoài cũng chứa mangiferin ở mức cao hơn (3%), vì vậy, vỏ cây chỉ nên dùng ngoài da (4) (6).
Nguồn tham khảo
  1. Xoài, https://cadao.me/the/xoai/, ngày truy cập: 01/08/2019.
  2. Cửu đỉnh (nhà Nguyễn), https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%ADu_%C4%90%E1%BB%89nh_(Nh%C3%A0_Nguy%E1%BB%85n), ngày truy cập: 01/08/2019.
  3. Mangifera indica, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mangifera_indica, ngày truy cập: 01/08/2019.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1105.
  5. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 574.
  6. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 569.
  7. Chữa dứt điểm bệnh tiểu đường nhờ uống lá xoài non theo cách này mỗi ngày, https://www.phunuvagiadinh.vn/suc-khoe-gia-dinh-27/chua-dut-diem-benh-tieu-duong-nho-uong-la-xoai-non-theo-cach-nay-moi-ngay-277705, ngày truy cập: 01/08/2019.
  8. Evaluation of the antidiabetic action of Mangifera indica in mice, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/ptr.859, ngày truy cập: 01/08/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 câu hỏi về “Xoài và công dụng của quả, thân, lá xoài trong điều trị bệnh tiểu đường ( 1)

1 phản hồi
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện