Cây tần bì Trung Quốc điều trị viêm gan, vàng da, mắt đỏ sưng đau

Cây bạch lạp trăn tàu, tần bì)

Có một loài cây khá đặc biệt: hoa của nó không có cánh hoa nhưng quả thì lại có cánh dài, đó là cây tần bì (hay còn gọi là cây tần Trung Quốc, cây trăn tàu, cây bạch lạp…).

Trong xây dựng, gỗ tần được biết đến là loại gỗ tốt, bền chắc còn trong y học, cây tần là một cây thuốc quen thuộc, với vỏ của nó được dùng làm vị thuốc tần bì.

Vậy, tần bì có công dụng gì và cách dùng tần bì làm thuốc như thế nào?

Vài nét về cây tần bì Trung Quốc

Cây tần Trung Quốc có tên khoa học là Fraxinus chinensis, thuộc họ Nhài. Đây là loài cây lâu năm, thân gỗ và có thể cao hơn 12 m.

Lá cây tần Trung Quốc thuộc dạng lá kép lông chim, quả của cây có cánh dài từ 3 – 4 cm và chứa 1 hạt bên trong (hạt hình gần như hình thoi).

Bạch lạp (Cây tần bì, cây tần Trung Quốc)
Cây tần Trung Quốc (bạch lạp, trăn tàu)

Đây là loài cây quen thuộc ở Trung Quốc, nhất là với những người học võ. Ai cũng biết “gậy bạch lạp Thiếu Lâm Tự” nổi tiếng là loại gậy tốt, rắn chắc, uống cong mà không gãy, càng cầm nắm lại càng bóng, đẹp (ngoài ra còn có côn nhị khúc gỗ bạch lạp, côn tam khúc gỗ bạch lạp…).

Ở nước ta, cây tần Trung Quốc mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình… và một số tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Kon Tum… (1).

Với cây này, ta dùng vỏ, thân hoặc lá để làm thuốc (tùy từng trường hợp nhưng thường dùng vỏ cây). Với vỏ cây, ta bóc vỏ thân hoặc vỏ cành rồi xắt nhỏ, phơi khô để thành vị thuốc “tần bì” (lưu ý, “tần bì” trong bài viết này khác với vị thuốc “trần bì” là vỏ quả quýt chín phơi khô) (3).

Vị thuốc tần bì
Vị thuốc tần bì

Công dụng của vị thuốc tần bì

Theo y học cổ truyền, vỏ thân và vỏ cành của cây tần Trung Quốc (cây tần bì) có vị đắng chát, tính mát. Công dụng chủ đạo của vị thuốc này là:

  • Thu liễm, điều trị tiêu chảy và kiết lỵ (do thấp nhiệt).
  • Giúp tiêu viêm.
  • Điều trị bạch đới.
  • Điều trị viêm gan, vàng da (1).

Liều lượng: Thông thường, ta dùng từ 6 – 12 g tần bì mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể, ta có thể gia giảm liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc (1) (3).

Ngoài ra, nếu bị bệnh về da (như ngứa ngáy và nổi sần trên da, dày như da trâu) thì bạn cũng có thể lấy khoảng 30 g vỏ cây tần Trung Quốc, sắc lấy nước rồi rửa thường xuyên hàng ngày (3).

Các bài thuốc kết hợp

1. Điều trị bệnh lỵ (do thấp nhiệt) và rong kinh, bạch đới ở phụ nữ

  • Chuẩn bị: vỏ cây tần Trung Quốc (tần bì, 16 g) và vỏ rễ cây thanh thất (12 g).
  • Thực hiện: rửa sơ qua rồi nấu lấy nước uống trong ngày (1).

2. Điều trị mắt đỏ sưng đau và chảy nước mắt khi ra gió

  • Chuẩn bị: 12 g tần bì và 12 g hoàng liên ô rô.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Các nghiên cứu về cây tần bì

  • Tác dụng chống oxy hóa: Theo tạp chí Archives of Pharmacal Research, kết quả nghiên cứu trên tế bào da được chiếu tia UVB cho thấy chiết xuất từ cây tần Trung Quốc có một số hoạt chất giúp chống oxy hóa mạnh (trong đó, esculetin là hoạt chất có tác động mạnh nhất) (4).
  • Tác dụng chống viêm: Theo tạp chí Natural Product Research, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy một số hoạt chất được phân lập từ vỏ cây tần Trung Quốc (trong đó có fraxicoumarin) có tác dụng kháng khuẩn đáng kể (5).
Nguồn tham khảo
  1. Tần bìhttps://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7n_b%C3%AC, ngày truy cập: 15/ 12/ 2020.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 790.
  3. Phân biệt vị thuốc tần bì và trần bì, https://suckhoedoisong.vn/phan-biet-vi-thuoc-tan-bi-va-tran-bi-n170338.html, ngày truy cập: 15/ 12/ 2020.
  4. Anti-oxidative and photo-protective effects of coumarins isolated from Fraxinus chinensis, https://link.springer.com/article/10.1007/BF02980270, ngày truy cập: 16/ 12/ 2020.
  5. Anti-inflammatory isocoumarins from the bark of Fraxinus chinensis subsp. rhynchophylla, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14786419.2020.1715401, ngày truy cập: 16/ 12/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện