Nhiều năm trước, hễ trong xóm tôi có đứa trẻ nào bị quai bị là mấy đứa khác không dám chơi chung vì sợ bị lây. Đây là bệnh do virus gây ra nên dễ lan truyền qua đường nước bọt, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện… (1).
Thường thì vào mùa Đông và mùa Xuân, bệnh quai bị hay xảy ra với biểu hiện chủ yếu là sưng phù lên ở tuyến mang tai. Vì vậy, gương mặt người bệnh bị bành ra một bên và khó che giấu được (gây mặc cảm, tự ti cho người bệnh).
Với trường hợp nặng hoặc không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể bị sưng cả hai bên mang tai trong 5 – 6 ngày liên tiếp và thậm chí có thể bị hành đến mê sảng, sốt cao hoặc gây ra các biến chứng như viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn (có thể gây vô sinh), viêm buồng trứng, sảy thai trong 3 tháng đầu, nhồi máu phổi, … (2).
Các bài thuốc dân gian điều trị quai bị
Hiện nay, chúng ta chưa có thuốc đặc trị quai bị nhưng có thể dùng các loại thuốc hỗ trợ điều trị. Theo quan niệm Đông y, nguyên tắc chung trong điều trị quai bị là dùng những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm.
1. Dùng vỏ cây gạo
Vỏ cây gạo có tính mát nên giúp thanh nhiệt, tiêu sưng rất tốt. Khi dùng làm thuốc, bạn cạo bỏ lớp vỏ thô ráp bên ngoài, chỉ lấy lớp vỏ bên trong, đem rửa sạch rồi cắt ngắn ra, phơi khô và để dùng dần.
Liều lượng: nấu lấy nước uống từ 10 – 20 g mỗi ngày (2).
2. Dùng cây bồ công anh
Bồ công anh là cây thuốc nổi tiếng giúp thanh nhiệt, giải độc và đặc biệt là điều trị mụn nhọt, áp xe hay các chứng viêm sưng.
Vì vậy, với trường hợp quai bị, bạn có thể dùng 20 – 40 g cây bồ công anh tươi, rửa sạch, xay nát rồi ép lấy nước uống trong ngày (hoặc lấy 10 – 20 g cây khô, nấu lấy nước uống trong ngày) (2).
3. Kim ngân hoa
Kim ngân hoa có tác dụng kháng khuẩn và điều trị các bệnh các bệnh nhiễm khuẩn, vì vậy, bạn có thể điều trị quai bị bằng cách dùng 4 – 6 g hoa, nấu lấy nước uống (2).
4. Hạt ngưu bàng
Hạt ngưu bàng có tác dụng kháng khuẩn và thường được dùng điều trị sưng vú, viêm tai và viêm phổi. Khi bị quai bị, bạn có thể lấy 6 – 10 g hạt ngưu bàng, nấu lấy nước uống hàng ngày (2).
5. Lá cây đơn lá đỏ
Lá cây đơn lá đỏ là vị thuốc nổi tiếng trong điều trị mụn nhọt và quai bị.
Cách dùng như sau: lấy 15 – 20 g lá cây đơn lá đỏ, sao vàng rồi nấu lấy nước uống (2).
6. Rau sam
Rau sam là loại rau dại có mặt trên khắp nước ta và có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, giảm sưng rất tốt. Vì vậy, bạn có thể dùng rau sam điều trị quai bị bằng cách lấy từ 50 – 100 g rau tươi, rửa sạch bằng nước muối rồi xay nát, vắt lấy nước uống (2).
7. Bạc hà
Lá bạc hà nhỏ như lá rau quế, rau thơm (nhưng rất thơm mùi bạc hà đặc trưng) và có nhiều tác dụng như: giảm đau đầu, giảm nghẹt mũi và viêm họng sưng đau.
Do đó, nó cũng góp phần giảm bệnh quai bị và bạn có thể dùng bằng cách hâm lấy nước uống từ 4 – 8 g lá mỗi ngày (2). Tuy nhiên, cần lưu ý không được dùng quá liều.
8. Cây sài đất
Sài đất là cây thuốc có tác dụng tiêu độc, kháng khuẩn, điều trị mụn nhọt, viêm tấy và áp xe. Vì vậy, ta cũng có thể dùng cây sài đất hỗ trợ điều trị quai bị bằng cách nấu lấy nước uống từ 20 – 40 g mỗi ngày (2).
9. Sài hồ
Sài hồ là vị thuốc có tác dụng chống viêm, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, sưng tấy và giúp điều hòa hệ miễn dịch. Vì vậy, nó cũng góp phần điều trị quai bị.
Cách dùng như sau: nấu lấy nước uống từ 4 – 12 g mỗi ngày (2).
Những lưu ý khi bị quai bị
Khi thấy có dấu hiệu bị quai bị (đau sưng ở vùng mang tai), bạn nên đi khám bệnh và nếu phát hiện mình mắc bệnh này, bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Uống đủ nước.
- Tránh các thức ăn cứng (phải nhai mạnh), thức ăn cay nóng, tẩm ướp nhiều gia vị.
- Nghỉ ngơi và tránh tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh (1).
- Khi bị quai bị, người bệnh nên thường xuyên súc miệng bằng nước muối (không được dán dầu cao, cao bột hay đắp bất kỳ loại thuốc nóng nào lên chỗ bị sưng vì làm như thế sẽ dễ gây hại thêm) (2).