Cỏ lá tre (đạm trúc diệp) điều trị viêm niệu đạo, bí tiểu và tiểu ra máu

Đạm trúc diệp

Bạn đã từng thấy cỏ lá tre (đạm trúc diệp) ở đâu chưa, loại cỏ có lá y như lá tre nhưng nhỏ hơn ấy! Hồi nhỏ, mình còn nghĩ nó là cây tre con nhưng rồi đợi mãi mà nó vẫn nhỏ như thế, không có lóng cũng chẳng có măng gì cả, thì ra chỉ là một loại cỏ xanh.

Thế nhưng, cũng chính mấy lá cỏ nhỏ nhỏ ấy lại có công dụng làm thuốc đấy (nhất là trong các bệnh về đường tiết niệu), bạn đã nghe qua chưa?

Vài nét về đạm trúc diệp (cỏ lá tre)

Đạm trúc diệp (淡竹叶) có tên khoa học là Lophantherum gracile, thuộc họ Lúa (1). Đây là loại cỏ sống lâu năm và thường chỉ cao từ 30 – 60 cm. Lá đạm trúc diệp có hình mũi mác, mặt trên có ít lông và rất giống lá tre nên dân gian gọi nó là cỏ lá tre.

Và, mặc dù loài này có rễ phát triển như củ nhưng phần rễ lại ít được dùng làm thuốc hơn thân và lá (dẫu rằng trong một số trường hợp, người ta vẫn dùng toàn cây làm thuốc).

Công dụng của đạm trúc diệp (cỏ lá tre)

Khi dùng đạm trúc diệp làm thuốc, người ta thường dùng loại lá bánh tẻ, không quá già mà cũng không quá non (dùng tươi hay dùng khô đều được).

Cỏ lá tre (đạm trúc diệp)
Cỏ lá tre (đạm trúc diệp)

Nói về đạm trúc diệp là nói đến tác dụng thúc đẩy sự bài tiết – với các công dụng chủ đạo như: lợi tiểu tiện, điều trị tiểu tiện ít, tiểu tiện không thông, tiểu tiện đỏ, tiểu ra máu

Mặt khác, vì có tính hàn nên loại cỏ này còn giúp giải nhiệt, thanh tâm hỏa, làm giảm cảm giác nóng bức, khó chịu trong người và điều trị các chứng tâm phiền, phiền nhiệt… Sách Bản thảo cương mục cũng ghi rằng: “Đạm trúc diệp thanh tâm, khử phiền nhiệt, lợi tiểu tiện” (2).

Liều dùng

  • Mỗi ngày, lấy từ 8 đến 12 g lá cây, rửa sạch, cắt ngắn ra rồi sắc lấy nước uống.
  • Tuy nhiên, nếu là các chứng như tiểu ra máu hay nóng trong người làm đau miệng, viêm họng hay sưng tuyến nước bọt thì cần tăng liều lên (khoảng 10 – 15 g thuốc sắc mỗi ngày) (2) (4).
Đạm trúc diệp phơi khô
Đạm trúc diệp phơi khô

Cách dùng cỏ lá tre làm thuốc

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn thì trong một số trường hợp, chúng ta nên kết hợp cỏ lá tre với các loại thuốc khác như:

  • Để điều trị bí tiểu và tiểu ra máu, bạn có thể kết hợp loại cỏ lá tre với rễ tranh (một loại rễ cây giúp lợi tiểu rất tốt), mỗi loại dùng khoảng 15 g, cắt nhỏ ra rồi nấu uống như nước mát (nước này ngọt và thơm nhẹ nên rất dễ uống) (4).
  • Để điều trị nóng trong người làm cho viêm lở miệng và sưng nướu, nước tiểu ít thì bạn có thể dùng 12 g cỏ lá tre sắc lấy nước uống cùng với 6 g cam thảo Bắc và 20 g sinh địa (loại không đồ chín) (4).
  • Hay như với những người bị viêm niệu đạo khiến đau buốt khi tiểu tiện thì dùng loại cỏ này cũng có tác dụng rất tốt. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn kết hợp nó cùng các vị khác để cùng hỗ trợ, chẳng hạn như công thức sau: lá và thân cây cỏ lá tre (15 g), sinh cam thảo (3 g), rễ củ dây qua lâu (10 g), thông thảo và hoàng bá (mỗi loại 5 g). Cách dùng: khi sắc thì bạn dùng khoảng hai chén nước lưng, nấu đến khi nước rút còn 1/ 3 thì tắt bếp và chia ra 3 lần uống trong ngày (2).

Lưu ý khi dùng cỏ lá tre

* Đối tượng cần tránh:

  • Vì thuốc có tính hàn nên chỉ hợp với những người bị bệnh do thấp nhiệt, do đó, người không thấp nhiệt thì không nên dùng (2).
  • Bên cạnh đó, kết quả thí nghiệm cũng cho thấy dùng thuốc này có thể làm tăng lượng đường trong máu, vì vậy, bệnh nhân bị tiểu đường cần thận trọng và hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ trước khi dùng (3).
  • Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng không được dùng cỏ lá tre vì sẽ gây sinh non hoặc sẩy thai (3) (4).

* Phân biệt tránh nhầm lẫn

Vị thuốc đạm trúc diệp trong Đông y thường dùng là để chỉ cỏ lá tre (loại được đề cập trong bài viết này). Tuy nhiên, cần lưu ý, phân biệt khi sử dụng để tránh nhầm lẫn vì:

  • Một số cây khác như cây cỏ lá gừng (Axonopus compressus) cũng được gọi là cỏ lá tre – loại này có phiến lá uốn lượn, mỏng dảnh lượn sóng và thường được trồng làm cỏ cho các sân chơi.
  • Một số loại thảo dược khác cũng được gọi là đạm trúc diệp như cây trúc đen (Phyllostachys nigra) dùng trong trường hợp sốt, cảm cúm, khát nước và nôn ra máu. Ngoài ra, ở Trung Quốc thì cây rau trai mà chúng ta hay ăn (tức cây thài lài trắng Commelina communis, loại có hoa màu xanh) cũng được gọi là đạm trúc diệp (3).
Nguồn tham khảo
  1. Đạm trúc diệp, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1m_tr%C3%BAc_di%E1%BB%87p, ngày truy cập: 15/ 05/ 2020.
  2. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 197.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 608.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 485.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện