Chút chít Nhật điều trị hoàng đản, ghẻ ngứa, trốc sang

Dương đề Nhật (chút chít Nhật)

Y văn thì gọi “dương đề” còn dân gian thì gọi nôm na là rau chút chít.

Thật ra, chút chít cũng có nhiều loại, tuy nhiên, chỉ có một số loại được ứng dụng nhiều, đó là chút chít hoa dày, chút chít nhăn, chút chít Nhật…

Gọi là chút chít Nhật có lẽ vì cây này mọc nhiều ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trên thực tế, nó còn mọc ở Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và Liên Bang Nga… (1).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cây thuốc này nhé!

Vài nét về cây chút chít Nhật

Cây chút chít Nhật có tên khoa học là Rumex japonicus, thuộc họ Rau răm.

Cây này thường cao không quá 1 m và có các đặc điểm đáng chú ý sau:

  • Thân cây có lóng rỗng và có rãnh.
  • Những lá gần gốc thường to hơn, phiến lá có thể dài từ 8 – 25 cm, mặt lá nhẵn bóng ở cả hai mặt và có bẹ lá.
  • Hoa có màu xanh nhạt hoặc xanh vàng, mọc thành cụm.
  • Quả màu nâu tối (1).
Dương đề Nhật (chút chít Nhật)
Dương đề Nhật (chút chít Nhật)

Cây chút chít Nhật có công dụng gì?

Theo y học cổ truyền thì rễ cây chút chít Nhật có vị đắng, tính hàn, hơi độc và được dùng với các công dụng như:

  • Thông tiểu, lợi thủy, điều trị ung thũng.
  • Cầm máu, sát trùng.
  • Điều trị trường phong, ghẻ ngứa.
  • Thanh nhiệt.
  • Điều trị đại tiện táo kết (giúp thông tiện).
  • Dùng khi bị té ngã tổn thương.
  • Điều trị trốc sang (hay còn gọi là “trốc đầu chân khuẩn”).
  • Điều trị hoàng đản (vàng da do viêm gan).
  • Điều trị nôn ra máu, tử cung xuất huyết theo công năng.

Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 12 – 20 g rễ cây, cắt ngắn ra rồi nấu lấy nước uống. Riêng với các bệnh ngoài da thì nên giã nát rễ tươi rồi vắt lấy nước, thoa lên thường xuyên.

Dương đề Nhật (chút chít Nhật)
Dương đề Nhật (chút chít Nhật)

Các nghiên cứu về cây chút chít Nhật

  • Hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí Biological and Pharmaceutical Bulletin, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất ethyl acetate từ các bộ phận trên không của cây chút chít Nhật (thân, lá, hoa…) có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất đối với Bacillus subtilisB. cereusE. coli (nhờ chứa nhiều hợp chất phenol) (2). Bên cạnh đó, theo tạp chí Journal of Dairy Science, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây chút chít Nhật có chứa chất giúp chống lại vi khuẩn Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) có trong sữa, vì vậy, nó được xem là có tiềm năng làm chất bảo quản tổng hợp trong sữa và các sản phẩm từ sữa (6).
  • Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí BMC Complementary and Alternative Medicine, cây chút chít Nhật từ xưa đã được dùng làm thuốc chống viêm và chống khối u. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy Physcion 8-O-β-glucopyranoside, hợp chất được phân lập từ cây này còn có tác dụng chống lại sự tăng sinh của dòng tế bào ung thư phổi A549 (3). Ngoài ra, theo tạp chí The Korean Society for Applied Biological Chemistry, nhiều hợp chất được phân lập từ rễ cây chút chít Nhật cũng có tác dụng chống ung thư, giúp chống lại các tế bào ung thư như HCT15, UO-31, PC-3, A549… (5).
  • Tác dụng bảo vệ da: Kết quả nghiên cứu cho thấy cây chút chít Nhật đã được dân gian sử dụng từ rất lâu để làm thuốc điều trị viêm da cơ địa. Không chỉ thế, nó còn có tác dụng chống oxy hóa và giảm sự tổn thương da (kết quả thí nghiệm trên chuột) (4).
  • Tác dụng thúc đẩy sự mọc tóc: Theo tạp chí The Korea Journal of Herbology, chiết xuất từ rễ cây chút chít Nhật có tác dụng tăng cường sự tăng sinh của tế bào tóc, vì vậy, nó có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc (7).
  • Tác dụng chống viêm: Theo tạp chí The Korea Journal of Herbology, rễ cây chút chít Nhật có chứa chất chống viêm, trong đó, chiết xuất ethyl acetate có tác dụng chống viêm tốt nhất (8).
Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, trang 478.
  2. Antioxidant and Antibacterial Activities of Rumex japonicus HOUTT. Aerial Parts, https://www.jstage.jst.go.jp/article/bpb/28/12/28_12_2225/_article/-char/ja/, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.
  3. Anti-proliferative of physcion 8-O-β-glucopyranoside isolated from Rumex japonicus Houtt. on A549 cell lines via inducing apoptosis and cell cycle arrest, https://bmccomplementmedtherapies.biomedcentral.com/articles/10.1186/1472-6882-14-377, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.
  4. Inhibitory effects of Rumex japonicus Houtt. on the development of atopic dermatitis-like skin lesions in NC/Nga mice, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1365-2133.2006.07303.x, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.
  5. Isolation of Anthraquinone Derivatives from the Root of Rumex japonicus H, https://www.koreascience.or.kr/article/JAKO200403043050227.page, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.
  6. Bactericidal and antibiofilm properties of Rumex japonicus Houtt. on multidrug-resistant Staphylococcus aureus isolated from milk, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0022030221010869, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.
  7. The Hair Growth-Promoting Effect of Rumex japonicus Houtt. Extract, https://www.hindawi.com/journals/ecam/2016/1873746/, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.
  8. Anti-inflammatory effect of Rumex japonicus HOUTT. in RAW 264.7 cells, https://www.koreascience.or.kr/article/JAKO201225067516121.page, ngày truy cập: 13/ 02/ 2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện