Bắp cải và những công dụng đáng chú ý của cây cải bắp

Cây cải bắp rau bắp cải

Là loại rau quen thuộc của mọi nhà, nhất là các bạn sinh viên với món mì gói “huyền thoại” nấu cùng cải bắp; cây cải bắp còn có công dụng bồi dưỡng cơ thể và điều trị bệnh.

Đặc điểm

Cải bắp (Brassica oleracea L. var. capitata, họ Brassicaceae) (1) hay còn gọi bắp cải, bắp cải xanh, bắp sú… là loại rau ưa sáng, ưa ẩm, sống hai năm và bắt đầu cho hoa, quả từ năm thứ hai. Cải bắp có rễ chính thẳng, cứng và thân ngắn, mập mang các lá hình quạt, phiến dày, gân chính to và không phân nhánh (lá chiếm phần lớn diện tích cây cải bắp). Do đó, trong quá trình sinh trưởng, các phiến lá xanh mọc xen kẽ và áp sát vào nhau ốp thành một khối cầu gọi là bắp. Phạm Hổ – nhà thơ thiếu nhi cũng có bài thơ rất đáng yêu về hình dáng cây cải bắp như sau:

Bắp cải xanh
Xanh mát mắt
Lá cải sắp
Sắp vòng tròn
Búp cải non
Nằm ngủ giữa” (2)

Hoa cải bắp mọc từ giữa bắp và mọc thành chùm có phân nhánh, hoa màu trắng. Quả cải bắp nhỏ, dài và hẹp với các hạt nhỏ màu nâu xếp thành một dãy hạt. Cây cải bắp gốc ở châu Âu, sau đó nhập vào Việt Nam và trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc nhưng hiện tại đã phổ biến khắp cả nước. Trồng cải bắp vào vụ đông xuân là thuận mùa và bắp sẽ cuốn tốt hơn.

Công dụng của cây cải bắp

Trong ẩm thực: Cây cải bắp được ứng dụng đa dạng từ ăn sống như trộn gỏi, bóp giấm, làm dưa chua… đến chế biến như nấu canh, xào, gói thịt nấu cù lao, hấp, luộc, kho (bổ dọc bắp cải ra 4 hoặc 6 phần dính cả cùi (thân) rồi chiên vàng thơm, sau đó kho với nước tương hoặc nước mắm)…

hình ảnh Cây cải bắp
Hình ảnh cây cải bắp

Trong y học:

  • Cải bắp chứa chất đạm, chất xơ, đường và các vitamin (A, B1, C), khoáng chất (Can xi, Sắt, Phot pho) cần thiết cho cơ thể. Theo y học cổ truyền, cải bắp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tim, mạnh xương cốt, có lợi cho lục phủ ngũ tạng. Không những thế, ăn cải bắp (có thể luộc và uống cả nước) còn giúp giảm táo bón, tiểu buốt (3), giúp lọc máu, dễ ngủ, giảm lo âu và suy nhược thần kinh (4).
  • Đặc biệt, trong cải bắp có nhiều vitamin U (muối của Metyl Methionin Sunfonium) có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng và đại tràng. Loại vitamin này không bền và bị phá hủy ở nhiệt độ cao. Do đó, để giữ lại vitamin U, nhiều nước trên thế giới dùng cải bắp dưới dạng nước ép. Cách dùng: lấy 1 kg lá cải bắp tươi, rửa sạch, nhúng qua nước sôi cho tái rồi vớt ra, để ráo nước. Sau đó, ép hoặc giã nát lá cải bắp lấy nước (thu được khoảng 500 – 700 ml) và bỏ bã. Nước ép có màu vàng chanh, có thể chia ra uống nhiều lần trong ngày, thêm ít đường hoặc muối tùy ý thích. Liều lượng: mỗi ngày dùng 1 lít nước ép và dùng trong 2 tháng sẽ thấy hiệu quả (4).
  • Bên cạnh đó, cải bắp còn được dùng để làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt bằng cách giã nát, đắp ngoài da. Ngoài ra, cải bắp cũng được dùng để làm giảm sưng, đau do thấp khớp hay đau dây thần kinh hông bằng cách róc bỏ gân chính rồi dùng bàn là ủi các lá cho ấm mềm (hoặc hơ cho ấm nóng và mềm) rồi đắp chườm lên chỗ đau, dùng vải cố định lại, để qua đêm sẽ thấy hiệu quả hơn(4).

Qua kết quả nghiên cứu: Theo Tạp chí Phòng chống ung thư Châu Á – Thái Bình Dương (Asian Pacific Journal of Cancer Prevention), cải bắp là nguồn cung cấp chất chống o xy hóa và chống viêm quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính liên quan đến stress oxy hóa như ung thư và bệnh động mạch vành (5).

Lưu ý

  • Những người hạn chế dùng cải bắp: người bị bướu cổ, rối loạn tuyến giáp, suy thận hoặc hay tiểu đêm, tiêu chảy. Ngoài ra, những người bị táo bón hoặc tiểu ít thì nên ăn cải bắp đã nấu chín, người thuộc tính hàn thì khi ăn cải bắp nên kết hợp với gừng tươi để cân bằng âm dương.
  • Cải bắp rất dễ bị sâu hại và thối úng. Vì vậy, cần lựa chọn nguồn cung cấp tin cậy để tránh tác hại của thuốc trừ sâu và chất bảo quản.
Nguồn tham khảo
  1. Cải bắp, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3i_b%E1%BA%AFp, ngày truy cập: 25/05/2019.
  2. Bắp cải xanh, https://www.thivien.net/Ph%E1%BA%A1m-H%E1%BB%95/B%E1%BA%AFp-c%E1%BA%A3i-xanh/poem-qGaEiAZgUzPcAQW7wBxPNA, ngày truy cập: 25/05/2019.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học và kỹ thuật, HN, 2004, trang 307.
  4. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 1997, trang 161.
  5. Cabbage (Brassica oleracea L. var. capitata) Phytochemicals with Antioxidant and Anti-inflammatory Potential, http://www.koreascience.or.kr/article/JAKO201305981338675.page, ngày truy cập: 25/05/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện