Ai đã từng sinh ra, lớn lên ở đồng quê chắc hẳn không lạ gì cái nồi xông “huyền thoại” với bùi nhùi lá cây: nào là lá chanh, bạch đàn, đậu ma rồi cả lá xoài, đu đủ… và một loại nữa không bao giờ vắng mặt là lá sả. Và cũng chính cái mùi sả thơm tho ấy đã làm dịu cơn bần thần, giúp tinh thần tỉnh táo mà ngay từ tên gọi đã cho thấy đặc điểm này: “hương mao” (cỏ thơm).
Được biết, các mẫu sả khô cũng đã được phát hiện trong các lăng mộ Ai Cập cổ có niên đại cách đây khoảng 3000 năm, điều này có thấy vai trò của cây sả đã được chú ý từ rất sớm (5).
Đặc điểm
Sả (tên khoa học: Cymbopogon citratus, họ Lúa: Poaceae) (1) hay còn gọi là sả chanh, cỏ sả, hương mao… là cây thân thảo lâu năm, mọc hoang hoặc được trồng làm gia vị và làm thuốc. Cây sả có thân rễ trắng hoặc hơi tím, các bẹ lá ép sát nhau thành hình trụ dài, có thể cao đến 1, 5 m. Phiến lá sả hình dải dài như lá lúa, hơi nhám. Cây sả mọc thành bụi và nở nhánh nhiều, cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ và không có cuốn hoa.
Toàn cây sả có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu và đều được dùng làm thuốc (dùng tươi hoặc dùng khô). Riêng rễ sả nếu là loại rễ to thì thái lát mỏng 2 – 3 mm, nếu rễ nhỏ thì cắt thành đoạn 3 – 5 cm. Bên cạnh đó, cây sả cũng được dùng trong ẩm thực với công dụng chính là giúp dễ tiêu, thường thấy qua các món ăn như: muối sả băm nát, sả kho, sả hấp cùng các nguyên liệu khác (nấm, bầu, ốc…).
Cây sả nhìn từ y học cổ truyền
Trong cây sả có chứa tinh dầu màu vàng nhạt và thơm giúp kháng khuẩn, giảm đau, dễ tiêu hóa, giảm buồn nôn, khử mùi hôi tanh, xua ruồi muỗi hoặc được dùng làm nước hoa, xà phòng thơm… Do đó, nếu dùng sả khô thì phơi âm can để giữ được tinh dầu (phơi trong bóng mát, nơi thoáng gió đến khi khô) (2) (3).
Theo y học cổ truyền, sả có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Vì thế, cây sả làm thông kinh lạc, giúp tinh thần tỉnh táo và được dùng điều trị nhiều chứng bệnh như: cảm sốt, ho, viêm phổi, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, đau dạ dày, thấp khớp, kinh nguyệt không đều, phù thũng khi có mang. Danh y Lê Hữu Trác cũng nhấn mạnh những công dụng của cây sả:
“Mao Hương tục gọi là cây Sả
Tính đắng, ôn dùng cả hoa lá
Phiên vị nôn mửa, đau bụng hàn
Khí uế, trừ tà dùng được cả” (4).
Liều lượng: 10 – 15 g thuốc sắc mỗi ngày hoặc một lượng nhỏ tinh dầu (khoảng 3 – 6 giọt) pha trong si rô và nước (2) (5).
Bên cạnh đó, củ sả còn có công dụng bổ khí, thông tiểu tiện, làm ra mồ hôi và điều trị cảm sốt. Cách dùng: mỗi ngày dùng khoảng 15 – 30 g củ sả dưới dạng thuốc sắc hay xông hơi (3).
Một số bài thuốc từ cây sả
- Hôi miệng, hôi nách: trộn đều bột củ sả và bột phèn phi với tỉ lệ 10 : 1 và làm thành viên uống (2).
- Gàu và rụng tóc: lấy lá sả nấu nước gội đầu thường xuyên (5).
- Thiếu máu: lấy nước ép sả trộn với nghệ và chỉ xác (5).
- Mụn nhọt, lở ngứa ở trẻ em: lấy lá sả nấu nước tắm hàng ngày (6).
Kết quả nghiên cứu về cây sả
- Hoạt động chống sốt rét: Theo Tạp chí cây thuốc (Planta medica), tinh dầu được chiết xuất thủy phân từ lá sả tươi cho thấy hoạt động chống sốt rét đáng kể qua 4 ngày thử nghiệm trên chuột (7).
- Tác dụng hạ đường huyết: Theo Tạp chí Dân tộc học (Journal of Ethnopharmacology), kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất từ lá sả tươi có tiềm năng điều trị tiểu đường type 2 (8).
Lưu ý
Được đánh giá là an toàn và vì có tính ấm nên cây sả đặc biệt phù hợp với các bệnh do hàn (như cảm lạnh) gây ra. Như thế, những người bị bệnh do nhiệt (như cảm nắng) thì không nên dùng sả. Bên cạnh đó, tinh dầu sả dễ bay hơi nên khi dùng lá sả hoặc tinh dầu đã được trích ly sẵn để xông hơi thì nên cho vào sau cùng và đậy kín nắp (5).