Bạn đã từng ăn canh chua bông so đũa với cá lóc đồng hay đơn giản hơn là bông so đũa nấu mì chưa? Nếu đã dùng qua, ắt hẳn bạn vẫn còn nhớ cái cảm giác mềm rụm, ngọt ngào và mùi thơm đặc trưng của nó chứ?. Từ những bài ca dao, có thể thấy ông bà ta còn lấy bông so đũa làm tiêu chí để xét xem một người nào đó có phải “dân đồng quê” chính hiệu hay không qua kinh nghiệm nấu ăn:
“Không gì bằng cá nấu canh
Bỏ bông so đũa mới rành dân quê” (1).
Thảo nào, trong các thức quà đồng quê biếu tặng cho người thành thị thì bông so đũa được chú ý hơn cả. Không chỉ thế, bông so đũa còn có dược tính và các bộ phận khác của cây cũng vậy.
Đặc điểm
So đũa (điền thanh hoa lớn, su đũa, sua đũa) có tên khoa học là Sesbania grandiflora, thuộc họ Đậu: Fabaceae (2).
So đũa là cây trồng phổ biến ở miền Nam với mục đích chủ yếu là làm cảnh, đồng thời lấy hoa, lá non, quả non làm thực phẩm (3).
So đũa là cây thân gỗ cao với lá kép lông chim bao gồm nhiều đôi lá chét hình bầu dục hợp thành. Hoa so đũa trông khá giống hoa điên điển (điền thanh) nhưng to hơn rất nhiều lần và có nhiều loại màu hơn như trắng, đỏ hồng, tím, trong đó loại hoa trắng là phổ biến. Quả so đũa thuôn dài, nhìn từ xa giống như chiếc đũa nhưng to hơn và thót lại ở hai đầu, hơi dẹt, chứa nhiều hạt hình thận và có màu nâu.
Công dụng của vỏ cây so đũa
Vỏ cây so đũa: Vỏ cây so đũa có vị đắng, hơi chát, tính tình, được dùng làm thuốc bổ đắng giúp dễ tiêu hóa, kích thích thèm ăn, điều trị tiêu chảy, kiết lỵ và viêm ruột. Cách dùng: sắc lấy nước uống từ 5 – 10 g mỗi ngày hoặc ngâm rượu (dùng 100 g vỏ cây so đũa, thái nhỏ, mỏng rồi ngâm với rượu 40 độ trong 15 ngày thì có thể bắt đầu sử dụng, mỗi ngày dùng khoảng 15 – 30 ml rượu và dùng trước bữa ăn) (3) (5).
Bên cạnh đó, có thể dùng vỏ thân cây so đũa còn tươi, giã nát, vắt lấy nước bôi vào chỗ bị tưa lưỡi, loét miệng và ghẻ. Nếu bị nhức răng, răng lung lay, viêm nướu có mủ, có thể băm nhỏ vỏ cây so đũa (đã cạo bỏ lớp vỏ xù xì bên ngoài) rồi sắc thật đặc để dùng dần, mỗi ngày ngậm khoảng 3 – 4 lần, mỗi lần cho thêm chút muối, ngậm khoảng 10 phút rồi nhổ bỏ (4).
Công dụng của lá, hoa và rễ cây so đũa
Lá so đũa: Lá cây so đũa có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn, được nhai rồi nhổ bỏ giúp sát khuẩn và giảm viêm miệng. Bên cạnh đó, lá cây cũng được dùng bằng cách giã nát, lấy bã đắp lên những chỗ bị bong gân, sưng tấy hay lấy nước bôi lên các vết bầm tím, áp xe (5).
Hoa so đũa: Kinh nghiệm dùng hoa so đũa và lá so đũa non cho thấy canh hoa so đũa giúp giảm nhức đầu, cảm cúm. Bên cạnh đó, hoa so đũa còn được dùng làm thuốc tẩy bằng cách phơi khô, sắc uống khoảng 10 – 30 g mỗi ngày (5).
Rễ so đũa: Rễ tươi từ cây so đũa được dùng điều trị ho bằng cách giã nát, cho thêm nước rồi gạn lấy nước uống. Liều lượng: 6 – 18 g rễ tươi mỗi ngày. Nếu bị đờm, có thể dùng nước ép rễ so đũa tươi uống với mật ong. Bên cạnh đó, bột nhão từ rễ tươi của cây còn được dùng đắp ngoài trong trường hợp thấp khớp (5).
Một số nghiên cứu về cây so đũa
- Theo tạp chí Journal of natural medicine, nước ép lá so đũa có tiềm năng chống oxy hóa, chống viêm và điều trị sỏi thận (6).
- Thep tạp chí Therapies, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất etanolic từ lá so đũa có tác dụng bảo vệ gan đáng kể, chống lại nhiễm độc gan do kháng sinh Erythromycin estolate gây ra (7).
- Theo tạp chí Journal of ethnopharmacology, kết quả thí nghiệm trên chuột bạch tạng Thụy Sĩ cho thấy chiết xuất ethanol của cả lá và hoa so đũa có hoạt tính chống ung thư (chống lại ung thư cổ trướng Ehrlich) (8).
Lưu ý
- Uống quá liều nước sắc vỏ cây so đũa có thể gây nôn (5).
- Nếu dùng hoa so đũa làm thực phẩm thì nên ngắt bỏ phần quả non trong các cánh hoa trước khi chế biến để khi ăn không bị đắng.