Cây duối có thể giải độc rắn không và công dụng làm thuốc

Lá và trái duối

Thời gian gần đây, trên các trang mạng thông tin đại chúng có truyền nhau cách dùng cây duối để sơ cứu khi bị rắn cắn. Có người thì bảo dùng vỏ rễ, có người thì bảo dùng vỏ cây và cũng có người thì nói dùng lá.

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện cây duối giải độc rắn cắn cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhìn chung, đây là bài thuốc khá mới.

Vậy, cuối cùng thì cây duối có thể giải độc rắn cắn không và trong y học, nó được biết đến với công dụng gì?

Vài nét về cây duối (cây ruối)

Đầu giồng có cây duối, cuối giồng có cây da,

Ngã ba đường có dây tơ hồng.

Con gái chưa chồng tấm lòng hực hỡ,

Con trai chưa vợ, ruột thắt như tranh.

Ngó lên mây trắng trời xanh, 

Ưng ai cũng vậy ưng anh cho rồi!

(Ca dao)

Bài ca dao ấy, có lẽ nhiều người của thế hệ trước vẫn còn biết đến. Ngày nay, nói đến cây duối, nhiều người còn nhờ ngợ: “Cây duối là cây gì? Sao nghe tên lạ quá!”.

Duối (hay cây ruối, cây hoàng anh mộc) là loại cây thân gỗ lâu năm nhưng thường chỉ cao khoảng 4 – 5 m. Trước đây, cây này mọc hoang rất nhiều từ Bắc đến Nam nhưng ngày nay thì ít thấy, thường chỉ dùng làm cảnh.

Quả duối
Quả duối có thể ăn được, khi chín vàng rất dễ nhận biết

Cây duối có thể giải độc rắn cắn không?

Cây duối (Streblus asper) được nói đến trong nhiều công trình y học như Cây thuốc An Giang (của Võ Văn Chi), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (của Đỗ Tất Lợi), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2, Nhiều tác giả)…

Tuy nhiên, cả 3 công trình này đều không thấy đề cập đến công dụng sơ cứu khi bị rắn cắn (chỉ có quyển Cây thuốc An Giang nói cây duối có tác dụng giải độc nhưng cũng không ghi rõ).

Mặt khác, kinh nghiệm dân gian vẫn có thể là nguồn tư liệu phong phú để bổ sung vào kho tàng tư liệu y học nhưng nó cần phải được kiểm chứng đầy đủ.

Quay trở lại công dụng dùng vỏ rễ/ vỏ cây/ lá duối để sơ cứu rắn cắn thì ta thấy:

  • Đây là kinh nghiệm dân gian và chưa được kiểm chứng.
  • Vì thuốc từ cỏ cây nên có thể phù hợp với người này và không phù hợp với người kia.
  • Chỉ dùng để sơ cứu tạm thời, sau đó phải nhanh chóng đưa đi bệnh viện lớn (có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn) hoặc trạm y tế gần nhất.
  • Trước khi uống thì phải rửa vết thương và buộc ga ro đúng cách (cột chặt, 20 phút nới ga ro một lần về phía tim để tránh hoại tử).
  • Các bài thuốc trên mạng cũng chưa chỉ rõ cách giã nát vắt lấy nước uống như thế nào, liều lượng bao nhiêu…
  • Cây duối ngày nay khó tìm trong khi nọc độc của rắn thì phác tác nhanh.
  • Có nhiều vị thuốc khác có thể giải độc rắn cắn (như cây kim vàng, trái đu đủ xanh…) và có thể thay thế cho loài cây này (trong khi chờ kiểm chứng và xác nhận thêm về công dụng giải độc rắn của cây duối).

Công dụng làm thuốc của cây duối

Nhiều bộ phận của cây duối đều được dùng làm thuốc như nhựa, vỏ rễ, vỏ thân và lá. Thông thường, nhựa duối dùng tươi và được dùng ngoài da để giảm nhức đầu (dán lên hai bên thái dương) (1).

Với vỏ rễ, vỏ thân và lá thì sau khi thu hái xong, người ta đem rửa sạch, phơi khô rồi sao vàng khi dùng. Cụ Việt Cúc có ghi lại công dụng làm thuốc của cây này như sau:

Cây duối đắng hàn, chữa thũng hay

Làm thông tiểu tiện, nhiệt thông ngay

Lá sao khí ấm, cầm băng huyết

Xích lỵ sao đen, dụng mới tài.

Liều lượng: mỗi ngày dùng 10 – 20 g thuốc sắc dưới sự chỉ định của thầy thuốc (1) (2).

Các bài thuốc kết hợp

1. Bó ngoài da khi bị gãy xương

  • Chuẩn bị: vỏ thân duối, lá thanh táo, dây tơ hồng và bẹ chuối tiêu.
  • Thực hiện: rửa sạch thuốc rồi giã nát và bó vào chỗ xương gãy, sau đó theo dõi diễn tiến để đưa đến bệnh viện nếu cần (1).
Cây duối cổ thụ
Duối cổ thụ

2. Điều trị phù thũng

  • Chuẩn bị: 12 g lá duối, 12 g vỏ bưởi (sao vàng), 12 g vỏ quýt, 12 g cây bố rừng, 10 g củ sả và 10 g vỏ tỏi.
  • Thực hiện: cho các vị trên vào nồi, đổ hai chén nước vào rồi sắc cho đến khi nước rút còn 1/ 3 thì chắt ra và để uống. Sau đó, tiếp tục đổ nước vào để sắc uống lần hai (nghĩa là một ngày uống 1 thang 2 nước) (1).

3. Điều trị tiểu buốt, tiểu rắt hoặc nước tiểu có cặn trắng

  • Chuẩn bị: 20 g vỏ rễ duối và 20 g rễ cây nhót rừng.
  • Thực hiện: hai vị trên đem chặt nhỏ ra rồi sao vàng và nấu lấy nước uống (2).
Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 221.
  2.  Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 638.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 574.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện