Thiên ma, cây với hình thái độc đáo và công dụng làm thuốc

Hình ảnh củ thiên ma
  • Tên khác: phong thảo, xích tiễn, thần thảo,…
  • Tên khoa học: Gastrodia elata, thuộc họ Lan: Orchidaceae (3)
  • Bộ phận dùng: Củ
  • Tính vị: vị ngọt, tính bình
  • Công dụng chính: Giảm co giật, điều trị bệnh động kinh (hay kinh phong), an thần, bổ não, hạ huyết áp.

Khi khoa học chưa phát triển, dân gian thường giải thích nguồn gốc sự vật trong mối liên hệ với ông trời và các thế lực siêu nhiên. Tên gọi của vị thuốc thiên ma cũng vậy. Khi thấy loài cây này chỉ có củ và thân mà không có rễ để hút các chất dinh dưỡng như bao loài cây khác, dân gian lại nghĩ đó là cây do trời ban nên tự sinh tự diệt. Vì vậy, họ gọi nó là thiên ma (天麻) (1).

Là một trong những thảo dược quý giá ở Trung Quốc, thiên ma đã được dùng làm thuốc với lịch sử hơn một ngàn năm. Trong các công trình y học nổi tiếng như Thần nông bản thảo kinh và Bản thảo cương mục, thiên ma cũng được đề cập như một vị thuốc giúp kéo dài tuổi thọ và điều trị bách bệnh (nghĩa là nhiều bệnh, không phải là tất cả các bệnh) (1).

Như vậy, trên thực tế, đặc tính nào đã giúp cây thiên ma sinh trưởng mà không cần có rễ và củ của nó có thể điều trị được những bệnh cụ thể nào?

Hình ảnh cây thiên ma
Hình ảnh cây thiên ma

Sơ nét về thiên ma

Cây thiên ma có tên khoa học là Gastrodia elata, thuộc họ Lan: Orchidaceae (3), thường được tìm thấy trên những mặt đất ẩm ướt trong rừng sâu.

Đây là loài thực vật khá đặc biệt bởi nó chỉ sống được khi bị một loại nấm xâm nhập vào là “nấm mật vòng”. Khi cây thiên ma còn khỏe mạnh, nó sẽ tiết ra một loại enzyme có tác dụng phân hủy “nấm mật vòng” và lấy chất dinh dưỡng từ nấm để sống. Khi cây già yếu, không thể tiêu hủy nấm được nữa thì sẽ bị chính các “nấm mật vòng” này ăn lại.

Về hình thái, cây thiên ma có thân mọc thẳng như măng (có thể dài đến 1m) nhưng thon hơn và có chùm hoa vươn nhọn như một mũi tên (nên còn được gọi là xích tiễn). Phần còn lại của thiên ma là củ, có vỏ màu vàng nhạt và thuôn dài như củ khoai. Trên củ có các vảy tròn là dấu tích của lá bị tiêu giảm. Tuy vậy, cây vẫn có hoa, quả và hạt để duy trì nòi giống.

Bộ phận dùng làm thuốc của cây là củ. Ngoài tên gọi thiên ma, cây còn có các tên khác như định phong thảo, xích tiễn, thần thảo,… (4) (5).

Hình ảnh củ thiên ma
Hình ảnh củ thiên ma

Cây thiên ma có những công dụng gì?

Theo y học hiện đại: Củ thiên ma đã được ghi nhận với các tác dụng như:

  • Dưỡng não, an thần, bảo vệ thần kinh và tăng cường trí nhớ (2) (6).
  • Kháng viêm, tăng cường miễn dịch và hạ huyết áp (2).
  • Giảm đau, chống co giật và chống oxy hóa (6).

Theo y học cổ truyền: Thiên ma có vị ngọt, tính bình, thông vào kinh Can và Bàng quang. Cũng như nhiều vị thuốc Đông y khác, thiên ma có những dược tính riêng của nó và được dùng hiệu quả trong những trường hợp như:

  • Giảm đau, an thần.
  • Điều trị chóng mặt, hoa mắt, đau đầu.
  • Chống co giật, điều trị tê chân, tay và bán thân bất toại.
  • Điều trị chứng phát âm khó khăn khi nói chuyện và kinh phong ở trẻ em.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 5 – 10 g thiên ma, sắc lấy nước uống hoặc tán bột rồi vo thành viên uống (4).

Có thể thấy, thiên ma không phải là thần dược như những lời đồn thổi. Mặt khác, những căn bệnh được liệt kê trên đây đa phần đều có liên quan đến tuổi già, do đó, người xưa bảo thiên ma giúp kéo dài tuổi thọ cũng là có lý do của nó.

Một số bài thuốc có dùng thiên ma

  • Điều trị cao huyết áp: Cao huyết áp là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay và thiên ma được xem là thảo dược giúp hạ huyết áp hiệu quả. Do đó, bài thuốc điều trị cao huyết áp sau đây có hai thành phần cơ bản là thiên ma (9 g) và thạch quyết minh (30 g), hai vị trên sắc chung và uống 1 thang mỗi ngày (4).
  • Điều trị liệt nửa người (bán thân bất toại): Trong trường hợp liệt nửa người hay đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt và lưỡi đỏ; người bệnh có thể dùng bài thuốc sắc gồm các vị sau: thiên ma, hoàng cầm, đỗ trọng, thạch quyết minh, câu đằng, chi tử, Xuyên ngưu tất, ích mẫu, phục linh, dạ giao đằng và tang ký sinh (liều lượng tùy theo chỉ định của thầy thuốc trong từng trường hợp cụ thể) (4).

Những lưu ý khi dùng thuốc

  • Đối tượng: Những người khí huyết hư không nên dùng thiên ma (2).
  • Thời lượng: Chỉ nên dùng thiên ma khi có bệnh; không nên dùng thiên ma như thuốc bổ hàng ngày và không dùng liên tục trong thời gian dài (5).
  • Liều lượng: Không nên dùng quá liều thiên ma vì các thí nghiệm trên động vật cho thấy dùng thuốc này với lượng lớn làm cơ thể suy yếu, sụt cân… và thậm chí tử vong (4). Ở người, dùng quá liều thiên ma cũng sẽ gây hại cho thận, hệ tim mạch và hệ thần kinh; làm phản xạ chậm, đuối sức, chán ăn, giảm cân…và thậm chí tử vong (từ 1 tới 6 giờ sau khi dùng thuốc) (2) (5).
  • Chất lượng: Vị thuốc thiên ma thường được nhập khẩu từ Hàn Quốc dù ở Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng có trồng loại cây này. Trong đó, loại được thu hoạch vào mùa đông được xem là có chất lượng tốt nhất. Mặt khác, vì thiên ma là loại cây quý hiếm, dễ tổn thương nên nguồn dược liệu hiện tại đa phần đều là gieo trồng và khó phân biệt thật giả (3) (5). Vì vậy, các bệnh nhân cần cân nhắc nguồn cung cấp uy tín để tránh tiền mất tật mang.
Nguồn tham khảo
  1. 绿天麻, https://baike.baidu.com/item/绿天麻, ngày truy cập: 15/09/2019.
  2. 天麻, https://zh.m.wikipedia.org/zh-hans/天麻, ngày truy cập: 15/09/2019.
  3. Gastrodia elata, https://vi.wikipedia.org/wiki/Gastrodia_elata, ngày truy cập: 15/09/2019.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 860.
  5. Cẩn thận trò lừa cây thiên ma chữa bách bệnh, https://khoahocdoisong.vn/can-than-tro-lua-cay-thien-ma-chua-bach-benh-100866.html, ngày truy cập: 15/09/2019.
  6. Gastrodia elata Blume. 天麻 (Tianma, Gastrodia Tuber), https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-211-99448-1_13, ngày truy cập: 15/09/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện