Chế độ ăn dành cho người từng bị ung thư (phòng ngừa tái phát)

Thường thì chúng ta nghe nói đến các vấn đề như: phòng ngừa ung thư, điều trị ung thư, hóa trị, xạ trị ung thư… Tuy nhiên, có một vấn đề khá quan trọng nhưng lại ít được chú ý, đó là: chế độ ăn uống, bảo dưỡng sức khỏe sau khi điều trị ung thư (để giúp bệnh mau khỏi hơn, không nặng thêm và phòng ngừa tái phát).

Bởi vì, sau khi điều trị ung thư, ngay cả khi bạn đã khỏi bệnh thì bạn cũng không được chủ quan mà phải bảo dưỡng sức khỏe thật tốt.

Vì vậy, trong bài viết này, mình xin chia sẻ với các bạn lời khuyên của người Nhật dành bệnh nhân từng bị ung thư (dựa theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Ung thư Hoa KỳHiệp hội nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ). Hiển nhiên, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện chế độ ăn này nhé!

Nguyên tắc cơ bản phòng tránh ung thư

Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư (và giảm nguy cơ tái phát).

Đối với những dạng ung thư khác nhau, ta sẽ có những lưu ý khác nhau nhưng nhìn chung, các nguyên tắc cơ bản vẫn là:

  • Ăn đa dạng các loại thực vật như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc…
  • Mỗi bữa ăn đều cần có rau.
  • Chọn thực phẩm ít chất béo và khi ăn thịt, hãy chọn loại thịt nào ít chất béo (hạn chế sử dụng bơ, bơ thực vật, bánh ngọt và một số loại bánh mì chứa nhiều chất béo…).
  • Chọn thực phẩm ít muối. Ngoài ra, những thực phẩm khô và thực phẩm chế biến sẵn cũng chứa nhiều muối.
  • Không sử dụng quá nhiều nước tương hoặc nước sốt.
  • Duy trì cân nặng hợp lý (để biết cân nặng của bạn có hợp lý không, bạn hãy tính chỉ số BMI nhé!).
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục là cơ sở để có một sức khỏe tốt, một cơ thể vận hành ổn định. Nếu bạn là người có công việc bận rộn đến mức không có thời gian để tập thể dục thể thao thì hãy thử sử dụng cách sau: đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy, đi bộ đến một nhà hàng ở xa để ăn trưa…
  • Chọn thức ăn sạch, an toàn, hợp vệ sinh (vì có nhiều trường hợp sau khi điều trị ung thư, khả năng miễn dịch của cơ thể trở nên yếu hơn và cơ thể dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn).
  • Không hút thuốc lá.

Các dạng ung thư thường gặp và những lời khuyên nhỏ

Ngoài các lời khuyên chung vừa kể trên thì với những dạng ung thư cụ thể còn có lời khuyên riêng. Đó là:

  • Với ung thư vú: Với bệnh nhân mắc ung thư vú thì cần tránh thức uống có cồn (rượu bia…), thực phẩm nhiều chất béo, nhiều calo… vì sẽ làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vú cũng không nên để bản thân bị béo phì vì sẽ có hại cho sức khỏe, làm bệnh nặng hơn, dễ tái phát hơn. Lời khuyên: Ăn nhiều rau và trái cây, bổ sung nhiều beta-carotene và vitamin C.
  • Với ung thư tuyến tiền liệt: Với bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt thì ăn nhiều axit béo bão hòa và chất béo động vật sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Lời khuyên: Cá và lycopene có trong cà chua có thể làm giảm nguy cơ tiến triển và tái phát bệnh. Đồng thời, bổ sung vitamin E đầy đủ cũng có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
  • Đối với ung thư phổi: Với bệnh nhân bị ung thư phổi thì cần tránh hút thuốc lá. Lời khuyên: Ăn nhiều rau và trái cây mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.
  • Đối với ung thư dạ dày và ung thư thực quản: Bổ sung đủ chất xơ có trong ngũ cốc và rau xanh sẽ giúp bạn giảm khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, những người bổ sung tốt vitamin C, vitamin E và beta-carotene cũng ít có nguy cơ bị ung thư thực quản.

Hiện nay, các nghiên cứu về phòng chống ung thư vẫn đang được tiến hành. Trong thời gian chờ đợi các thành tựu mới, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên chủ động phòng tránh và ngăn chặn ung thư thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Bạn có nghĩ vậy không?

Nguyễn Yên

Nguồn tham khảo
  1. がん」の人の食事・栄養(3) 再発予防, https://allabout.co.jp/gm/gc/302665/, ngày truy cập: 24/ 01/ 2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện