Ngô, công dụng thanh nhiệt, tăng cường thị lực và trí nhớ của cây ngô (bắp)

cây bắp ngô

Bên cạnh gạo, ngô (bắp) với sự đa dạng về màu sắc của hạt như trắng, vàng, đỏ, đen, nâu, cam, hồng, tím, hỗn hợp… đã trở thành thực phẩm được ưa chuộng trên toàn thế giới.

Những hạt ngô xếp hàng chắc nịch, dày dặn là ý tưởng cho thành ngữ “chắc như bắp” và những vần thơ ngộ nghĩnh về loài cây làm mẹ mà lại có râu:

Từ trong nách lá

Con lớn từng ngày

Bộ râu ngắn lại

Áo che hạt dày” (1)

Đặc điểm

Ngô (Zea mays L, họ Poaceae) (2), người miền Nam gọi là bắp, là loại thân thảo lớn, có thể cao 2 – 3m, thân trông giống cây tre với các khớp mấu. Các bẹ lá ngô thô nhám với hình dải, mũi mác và to, dài, ép sát thân. Hoa ngô gồm hoa đực ở đầu ngọn (trông như cờ, vì thế mà ca dao có câu “ngó qua đám bắp trổ cờ) và hoa cái mọc thành cụm tạo thành bắp ngô (bẹ ngô), được bao bọc bởi các lớp lá với nhụy là các râu ngô trông như một búi tóc (màu vàng nhạt hoặc trắng xanh khi còn non và chuyển dần sang nâu đỏ khi già).

Cây ngô thụ phấn chéo nhờ gió hoặc nhờ người hỗ trợ. Quá trình thụ phấn thành công sẽ cho ra các trái đều hạt. Ở Việt Nam thường thấy hai màu hạt chủ yếu là vàng và trắng từ những giống ngô lai, ngô biến đổi gen… Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích ăn các loại ngô truyền thống hơn, đặc biệt là loại nếp nù. Không chỉ làm thức ăn cho người và gia súc, ngô còn là nguyên liệu để sản xuất bột ngô, ngô bỏng, bánh quy, nước tương, rượu bia, đường ngô, dầu ngô…

Cây ngô
Cây ngô

Công dụng của hạt ngô

Hạt ngô ngọt, thơm ngon, bổ dưỡng, thích hợp cho những người táo bón, huyết áp cao và xơ vữa động mạch. Ngoài đường, đạm, chất xơ, chất béo và các khoáng chất như Can xi, Phốt pho, Ka li, Na tri, Ma giê, Sắt, Kẽm…, trong hạt ngô màu vàng (“hoàng ngọc mễ”) (3) cũng như màu trắng (“bạch ngọc mễ”) (4) còn chứa các vitamin như A, B1, B2, E…

Bên cạnh công dụng giảm cân, ăn ngô còn giúp:

  • Giảm táo bón, ngăn ngừa viêm ruột và ung thư, đồng thời ức chế tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư.
  • Làm chậm lão hóa da, chống lão hóa mắt, tăng cường thị lực và trí nhớ.
  • Hạ huyết áp, làm giảm mỡ máu và xơ vữa động mạch (4)

Công dụng của râu ngô

Râu ngô chứa chất béo, tinh dầu, saponin, vitamin C, K, cryptoxanthin, acid malic, stigmasterol, sitosterol… nên giúp giảm mệt mỏi và chống o xy hóa. Theo y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình, giúp an thần. Đặc biệt, râu ngô tốt cho thận và bàng quang, giúp lợi tiểu trong điều trị tiểu rắt buốt, tiểu vàng, viêm đường tiết niệu, sỏi niệu, sỏi thận và bệnh lậu. Bên cạnh đó, râu ngô còn được dùng để điều trị huyết áp cao, phù thũng, viêm gan, vàng da, viêm túi mật và sỏi túi mật. Liều dùng: 20 – 30 g dưới dạng thuốc sắc (5).

Râu ngô
Rêu ngô tươi

Công dụng của dầu ngô

Dầu ngô được làm từ mầm khô của hạt ngô, có màu vàng, vị nhạt. Ở liều lượng phù hợp, dầu ngô có tác dụng hạ cholesterol máu, làm giảm xơ vữa động mạch và cũng có tác dụng nhất định trong điều trị huyết khối tắc mạch ở người cao tuổi (5). Ở Trung Quốc, dầu ngô còn được dùng để chống o xy hóa, ngừa khô mắt, quáng gà, viêm da, giãn phế quản… (6).

Lưu ý

  • Không nên lạm dụng dầu ngô cũng như nước râu ngô (thai phụ chỉ nên uống nước râu ngô 2 lần mỗi tuần). Ngoài ra, không nên uống nước râu ngô cùng với các loại thuốc khác, nhất là thuốc lợi tiểu hay uống vào ban đêm (để tránh tiểu nhiều về đêm).
  • Những người bị đầy hơi, bệnh về dạ dày, tiêu hóa kém hay bị tiểu không tự chủ cần tránh ăn ngô (3).
  • Không ăn ngô chung với ốc và sò để tránh ngộ độc (4).
  • Không ăn ngô kéo dài như lương thực chính để tránh tích tụ một số thành tố gây tác dụng phụ và gây độc. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng để tránh ăn phải ngô bị ôi thiu hay đã nhiễm hóa chất (được thêm vào trong quá trình đun nấu).
Nguồn tham khảo
    1. Cây ngô, https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-L%C3%A3m-Th%E1%BA%AFng/C%C3%A2y-ng%C3%B4/poem-QRLgwWC4i1NF5uWyd10I7g, ngày truy cập: 03/06/2019.
    2. Ngô, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4, ngày truy cập: 03/06/2019.
    3. 玉米, https://www.xiangha.com/shicai/%E7%8E%89%E7%B1%B3, ngày truy cập: 03/06/2019.
    4. 白玉米, https://www.pingguolv.com/sl/yingyang/52958.html, ngày truy cập: 03/06/2019.
    5. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, bản in trang 403.
    6. 玉米, https://baike.baidu.com/item/%E7%8E%89%E7%B1%B3/18401, ngày truy cập: 03/06/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện