Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên) điều trị xơ gan cổ trướng, cước khí thủy thũng

Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)

Ở nước ta, từ Bắc vào Nam đều có cỏ lưỡi mèo, hay còn gọi là cúc chỉ thiên, địa đởm thảo…

Cây này lá dài, mép lượn sóng nên trông như cái lưỡi mèo. Điều đặc biệt của cây thuốc này là có vị đắng cay nhưng lại có tính hàn. Vì vậy, công dụng chủ đạo của nó là thanh nhiệt.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, cỏ lưỡi mèo còn được biết đến với nhiều công dụng khác, từ điều trị viêm gan vàng da cấp tính cho đến cước khí thủy thũng và nhiều bệnh khác.

Vài nét về cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)

Cỏ lưỡi mèo có tên khoa học là Elephantopus scaber, thuộc họ Cúc (1). Lá của cây mọc ở gốc và tỏa ra xung quanh như hình hoa thị, hoa có màu tím, cứ 4 hoa thì xếp lại thành một đầu.

Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)
Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)

Vào mùa hè thu, ta có thể nhổ toàn cây làm thuốc, rửa sạch, thái ngắn rồi phơi khô và để dùng dần (2).

Công dụng làm thuốc của cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)

Theo y học cổ truyền, cỏ lưỡi mèo có nhiều công dụng như:

  • Thanh nhiệt, điều trị cảm mạo, viêm kết mạc.
  • Điều trị viêm hạch hạnh nhân cấp tính (viêm amidan cấp tính).
  • Điều trị viêm họng.
  • Giúp lợi thủy, điều trị viêm thận cấp và mãn tính.
  • Điều trị xơ gan cổ trướng.
  • Giúp tiêu thũng, điều trị cước khí thủy thũng.
  • Điều trị viêm gan vàng da cấp tính.
  • Điều trị tiêu chảy và kiết lỵ.
  • Giúp giải độc, sơ cứu rắn cắn.

Liều dùng: mỗi ngày, lấy từ 15 – 30 g toàn cây, sắc lấy nước uống.

Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên) phơi khô
Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên) phơi khô

Riêng với trường hợp sơ cứu rắn cắn thì cũng tương tự như nhiều vị thuốc khác, ta vừa dùng toàn cây tươi giã nát vắt lấy nước uống, vừa lấy phần bã đắp lên (có thể giã cùng lá ớt đắp lên), sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Với trường hợp da nổi nhọt độc hoặc mặt bị mụn đinh râu, bạn cũng có thể lấy lá cỏ lưỡi mèo tươi, giã nát với giấm và mẻ rồi đắp lên.

Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)
Cỏ lưỡi mèo (cúc chỉ thiên)

Với trường hợp nhức răng, người ta lấy rễ cây tươi, giã nát với hồ tiêu rồi nhét vào lỗ răng sâu, khi thấy bớt nhức thì nhả ra.

Với trường hợp loét da và chàm, dân gian cũng dùng lá tươi giã nát, đem nấu với một ít dầu dừa rồi để nguội và thoa đắp thường xuyên (theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1).

Đối tượng cần tránh:

Phụ nữ mang thai không được dùng cây thuốc này.

Lưu ý khi dùng: Rễ và lá cây có tác dụng tránh sự thụ thai, vì vậy, với những người đang muốn để thai thì không nên uống (theo kinh nghiệm dân gian Thái Lan) (2).

Các nghiên cứu về cỏ lưỡi mèo

  • Hoạt tính hạ đường huyết: Theo tạp chí Phytomedicine, chiết xuất cỏ lưỡi mèo có tác dụng ngăn ngừa sự tăng đường huyết đột ngột ở chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra. Vì vậy, thảo dược này được xem là ứng cử viêm tiềm năng trong nghiên cứu điều trị tiểu đường (3).
  • Hoạt tính làm lành vết thương: Kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất etanol từ lá cỏ lưỡi mèo có các hoạt chất giúp làm lành vết thương, giúp vết thương mau co lại, ít bị phù nề hơn (4).
  • Hoạt tính bảo vệ gan: Theo tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ cây cỏ lưỡi mèo là an toàn và có thể bảo vệ gan trước những tổn thương do etanol gây ra (5).
  • Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Phytochemistry, trong cây cỏ lưỡi mèo có nhiều hoạt chất có tác dụng chống ung thư, cụ thể là chống lại các dòng tế bào ung thư ở người như: tế bào ung thư biểu mô tế bào gan HepG2, Hep3B; tế bào ung thư biểu mô vú ở người MCF-7 (6). Bên cạnh đó, theo tạp chí Biochemical and Biophysical Research Communications, hoạt chất Deoxyelephantopin (ESD) có trong cây cỏ lưỡi mèo còn chống lại tế bào ung thư vòm họng ở người và có tiềm năng làm tác nhân hóa trị liệu (7).

Phân biệt

Cây cúc chỉ thiên được đề cập trong bài viết này khác với cây cúc chỉ thiên giả (Pseudelephantopus spicatus, hay còn gọi là cây chân voi trắng), ngoài ra cũng khác với cây chỉ thiên giả (Clerodendrum indicum, hay còn gọi là cây Nam tiền hồ) (2). Vì vậy, khi dùng làm thuốc, cần chú ý tên gọi để tránh nhầm lẫn.

Nguồn tham khảo
  1. Cúc chỉ thiên, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%BAc_ch%E1%BB%89_thi%C3%AAn, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 664.
  3. A novel Steroid from Elephantopus scaber L. an Ethnomedicinal plant with antidiabetic activity, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711308001074, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  4. Wound healing activity of the leaf extracts and deoxyelephantopin isolated from Elephantopus scaber Linn., https://www.ijp-online.com/article.asp?issn=0253-7613;year=2005;volume=37;issue=4;spage=238;epage=242;aulast=Singh, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  5. Hepatoprotective Activity of Elephantopus scaber on Alcohol-Induced Liver Damage in Mice, https://www.hindawi.com/journals/ecam/2012/417953/, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  6. Germacranolides from Elephantopus scaber L. and their cytotoxic activities, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031942220304301, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  7. Deoxyelephantopin from Elephantopus scaber L. induces cell-cycle arrest and apoptosis in the human nasopharyngeal cancer CNE cells, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0006291X11011259, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện