Cỏ thi, từ thuật gieo quẻ bói toán đến công dụng làm thuốc

Hoa cỏ thi

Bói bằng cỏ thi – không biết bạn đã nghe qua chưa? Đó là một hình thức bói toán ra đời sau giai đoạn bói giáp cốt (dùng mai rùa để bói).

Được biết, quẻ bói cỏ thi ngày xưa thường được các “Bốc quan” dùng để dự đoán những việc đại sự quốc gia như số đời truyền ngôi, ngày tế lễ, việc quân sự… Quẻ bói được xác lập bằng cách sắp xếp 50 cọng cỏ theo quy tắc nhất định và phải thao tác 18 lần mới xong 1 quẻ (1).

Xem thêm: Bói bằng cỏ thi

Đặc điểm cây thuốc

Cỏ thi (thi thảo, 蓍草) có tên khoa học là Achillea alpina, thuộc họ Cúc – Asteraceae (2).

Đây là loài thân cỏ nhưng sống lâu năm. Thường thì khi quả già, phần thân và lá của cây đều tàn rụi, cây chỉ còn phần gốc sống tiếp qua mùa đông và nảy chồi non vào mùa xuân năm sau.

Đặc điểm: Cây thường cao chưa đến 1 m, có thân rễ ngắn. Lá cây không có cuống và mọc so le từ thân, từng phiến lá đều xẻ rất sâu khiến cho mép lá nhìn như cái lưỡi cưa nhọn.

Ngọn lá non của cây cỏ thi
Ngọn lá non của cây 

Hoa cỏ thi có màu trắng, mọc thành cụm ở đầu ngọn và có nhiều lá bắc màu nâu sẫm. Ở nước ta, bạn có thể tìm gặp loại hoa này ở Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc – những nơi giáp Trung Quốc như Lào Cai, Sơn La… (2).

Công dụng làm thuốc của cỏ thi

Trên thị trường có tinh dầu cỏ thi – loại được chiết xuất từ lá cây (với hàm lượng trung bình là 0, 69 % tinh dầu trong lá). Được biết, toàn bộ cây cỏ thi đều được dùng làm thuốc (có thể dùng tươi hoặc phơi âm can cho khô đều được, thu hoạch khi cây ra hoa).

Theo y học cổ truyền, cỏ thi là vị thuốc có độc và có vị đắng, cay. Tuy nhiên, khi được chỉ định với liều lượng phù hợp, vị thuốc này lại phát huy được công dụng hoạt huyết, giảm đau và giải độc (2). Ngoài ra, cây còn có tác dụng:

  • Giúp dễ tiêu hóa.
  • Điều trị viêm tuyến vú.
  • Điều trị viêm amidan.
  • Điều trị viêm ruột cấp tính, táo bón và trĩ.

Cách dùng: xay nát thành bột rồi uống từ 0, 3 – 1 g mỗi lần theo chỉ định của thầy thuốc, mỗi ngày uống ba lần (hoặc cũng có thể kết hợp với sinh bạch chỉ và bán hạ chế (liều tượng tương đương), cùng xay thành bột rồi trộn lại, uống mỗi lần 1 g, ngày uống ba lần) (2).

Ngoài thân, lá và hoa thì hạt cỏ thi cũng được dùng làm thuốc (với công dụng ích khí, làm sáng mắt và tăng cường trí tuệ) (2). Bên cạnh đó, nó còn được dùng làm thuốc ngoài da, giúp làm lành vết thương và dùng trong các trường hợp mụn nhọt, rắn cắn (giã nát, đắp ngoài da) (2).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.

Các nghiên cứu về dược tính của cỏ thi

  • Tác dụng an thần: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cỏ thi có tác dụng kéo dài thời gian ngủ và gây buồn ngủ (2).
Cỏ thi
Hoa cây thuốc
  • Tác dụng chống khối u: Kết quả thí nghiệm trên chuột cống trắng cho thấy việc tiêm phúc mạc dịch chiết nước cỏ thi có tác dụng chống ung thư (chống lại sự phát triển của các tế bào sarcom S180 và carcinom V256) (2).
  • Tác dụng ức chế sự co thắt ở khí phế quản: Khi dùng histamin để gây co thắt khí phế quản của loài chuột lang, các nhà nghiên cứu đã phát hiện chiết xuất cỏ thi có tác dụng ức chế lại sự co thắt ở khí phế quản. Ngoài ra thì cỏ thi còn được biết đến với các hoạt tính như chống viêm, chống hen… (2).
  • Tác dụng chống oxy hóa: Theo tạp chí Chemistry and Biodiversity, một số hoạt chất được phân lập từ loài cây này (bằng chiết xuất methanol) có tác dụng chống oxy hóa và thúc đẩy làm trắng da (giúp giảm quá trình hình thành hắc tố) (3).
  • Tác dụng bảo vệ tim mạch: Theo tạp chí Revista Brasileira de Farmacognosia, achillinoside trong cây cỏ thi là hoạt chất có tác dụng bảo vệ tim mạch (4).
Nguồn tham khảo
  1. Bói bằng cỏ thi, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B3i_b%E1%BA%B1ng_c%E1%BB%8F_thi, ngày truy cập: 15/ 08/ 2020.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 508.
  3. Antioxidant and Antimelanogenic Activities of Compounds Isolated from the Aerial Parts of Achillea alpina L., https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/cbdv.201900033, ngày truy cập: 15/08/ 2020.
  4. In-vitro cardiovascular protective activity of a new achillinoside from Achillea alpina, https://www.scielo.br/scielo.php?pid=S0102-695X2019000400445&script=sci_arttext&tlng=pt, ngày truy cập: 15/ 08/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện