Dừa, công dụng của cây dừa, quả dừa và những điều cần lưu ý

công dụng của cây dừa

Sau cây tre Việt Nam, cây dừa vừa là chứng nhân cho lịch sử đánh giặc oai hùng vừa là người bạn gắn bó với nông dân từ đời này sang đời khác. Từ cây cầu dừa đi vào những bài ca bất hủ đến cái mo dừa làm chiếc xe kéo của tuổi thơ; từ cái gáo dừa múc nước đến trái dừa tươi của đồng bào miền Nam kính dâng ngài Nguyễn Trung Trực vào ngày xử chém trước pháp trường hay trái dừa trên mâm ngũ quả…; tất cả đã làm nên giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội của cây dừa.

Thế nhưng, cây dừa trong đời sống con người còn đóng góp ở nhiều phương diện khác như ẩm thực, thẩm mỹ, y học…

Về công dụng của cây dừa

Cây dừa (Cocos nucifera L., họ cau Arecaceae) (1) có thân trụ nhẵn, không phân nhánh với các vân sẹo ngang do bẹ lá rụng để lại. Bẹ lá dừa to, dài với những lá chét, nhìn như lông chim. Buồng hoa dừa mọc ở kẽ lá, có mo dày bao bọc các nhánh bông với nhiều hoa đực và cái màu vàng nhạt, trông như đuôi phụng, rất đẹp. Quả dừa thuộc loại quả hạch, không nẻ.
Cây dừa được trồng nhiều nhất ở Nam Bộ, làm hình thành các làng dừa, vựa dừa, xứ dừa với nhiều giống khác nhau. Các bộ phận ăn được của cây dừa có thể kể đến như: lá dừa non (vị ngọt nhẹ), củ hủ dừa (ngọt, thơm, rất giòn và ngon, ăn nhiều hơi buồn ngủ, chóng mặt, dân gian gọi là say máu ngà), cái dừa (tức cùi dừa, cơm dừa, thịt dừa, vị ngọt béo); mầu dừa (tức phần gáo dừa non, vị ngọt chát); nước dừa (vị ngọt, uống tươi hoặc nấu làm nước màu)… Bạn đã biết công dụng của cây dừa, những bộ phận của cây dừa ?

Công dụng của nước dừa

Nước dừa tươi (chứa 95,5 % nước và một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng như protein, can xi, sắt, vitamin C…) có vị ngọt, tính bình, là lựa chọn phổ biến để giải khát vì tính tiện dụng và công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, lợi sữa của nó. Ngoài ra, nước dừa còn điều trị sốt, tiêu chảy, kiết lị và đau dạ dày (2).
Người phương Tây hay thắc mắc vì sao người Á Đông ăn uống trái cây lại hay thêm muối. Thật vậy, theo quan niệm âm dương, muối thuộc tính dương còn các trái cây nhiệt đới như dừa, sơ ri, ổi, xoài… thuộc tính âm. Do đó, ông bà ta thường thêm một ít muối vào nước dừa rồi mới uống cho nước “ngọt” hơn, thực chất là để trung hòa âm dương theo thực dưỡng. Và có thể thấy rằng, những cây dừa được trồng ở các bãi biển, những nơi đất đủ độ mặn (hoặc người trồng rắc thêm muối vào gốc cây) thì nước dừa bao giờ cũng ngọt ngon hơn.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, uống một ít nước dừa (dưới 1 trái) trong những ngày kinh nguyệt còn giúp chị em giảm được cơn đau và giúp kỳ kinh mau kết thúc hơn.
Quả dừa, cùi dừa hay cơm dừa
Quả dừa, cùi dừa hay cơm dừa

Công dụng của cùi dừa (cơm dừa) và dầu dừa

Cùi dừa: Cùi dừa vị ngọt, tính bình. Ăn cùi dừa giúp bồi bổ, ích khí, nhuận tràng và lợi tiểu (2).

Dầu dừa: Dầu dừa được làm từ cùi dừa bằng cách nạo, xay nát, vắt lấy cốt, đun cho đến khi nước bốc hơi hết thì lọc lấy dầu màu trắng hoặc vàng, bỏ bã (ngọt, béo thơm, có thể ăn được). Dầu dừa chủ yếu dùng trong thực phẩm và làm đẹp: giúp tóc, mi dày mượt, giữ ẩm cho da và môi… Ca dao có câu:

Mài dừa đạp bã cho nhanh

Nấu dầu mà chải tóc anh tóc nàng

Trong y học, dầu dừa được dùng để điều trị các vết bỏng lửa và bỏng nước sôi bằng cách nấu với lá rau diếp, để nguội rồi đắp lên (2).

Công dụng của rễ dừa

Nước sắc rễ dừa có tác dụng lợi tiểu, thanh can, điều trị tiểu gắt, vàng da và kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, nước hãm rễ dừa (tươi hoặc đã phơi khô) còn giúp điều trị lỵ và viêm gan (2).

Lưu ý

  1. Nước dừa tính âm, rất mát. Vì vậy, chỉ nên uống 1 trái dừa mỗi ngày và không nên uống thường xuyên để tránh tăng cân. Ngoài ra, không nên uống nước dừa vào ban đêm, sau khi đi nắng (dễ khiến lạnh bụng, bệnh) hoặc trước khi vận động thể thao (vì gây uể oải, phản xạ chậm).
  2. Theo kinh nghiệm dân gian, thai phụ uống thêm nước dừa vào những tháng cuối thai kỳ (3 lần mỗi tuần, mỗi lần 1 trái) sẽ giúp dễ sinh và thai nhi sinh ra được trắng, sạch sẽ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, uống nước dừa có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, không nên cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi dùng nước dừa.
Nguồn tham khảo
  1. Dừa, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%ABa, ngày truy cập: 27/05/2019.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học và kỹ thuật, HN, 2004, trang 687.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện