Cây câu đằng Bắc điều trị sưng khớp, phong tê thấp và cao huyết áp

Trong Đông y có vị câu đằng là phần nhánh có các gai móc như lưỡi câu. Tuy nhiên, ngoài câu đằng thì câu đằng Bắc và câu đằng lông cũng là những vị thuốc đa công dụng.

Trong đó, cây câu đằng Bắc hay bị nhầm với câu đằng. Vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân biệt đặc điểm và công dụng của hai loại này nhé!

Phân biệt cây câu đằng và câu đằng Bắc

Câu đằng và câu đằng Bắc đều là dạng thân leo và đều có gai hình móc câu ở nách lá, trông như lưỡi câu (cứ nách này có 2 móc thì nách tiếp theo sẽ có 1 móc và luân phiên như vậy).

Phần đoạn cành có móc câu
Phần đoạn cành có móc câu

Hoa của hai loại này đều có màu vàng mọc thành cụm, có dạng hình đầu, tròn xoe như quả pháo (na ná như bông gáo vàng). Quả của hai loại này đều thuộc dạng quả nang và có nhiều hạt bên trong.

Tuy nhiên, giữa hai loại này vẫn có một số điểm khác nhau để phân biệt như:

  • : Lá cây câu đằng có hình trái xoan thon nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới mốc còn lá câu đằng Bắc thì thuôn nhọn hơn, mặt trên nâu đỏ, mặt dưới nâu nâu.
  • Hoa: Hoa câu đằng nhỏ hơn (to khoảng 0.8 – 1 cm) trong khi hoa câu đằng Bắc có đường kính to hơn (khoảng 2 cm) (1).

Công dụng làm thuốc của cây câu đằng Bắc

Ở bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu về công dụng của cây câu đằng.

Vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công dụng của cây câu đằng Bắc nhé!

Câu đằng Bắc
Câu đằng Bắc

Bộ phận dùng làm thuốc: Phần gai móc liền với mấu cành nhưng chỉ lấy những mấu có hai móc thôi nhé (ngoài ra còn dùng rễ trong một số trường hợp khác).

Tác dụng: Theo y học cổ truyền, mấu cành có gai của cây câu đằng Bắc có vị đắng chát, tính mát và có nhiều công dụng như:

  • Thanh nhiệt, lọc máu, bình can.
  • Điều trị nhức đầu, chóng mặt.
  • Điều trị cao huyết áp dẫn đến hoa mắt, ù tai.
  • Điều trị sốt cao gây kinh giật ở trẻ em.
  • Điều trị nổi ban và lên sởi.
  • Điều trị sưng khớp.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 12 – 16 g mấu cành có 2 móc gai (dược liệu khô), nấu lấy nước uống.

Với rễ cây, dân gian thường dùng làm thuốc với các công dụng như:

  • Điều trị ho ra máu.
  • Điều trị kinh phong, cao huyết áp.
  • Điều trị thiên đầu thống (đau nửa đầu).
  • Điều trị phong tê thấp và đau thần kinh tọa.

Cách dùng: sắc uống từ 12 – 16 g rễ cây mỗi ngày.

Bài thuốc kết hợp: Với trường hợp ho ra máu, dân gian còn dùng bài thuốc kết hợp sau:

  • Chuẩn bị: 10 g rễ cây câu đằng Bắc (đem đốt thành than rồi nghiền nát), 10 g cỏ mực, 10 g rau má và 5 g lá đậu ván trắng.
  • Thực hiện: Lấy cỏ mực, rau má và lá đậu ván trắng, đem giã nát, sau đó cho thêm nước rồi trộn đều, để cho lắng lại thì gạn lấy lớp nước trong và hòa với bột câu đằng Bắc (đã đốt và nghiền nát ban nãy), uống hết trong ngày (1).

Thông tin thêm

Cây câu đằng Bắc có tên khoa học là Uncaria homomalla (đồng nghĩa: Uncaria tonkinensis), thuộc họ Cà phê. Ở nước ta, cây thường mọc từ các tỉnh miền Bắc vào các tỉnh Đông Nam Bộ và lá cây thỉnh thoảng cũng được dùng làm trà uống. Ở Trung Quốc, cây cũng được dùng làm thuốc và được gọi là “tứ lăng thông” (四楞通) (2).

Trên thế giới, cây câu đằng Bắc vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Vì vậy, trong tương lai, cần lắm những nghiên cứu mới để minh chứng thêm cho rất nhiều công dụng của cây câu đằng Bắc mà dân gian đã dùng trong nhiều năm nay.

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện