Điều nhuộm (cây ca ri) công dụng và cách dùng làm thuốc

Ở miền Nam, ca ri là tên gọi của một trong những món chính trong những ngày giỗ chạp, lễ tiệc. Món ăn thập cẩm này đặc trưng ở màu và mùi ca ri, được tạo nên bằng cách khử hạt ca ri trong dầu cho ra hết màu thì vớt xác bỏ, sau đó mới cho các thành phần (khoai môn, khoai tây, tàu hủ, thịt…) và đảo cho thấm đều rồi mới cho nước cốt và gia vị vào. Nếu không, dầu có chứa màu ca ri sẽ bị tách riêng và nổi váng lên mặt nước, không tạo được màu vàng ca ri như ý.

Thế nhưng, cây ca ri còn là một cây thuốc, bạn đã nghe đến chưa?

Đặc điểm

Cây điều nhuộm (miền Bắc) hay cây ca ri (miền Nam) còn có những tên gọi khác như điều màu, cà ri, chầm phù…, có tên khoa học là Bixa orellana, thuộc họ điều nhuộm Bixaceae (1).

Ở đây, cần chú ý điều nhuộm còn được gọi là cà ri nhưng ít nhất hai loài cây khác cũng được gọi là cà ri. Cây thứ nhất là cà ri Ấn Độ (Murraya Koenigii) với lá được dùng làm bột cà ri Ấn Độ. Cây thứ hai là cỏ ca ri (Trigonella foenum – graecum), hay còn gọi là cây Methi với lá làm thuốc và hạt làm gia vị (2).

Điều nhuộm là cây thân gỗ nhỏ, lâu năm, lá hình trái tim mọc xen kẽ nhau, chùm quả màu đỏ chứa khoảng 30 – 60 hạt có hình chóp nón. Khi chín, quả nang tự bung nở để lộ chùm hạt với lớp bột vàng đỏ.

Cây điều nhuộm qua các nghiên cứu, ứng dụng y học

Các bộ phận của cây điều nhuộm đều được ứng dụng để điều trị bệnh, trong đó, lá và hạt là phổ biến nhất.

Công dụng của lá cây điều nhuộm

  • Theo Tạp chí quốc tế về dược điển (International Journal of Pharmacognosy), chiết xuất ethanol 95% từ lá điều nhuộm cho thấy hoạt tính kháng nấm và kháng khuẩn (3).
  • Các nghiên cứu thực hiện trên chuột thí nghiệm cũng cho thấy chiết xuất methanol từ lá điều nhuộm có tác dụng giảm đau, giảm co giật, chống o xy hóa và các tác nhân gây bệnh đường ruột (4).
  • Trong y học cổ truyền, lá điều nhuộm cũng được dùng để điều trị viêm phế quản, đau họng. Nước sắc lá điều nhuộm còn giúp giảm hiện tượng nôn khi mang thai (5).
  • Ngoài ra, để giảm tình trạng nhiễm trùng miệng và cổ họng, người ta còn dùng nước sắc lá điều nhuộm để súc miệng. Để điều trị áp xe, có thể giã nát chồi non rồi đắp lên (6).

Công dụng của hạt điều nhuộm

  • Hạt điều nhuộm với hơn 20 thành phần hóa học được phân lập đã được ứng dụng để làm thuốc kháng sinh, nhuận tràng, hạ huyết áp, chống sốt rét, hạ đường huyết và chống oxy hóa (5).
  • Ngoài ra, nước sắc hạt điều nhuộm còn được dùng để hạ sốt và si rô được bào chế có thành phần hạt điều nhuộm cũng giúp điều trị tình trạng viêm họng, viêm phế quản. – Lớp bột ngoài vỏ hạt điều nhuộm cũng được nghiên cứu làm thành thức uống dùng trong điều trị ung thư, kiết lỵ và nhiễm trùng thận (6).
Hình ảnh quả điều nhuộm và hạt điều nhuộm
Hình ảnh hạt điều nhuộm

Công dụng của vỏ cây và rễ cây điều nhuộm

Được biết, nước sắc vỏ cây điều nhuộm có tác dụng điều trị sốt rét, đau thắt ngực và hen suyễn. Ngoài ra, hỗn hợp vỏ cây và lá điều nhuộm còn được nghiền nát rồi thoa để điều trị phát ban da (6).

Nước sắc từ rễ cây điều nhuộm giúp dễ tiêu hóa, lợi tiểu, đồng thời kiểm soát hen suyễn. Rễ điều nhuộm còn được làm thành trà để điều trị chứng vàng da (6).

Thông tin thêm

Dị ứng: điều nhuộm ít gây dị ứng và nếu có xảy ra thì thường phản ứng ở vùng miệng.

Khả năng ức chế nhiễm trùng niệu sinh dục: hiện chưa có nghiên cứu đánh giá khả năng này nhưng dân gian từ lâu đã dùng điều nhuộm (rễ) để điều trị lậu (7)

Liều lượng: kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng 750g bột lá điều nhuộm mỗi ngày và trong vòng 6 tháng là an toàn và không có tác dụng phụ (7).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện