Trong các cây thuốc dân gian thì có cây lòng mức Trung Bộ, hay còn gọi ngắn gọn là cây mức.
Tuy nhiên, bạn đừng nhầm cây này với “cây lồng mứt” cho quả màu nâu và thơm mềm, bạn nhé!
Cây mức trong bài viết này đa phần được trồng làm hàng rào, làm giá đỡ cho tiêu leo, hoặc lấy gỗ mềm làm bảng…
Ngoài ra, cây còn được dùng làm thuốc và đây cũng là công dụng mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Về cây lòng mức Trung Bộ
Cây có tên khoa học là Wrightia annamensis, thuộc họ Trúc đào (1).
Cây thuộc dạng thân gỗ, có nhựa màu trắng. Hoa mức có dạng hình xim thưa, có màu đỏ hoặc xanh xanh và quả của cây khi lớn có thể dài từ 15 – 20 cm.
Ở nước ta, cây được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng…(2).
Công dụng làm thuốc của cây lòng mức Trung Bộ
Bộ phận được dùng làm thuốc của cây là lá cây, rễ cây và gỗ (vị ngọt, mùi thơm và có tính mát).
Công dụng chủ yếu:
- Giải nhiệt, điều trị đau yết hầu.
- Điều trị sốt rét.
- Giúp trừ phiền, khai táo uất.
- Giúp tiêu phong thấp, điều trị phong thấp viêm khớp.
- Giúp lợi phế khí.
- Điều trị viêm gan vàng da.
- Điều trị xơ gan cổ trướng.
Cách dùng: Nếu dùng rễ và gỗ thì lấy từ 40 – 80 g, nấu lấy nước uống (có thể dùng một vị hoặc kết hợp cùng các vị khác). Nếu dùng lá thì sắc uống như trà từ 10 – 20 g mỗi ngày (2).
Phân biệt cây lòng mức Trung Bộ với các loại mức khác
Ngoài cây lòng mức Trung Bộ được đề cập trong bài viết này thì ở nước ta còn nhiều cây khác cũng có tên “mức” như:
1. Cây mức chàm (tên khoa học là Wrightia laevis), lá cây dùng làm thuốc nhuộm màu lam (để nhuộm vải chàm).
2. Loại hoa đỏ (tên khoa học là Wrightia dubia), lá cây nấu lên uống có công dụng lợi tiểu.
3. Loại hoa trắng (tên khoa học là Holarrhena pubescens), vỏ thân của cây được dùng làm thuốc điều trị lỵ amip và nhiều công dụng khác (cây này hay bị nhầm với cây lòng mức Trung Bộ).
4. Loại hoa trắng nhỏ (tên khoa học là Holarrhena crassifolia), lá và ngọn non của cây này có độc nhưng rễ và vỏ cây thì được dùng điều trị lỵ.
5. Loại lông (tên khoa học là Wrightia arborea), lá và vỏ rễ của cây có thể dùng làm thuốc nhuộm lam, ngoài ra lá tươi còn có thể đem giã nát để đắp lên mụn nhọt độc.
6. Loại lông mềm (tên khoa học là Wrightia pubescens), cây này hơi độc, mặc dù vậy, vỏ cây vẫn có thể dùng điều trị bệnh thận.
7. Loại sao (tên khoa học là Wrightia sikkimensis), cả cây được dùng điều trị sởi, mẩn ngứa, riêng lá cây còn có tác dụng cầm máu (2).
Thông tin thêm
- Cây lòng mức Trung Bộ là một trong số các loại cây phổ biến mọc trên các con đường ở Huế và cũng là cây bản địa của nước ta. Gỗ mức mềm nhẹ, thớ thịt mịn nên dễ chạm khắc, bào đẽo… làm que diêm, khắc bản mộc in, làm bảng gỗ, khuôn dấu, cán bút chì…
- Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Hộ thì nước ta có đến 12 loài mức khác nhau (riêng trong công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, nhà nghiên cứu Võ Văn Chi đã ghi lại công dụng làm thuốc của 8 loại) (3).