Cây nhãn hương điều trị miệng hôi thối, sốt rét và đau mắt

Nghe đến nhãn hương, nhiều người sẽ nghĩ đây là một loại nhãn rất thơm, thế nhưng, không phải như thế!. Nhãn hương là tên của một loài cây thuộc họ Đậu, trông như cỏ và khi lá nó khô thì có mùi thơm như nhãn vậy!

Và bạn biết đấy, “phương hương hóa trọc” – hương thơm sẽ đẩy lùi uế khí. Chính vì vậy, cây nhãn hương có thể điều trị được chứng hôi miệng rất hay. Không chỉ thế, trong y học cổ truyền, nó còn được dùng với nhiều công dụng khác như điều trị đau mắt, sốt rét, kiết lỵ…

Vài nét về cây nhãn hương

Cây nhãn hương còn được gọi là cây kiều đậu, có tên khoa học là Melilotus suaveolens. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hình vẽ mô tả cây nhãn hương trong quyển Từ điển cây thuốc Việt Nam (tập 2) vẫn chưa vẽ đúng đặc điểm của cây này (mà chỉ vẽ lại dạng chung của các loài lân cận). Trong hình vẽ, mép lá của cây không có dạng răng cưa và hơi bầu tròn.

Trong khi đó, cây nhãn hương thực sự lại khác hơn nhiều. Các nhánh của nó thon nhỏ, mỗi lá gồm có 3 lá chét hơi ốm, có lá kèm và mép lá có dạng răng cưa.

Nhãn hương (kiều đậu)
Nhãn hương (kiều đậu)

Hoa nhãn hương (kiều đậu) mọc thành chùm dài không quá 10 cm và có màu vàng (cũng có khi có màu trắng). Quả của cây có màu đen khi chín và có 1 hoặc 2 hạt bên trong.

Ở nước ta, cây nhãn hương mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và được thu hái toàn cây làm thuốc (1).

Công dụng làm thuốc của cây nhãn hương

Cây nhãn hương sau khi phơi khô sẽ có mùi thơm, vị cay và có tính bình. Trong y học cổ truyền, toàn cây này được biết đến với các công dụng như:

  • Thanh nhiệt, điều trị đau mắt, đau đầu.
  • Điều trị cảm sốt, sốt rét.
  • Làm mạnh dạ dày, điều trị kiết lỵ.
  • Điều trị chứng miệng hôi thối.
  • Giải độc, sát trùng.
  • Giúp lợi niệu.

Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 12 – 20 g toàn cây (đã phơi khô), nấu lấy nước uống trong ngày. Riêng với bệnh sốt rét thì ta tăng liều lên: mỗi ngày nấu 30 g dược liệu khô và uống trước khi lên cơn sốt rét 4 tiếng.

Nhãn hương (kiều đậu)
Nhãn hương (kiều đậu)

Bên cạnh đó, với một số loại bệnh thì cách dùng cây thuốc này có thể khác hơn một chút, cụ thể như sau:

  • Với chứng đau mắt: Để hiệu quả điều trị cao hơn thì bạn nên kết hợp thêm biện pháp rửa ngoài. Cách dùng cụ thể như sau: lấy phần ngọn cây đã ra hoa, đem phơi khô rồi mỗi ngày lấy 50 – 100 g, hãm với nước nóng (khoảng 100 ml nước nóng), sau đó đợi nguội và dùng rửa mắt, mỗi ngày rửa hai lần.
  • Với chứng lâm ba kết hạch: lấy 40 – 80 g rễ cây nhãn hương, cắt ngắn ra rồi ngâm với một lít rượu trắng. Sau 1 tuần, bạn có thể bắt đầu dùng, mỗi lần uống 1 chung nhỏ (1 chén nhỏ), uống ba lần mỗi ngày.
  • Với chứng viêm họng khiến cho khàn giọng: lấy 30 g toàn cây nhãn hương, cắt nhỏ ra, nấu lấy nước cho sôi bốc hơi rồi há miệng ra để xông, hít hơi ấy (1).

Ngoài các công dụng trên thì theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, chiết xuất etanol từ cây nhãn hương còn có tác dụng chống viêm đáng kể (ức chế một số tác nhân gây viêm tế bào) (2).

Thông tin thêm

Nhãn hương là một loại cây họ Đậu mang lại giá trị kinh tế khá cao ở Trung Quốc. Được biết, nó là một trong 3 loại cỏ được trồng nhiều nhất để làm thức ăn cho gia súc (kết hợp cùng các loại thức ăn khác) (3).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện