Chó đẻ loài cây lọc máu, điều kinh, điều trị viêm gan, viêm thận

Còn nhớ, ngày mẹ tôi sanh thằng em út, ngoại tôi liền vào nhà thăm rồi len lén nhét xuống dưới chiếu một nhúm cây chó đẻ (vừa nhổ ở dọc đường). Khi tôi hỏi thì bà giải thích rằng: làm như vậy em tôi sẽ dễ nuôi, dễ như “chó đẻ” vậy.

Thật ra, nếu bỏ qua niềm tin có phần mê tín đó thì cây chó đẻ vẫn là cây thuốc thân thuộc nhất ở quê tôi, đi đâu cũng thấy cây chó đẻ.

Thật vậy, từ kẹt lu nước sau hè tới những bãi cỏ trống, từ ven con lộ đến những bờ đất trên đồng, đến vườn rau, liếp cải…; ít nhiều gì cũng thấy lơ thơ cây chó đẻ. Có khi không biết ở đâu mà sau một cơn mưa, sân vườn mọc lên một đám dày đặc cây chó đẻ, thế là nhổ không đành mà để cũng không xong.

Công dụng của cây chó đẻ

Nếu hỏi những người phụ nữ ở quê tôi thì hầu như ai cũng biết cây chó đẻ giúp điều kinh và mặt khác là gây hư thai. Có thể nói, đây là cây thuốc gắn liền với sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Thứ nhất, cây chó đẻ có tác dụng thông huyết nên những người trễ kinh chỉ cần lấy cây tươi (hoặc phơi khô dộp dộp) rồi sắc lấy nước uống thì kinh nguyệt sẽ dần dần điều hòa lại (những người bị nổi mụn có kèm theo kinh nguyệt thất thường khi đi hốt thuốc Nam cũng thường thấy có cây chó đẻ).

Thứ hai, chính vì tác dụng thông huyết, tán ứ mà cây chó đẻ lại gây hư thai. Nhiều năm trước đây, ở quê tôi, những người bị “có chửa trộm” còn dùng cây chó đẻ để phá thai (thường là trong giai đoạn đầu thai kỳ). Vì vậy, điều lưu ý mà ai cũng nhớ đối với cây thuốc này là phụ nữ có thai không được dùng.

Chó đẻ còn có tên gọi khác là diệp hạ châu, ngoài hai tác dụng kể trên, cây còn là vị thuốc giúp:

  • Tán ứ, điều huyết.
  • Tiêu viêm, tiêu độc.
  • Lọc máu, lợi tiểu.
  • Giúp giảm đau họng, viêm họng.
  • Điều trị viêm gan, viêm kết mạc.
  • Điều trị chứng sản hậu ứ huyết gây đau bụng.
  • Điều trị bệnh đường tiết niệu, viêm thận, phù thũng.
  • Điều trị mụn nhọt, đinh râu.

Liều dùng: mỗi ngày dùng từ 20 – 40 g cây tươi, bỏ rễ, thái nhỏ, sao khô rồi sắc lấy nước uống (sắc đặc). Nếu dùng khô thì sắc từ 8 – 16 g (1) (2) (3).

Cây diệp hạ châu
Cây diệp hạ châu

Một số bài thuốc thông dụng

Nhọt độc mưng mủ, sưng đau: diệp hạ châu có tác dụng lọc máu và kháng viêm rất tốt. Vì vậy, nếu bị mụn nhọt gây đau nhức khó chịu, bạn có thể hái một nắm cây chó đẻ (chừng 20 g), rửa sạch rồi giã nát vắt lấy nước uống, phần bã thì đắp lên. Cứ kiên trì dùng vài lần sẽ bắt đầu thấy hiệu quả.

Da bị lở loét và thịt thối rửa mãi, không liền miệng: Trong trường hợp này, có thể lấy lá chó đẻ và lá thồm lồm (liều lượng bằng nhau tùy vào độ rộng của vết thương), sau đó đem giã chung với 1 nụ đinh hương rồi đắp lên vùng da bị lở.

Điều trị viêm gan, vàng da, viêm thận, viêm ruột, tiêu chảy, nước tiểu đỏ: dùng 40g diệp hạ châu, 20 g mã đề và 12 g dành dành sắc lấy nước uống (3).

Cây chó đẻ có tác dụng gì
Cây diệp hạ châu công dụng cách dùng

Một số nghiên cứu về cây chó đẻ

Cây diệp hạ châu, hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, có tên khoa học là Phyllanthus urinaria, thuộc họ Diệp hạ châu: Phyllanthaceae (4).

Theo các kết quả nghiên cứu hiện đại, cây có các hoạt tính như:

Ngăn ngừa tác dụng phụ của hóa trị DOX: chiết xuất từ cây chó đẻ răng cưa có hoạt tính chống oxy hóa cao, từ đó giúp ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc hóa trị doxorubicin (gây độc tính trên tim) (theo tạp chí Biological and Pharmaceutical Bulletin) (5).

Chống ung thư phổi: một điều đáng ghi nhận là chiết xuất nước từ diệp hạ châu gây độc với các tế bào ung thư biểu mô phổi Lewis nhưng không gây độc với các tế bào bình thường (như tế bào nội mô và tế bào gan). Do đó, cây chó đẻ có thể được xem là loại dược liệu an toàn (theo tạp chí Life Sciences) (6).

Hạ huyết áp: chiết xuất acetone 70 % dung dịch nước của cây chó đẻ có tác dụng chống oxy hóa và hạ huyết áp đáng kể (theo tạp chí Food and Chemical Toxicology) (7).

Giảm độc tính gan do Acetaminophen: chiết xuất cây diệp hạ châu giúp bảo vệ tế bào gan, tránh nhiễm độc do acetaminophen (thuốc điều trị cảm cúm thông thường, dùng quá liều có thể gây chết người) (theo tạp chí Phytomedicine) (8).

Nguồn tham khảo

1. Chó đẻ răng cưa, https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B3_%C4%91%E1%BA%BB_r%C4%83ng_c%C6%B0a, ngày truy cập: 30/ 10/ 2019.

2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 97.

3. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991 trang 118.

4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2004, trang 438.

5. Antioxidative and Cardioprotective Effects of Phyllanthus urinaria L. on Doxorubicin-Induced Cardiotoxicity, https://www.jstage.jst.go.jp/article/bpb/28/7/28_7_1165/_article/-char/ja/, ngày truy cập: 30/ 10/ 2019.

6. Phyllanthus urinaria triggers the apoptosis and Bcl-2 down-regulation in Lewis lung carcinoma cells, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S002432050300016X, ngày truy cập: 30/ 10/ 2019.

7. Antioxidant, anti-semicarbazide-sensitive amine oxidase, and anti-hypertensive activities of geraniin isolated from Phyllanthus urinaria,

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0278691508001762 ngày truy cập: 30/ 10/ 2019.

8. Phyllanthus urinaria extract attenuates acetaminophen induced hepatotoxicity: Involvement of cytochrome P450 CYP2E1, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711309000312 ngày truy cập: 30/ 10/ 2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện