Thục địa, sinh địa (cây địa hoàng) và cách điều trị bệnh phụ khoa ( 1)

Đại thi hào Tagore – người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học có một câu nói rất hay: “Cây cối là nỗ lực bất tận của mặt đất để nói với thiên đường đang lắng nghe (1). Và thật như vậy, càng tìm hiểu về cỏ cây, người ta càng bất ngờ về những đặc tính và giá trị mà nó đem lại, trong đó có phương diện làm thuốc.

Hơn nữa, thực tế đời sống cho thấy thảo dược vẫn là sự lựa chọn chủ yếu trong điều trị bệnh vì tính thân thiện và sẵn có của nó (nhất là ở các nước đang phát triển). Trong đó, phải kể đến cây địa hoàng – một vị thuốc đa công dụng được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền ở các nước Á Đông.

Đặc điểm của cây địa hoàng

Địa hoàng (tên khoa học: Rehmannia glutinosa, họ Cỏ chổi: Orobanchaceae) (2), hay còn gọi bằng các tên khác như: sinh địa, thục địa, thục địa hoàng…

Cây thuộc dạng thân thảo với chiều cao khoảng 30 cm, toàn cây (trừ rễ) đều có lông mềm bao phủ. Hoa địa hoàng có màu tím đỏ, hình chuông xòe.

Phần dùng làm thuốc của cây địa hoàng là rễ củ với hai dạng chính là sinh địa và thục địa:

  1. Sinh địa: tức rễ cây địa hoàng tươi hay đã phơi, sấy khô, có vị ngọt đắng.
  2. Thục địa: tức là sinh địa được đem nấu chín theo một phương pháp riêng (thường là “cửu chưng cửu sái” – tẩm và đồ 9 lần cho đến khi củ có màu đen nhánh), có vị ngọt (3) (4).

Công dụng các bộ phận trong cây địa hoàng

Công dụng của sinh địa

  • Hạ đường huyết, làm mạnh tim: kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy uống nước sắc từ sinh địa giúp giảm đường huyết, cầm máu, lợi tiểu và làm mạnh tim (3).
  • Làm mát huyết, bổ dương và điều trị các bệnh phụ nữ: trong y học cổ truyền, sinh địa còn được biết đến với tác dụng làm mát máu, thanh nhiệt, bổ dương và điều trị thiếu máu, thổ huyết, cơ thể suy nhược, đặc biệt là các bệnh phụ khoa như băng huyết, động thai, kinh nguyệt không đều. Liều dùng: mỗi ngày từ 9 – 15 g thuốc sắc (3).
Công dụng của sinh địa
Công dụng của sinh địa

Bài thuốc kết hợp từ sinh địa

Sinh địa còn được dùng trong bài thuốc kết hợp để điều trị lao và ho khan gồm các vị với tỉ lệ như sau: 2,4 kg sinh địa, 480 g bạch phục linh, 240 g nhân sâm và 1, 2 kg mật ong. Trước tiên, lấy sinh địa giã nát, vắt lấy nước rồi cho thêm mật ong vào, nấu hỗn hợp cho sôi rồi cho thêm nhân sâm và bạch phục linh vào (cả hai đã tán nhỏ). Sau đó tắt bếp và cho vào chai lọ, đậy kín rồi đun cách thủy trong 3 ngày 3 đêm, sau đó để nguội và dùng dần (mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 1 – 2 thìa thuốc) (3).

Công dụng của thục địa

  • Bổ gan thận, máu huyết và tinh khí: Khác với sinh địa, thục địa thiên về chức năng bổ gan thận, sinh tinh, làm cơ thể cường tráng, sáng mắt, đen râu tóc, điều trị kinh nguyệt không đều và chảy máu tử cung. Đặc biệt, thục địa phù hợp với những người huyết hư (do lao tâm khổ trí) hay những người bị hao tổn tinh khí (do túng dục quá độ) (3) (4).
  • Điều trị tiểu đường và hen suyễn: Thục địa còn được dùng trong điều trị tiêu khát (tiểu đường), hen suyễn, ho (do âm hư) và ngực đập như đánh trống. Liều lượng: dùng 9 – 15 g thuốc sắc (3) (4).

Công dụng của thục địa

Các bài thuốc kết hợp từ thục địa

  • Điều trị bệnh phụ khoa, nam khoa và nhiều trường hợp khác: Thục địa còn được dùng trong bài thuốc gồm 6 vị kết hợp để điều trị các bệnh về phụ khoa (như kinh nguyệt không đều) và nam khoa (như di tinh, mộng tinh). Đồng thời, bài thuốc này còn giúp giảm nhức đầu, chóng mặt, ù tai, đau lưng mỏi gối, đổ mồ hôi trộm và cổ đau do khô họng. Ngoài ra, vì có tính bổ nên trẻ em gầy yếu cũng có thể dùng bài thuốc này. Sáu vị thuốc đó gồm: thục địa (320 g), sơn thù du, củ mài (mỗi vị 160 g), bạch phục linh, mẫu đơn bì và trạch tả (mỗi vị 120 g). Các bước thực hiện như sau: Giã thục địa cho đến khi mềm nhũn còn 5 vị thuốc còn lại thì sấy khô rồi tán nhỏ và trộn đều. Sau đó, cho thêm mật ong vào (vừa đủ) và vo thành viên chừng bằng hạt bắp, mỗi ngày dùng 20 viên, tức khoảng 8 – 12 g thuốc (chia thành hai lần để uống trong 15 phút, uống vào lúc đói, trước bữa cơm) (3).
  • Điều trị xơ cứng động mạch và lupus ban đỏ: Đối với các bệnh như rối loạn chất tạo keo (lupus ban đỏ), tăng huyết áp, suy nhược thần kinh và xơ cứng động mạch; có thể dùng bài thuốc sắc gồm thục địa (16 g), đan bì, phục linh, trạch tả (mỗi vị 8 g), củ mài và sơn thù (mỗi vị 12 g) (4).

Lưu ý

  • Quá trình sơ chế: Khi phơi củ cây địa hoàng tươi thành địa hoàng khô cần rửa nước nhanh, tránh làm xây xát vỏ. Khi đồ củ địa hoàng khô thành thục địa (hay nấu địa hoàng làm thuốc) cần dùng dụng cụ bằng sành, đất, tránh dùng đồ đồng, đồ sắt vì có thể gây bạc tóc, bại thận (ở nam giới), tổn huyết (ở nữ giới) khi dùng thuốc (3).
  • Tương tác thuốc: Không nên dùng thục địa chung với các vị thuốc như tam bạch, phỉ bạch, thông bạch, cửu bạch, la bặc, bối mẫu, vô di (5).
  • Đối tượng cần tránh: Những người tì vị hư hàn (3), bị chứng ngực đầy hay dương khí suy không được dùng địa hoàng làm thuốc (6).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 những suy nghĩ trên “Thục địa, sinh địa (cây địa hoàng) và cách điều trị bệnh phụ khoa ( 1)

  1. Hạnh nói:

    Tôi muốn mua củ Địa hoàng tươi, loại lớn có nguồn gốc từ ngọ núi Hồng lĩnh ( miền Bắc ) vậy có ai đáp ứng dfuodjc không ?

1
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện