Cây lá cẩm, màu tím gói xôi và những bài thuốc quý

“Một màu lá cẩm làm xôi

Mà như sống lại khoảng trời tuổi thơ”.

Thời còn đi học, cứ hễ 5,6 giờ sáng là tôi lại nghe tiếng xe của cô bán xôi đẩy trên đường. Thế nhưng, tôi không mua vội vì biết rằng ngày nào cô cũng ghé trước cổng trường để bán cho học sinh và các bác công nhân.

Bữa ăn sáng, rẻ, ngon và no lâu thì chỉ có xôi! Chính vì vậy, xe xôi của cô lúc nào cũng đông chật khách dù chỉ bán hai loại là xôi đậu xanh và xôi lá cẩm.

Món xôi đậu xanh thì thơm ngon miễn bàn rồi, thế nhưng, ăn lâu lại ngán vì nó dẻ quá. Còn xôi lá cẩm, cô bán thường ít hơn một tí, hạt nếp cũng không nở bè mà nguyên và khô dẻo hơn, lại được nhuộm màu tím từ nước lá cẩm nên trông rất bắt mắt. Chính vì thế, xôi lá cẩm cũng ít gây ngán hơn.

Xôi lá cẩm
Xôi lá cẩm

Nói đến xôi lá cẩm không chỉ là nói đến màu tím tự nhiên như bông bằng lăng mà còn nói đến sự an toàn của phẩm màu trong ẩm thực.

Lấy màu lá cẩm nấu chè, làm bánh, nấu xôi, đổ rau câu… là truyền thống của nhiều gia đình Nam Bộ, từ Cần Thơ đến Cà Mau…

Rau câu lá cẩm đổ sơn thủy
Rau câu lá cẩm đổ sơn thủy

Tuy nhiên, ngày nay, các loại xôi chè bán ở chợ đa phần dùng phẩm màu hóa học, hiếm ai có đủ thời gian và cái tâm lành nghề để chắt chiu cho từng mẻ bánh, mẻ xôi!

Một lý do khác nữa là cây lá cẩm cũng không còn nhiều như trước. Vả lại, làm màu lá cẩm thì cũng tốn công: trồng, hái, nấu, chắt nước tạo màu…

Cây lá cẩm có công dụng gì?

Vâng, cây lá cẩm trông như một loài cỏ dại, hoa lá đều hết sức bình thường, thân mọc bò, phân nhánh và cắt một đoạn là có thể giâm trồng.

Không chỉ đóng vai trò như chất tạo màu, cây lá cẩm (Peristrophe bivalvis) còn được dùng làm thuốc (1).

Từ xưa, khi các loại thuốc tân dược chưa phát triển và phương tiện đi lại còn khó khăn thì cây lá quanh nhà chính là những phương thuốc cứu mạng. Từ nước ép rau muống giúp giải độc thực phẩm cho đến cây rau răm giúp ấm bụng, dễ tiêu; tất cả đều được trải nghiệm và lưu truyền. Và cây lá cẩm cũng vậy!

Cây lá cẩm
Cây lá cẩm

Dân gian đã phát hiện rằng: toàn cây lá cẩm đều có vị ngọt nhạt và có tính mát, giúp tán ứ, cầm máu, giảm ho.

Không chỉ thế, toàn cây lá cẩm còn được dùng điều trị nhiều loại bệnh như:

  • Lao phổi.
  • Ho ra máu, nôn ra máu.
  • Viêm phế quản cấp tính.
  • Tiêu chảy và kiết lỵ.
  • Điều trị các ổ tụ máu (giúp tán ứ).

Cách dùng làm thuốc cũng rất đơn giản: Bạn chỉ cần cắt lấy 15 – 30 g toàn cây, đem rửa sạch rồi cắt ngắn ra, nấu lấy nước uống là được.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cây lá cẩm có tính tán ứ nên phụ nữ mang thai không được dùng (2).

Các nghiên cứu về cây lá cẩm

  • Hoạt tính chống mỡ máu: Theo tạp chí Drug Research, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy trong lá cẩm có chứa hoạt chất giúp giảm mỡ máu xấu và tăng mỡ máu tốt (giúp giảm các chỉ số gây xơ vữa mạch máu ở chuột thí nghiệm) (3).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Kết quả nghiên cứu cho thấy cây lá cẩm có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ thận trước độc tính của acetaminophen (4).
  • Hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí International Journal of Biomedical Research, chiết xuất etanolic từ lá và thân cây lá cẩm đều có tác dụng kháng khuẩn (của lá mạnh hơn của thân) (5).

Ngày nay, cây lá cẩm đa phần chỉ được biết đến như một loại cây giúp tạo màu thực phẩm (bằng cách hái lá nấu lên). Chính vì vậy, ít ai chú ý và nó thường bị lãng quên, có khi bị phá đi để trồng cây khác.

Và có lẽ đây cũng không phải là kết cuộc riêng của cây lá cẩm. Quy luật cạnh tranh, đào thải của cuộc sống là vậy! Những loài cây nào ít tác dụng sẽ phải nhường chỗ cho những loài ưu thế hơn – khi diện tích đất trồng ngày càng bị thu hẹp.

Thế nhưng, ở một góc nhìn nào đó, có thể thấy rằng cây lá cẩm vẫn có giá trị nhất định của nó, là người bạn thân thuộc của tầng lớp mua gánh bán bưng, quanh năm làm đủ loại quà bánh rực rỡ sắc màu!

Bánh trái phải màu mè thì mới bắt mắt, tụi con nít mới thích!

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện