Cây cam thìa (cây hoa mật) có tác dụng gì?

Cây cam thìa còn được gọi là cây hoa mật nhưng hoa của nó thì lại không “ngọt như mật” mà là “đắng như mật”. Và không chỉ đắng, hoa của nó còn có vị mặn nữa.

Trong y học cổ truyền, hoa cam thìa là vị thuốc điều trị khó thở, căng tức ngực; ngoài ra còn được dùng điều trị ho suyễn, ho đờm (nhờ có tính ấm).

Điều thú vị hơn là hoa cam thìa đắng nhưng toàn cây cam thìa thì lại không đắng mà cay (cay nhưng lại có tính mát). Cho nên, nhiều năm qua, dân gian thường dùng cây này làm thuốc tả hỏa, giải độc, giảm đau (1).

Cây cam thìa
Cây cam thìa

Cách dùng cây cam thìa làm thuốc

Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam (tập 1), dân gian Việt Nam và Trung Quốc đã dùng cây cam thìa trong nhiều trường hợp như:

  • Đòn ngã tổn thương khiến cho tụ máu bầm bên trong (giúp khư ứ, giảm đau).
  • Điều trị cảm mạo, nghẹt mũi, nhức đầu.
  • Điều trị sốt rét cách nhật cấp tính và mạn tính.
  • Điều trị viêm đại tràng, trướng bụng.
  • Điều trị viêm gan do siêu vi trùng.
  • Điều trị kiết lỵ cấp tính và mạn tính.

Liều dùng: Mỗi ngày, lấy từ 20 g – 30 g toàn cây, đem nấu với 400 ml nước cho đến khi nước rút lại còn 100 ml thì chia thành hai lần uống trong ngày (thu hái khi cây chưa có hoa, rửa sạch rồi xắt nhỏ, phơi khô) (1) (2).

Cam thìa
Hoa cây cam thìa

Bài thuốc kết hợp điều trị sốt rét của Viện y học cổ truyền

Một thời, căn bệnh sốt rét trở thành nỗi ám ảnh của toàn dân ta, nhất là những người đi rừng. Thuốc điều trị sốt rét thì có rất nhiều, tuy nhiên, không phải đơn thuốc nào cũng dễ tìm, dễ bào chế.

Trong những bài thuốc đó, có thể kể đến bài thuốc của Viện y học cổ truyền gồm 9 vị, trong đó có cây cam thìa. Cách dùng như sau:

Chuẩn bị:

  • 100 g cam thìa (dùng cả cây, bao gồm rễ, cành và lá); chặt nhỏ ra, đem phơi khô rồi tẩm rượu và sao vàng lên.
  • 50 g lá cây thường sơn (đã tước bỏ sống lá và cuống lá rồi đem ngâm với nước vo gạo hai ngày hai đêm, mỗi ngày thay nước vo gạo một lần, sau đó vớt ra, xắt nhỏ, tẩm rượu, sao vàng).
  • 50 g rễ cây hà thủ ô trắng (đã chế).
  • 30 g vỏ quả chanh đã phơi khô.
  • 30 g thảo quả sao cháy vỏ bên ngoài để lấy hạt.
  • 30 g hạt cau (hạt cau nhà hay hạt cau rừng đều được).
  • 30 g miết giáp – tức mai của con ba ba đã phơi hay sấy khô (đem tẩm giấm rồi nướng vàng làm 3 lần).
  • 20 g cam thảo Bắc (sao qua).
  • 20 g hậu phác.

Thực hiện: lấy các vị trên xay, nghiền cho nát thành bột rồi phơi cho khô hẳn để dùng nhiều lần.

Liều lượng: Nếu là người lớn thì mỗi lần uống 4 g bột thuốc (uống bằng nước sôi để nguội), ngày uống hai lần và uống trước bữa ăn 1 tiếng (nếu sốt rét cơn thì uống trước cơn sốt 1 tiếng đồng hồ). Với trẻ nhỏ thì cần giảm liều lượng theo hướng dẫn của thầy thuốc (tùy theo độ tuổi).

Thời gian uống: Thuốc này uống liên tục 1 tháng thì ngưng (2).

Thông tin thêm

Cây cam thìa còn được gọi là cây hoa mật, cây cơm thìa, cây mao liên thái, cây mật đất… Cây có tên khoa học là Picris hieracioides.

Đặc điểm nhận dạng: là loài thân cỏ, cao không quá 1,2 m và thân có lông phủ. Lá cây thuôn nhọn, mép lá có dạng răng cưa và cả hai mặt đều có lông. Hoa cam thìa mọc thành cụm dạng tán hoặc dạng ngù giả, có màu vàng tươi (các hoa hình lưỡi) (1) (2).

Nhìn chung, cây cam thìa chủ yếu được dùng trong phạm vi dân gian và trên thế giới, các công trình nghiên cứu về nó chủ yếu dừng lại ở phạm vi sinh học, chưa có nhiều nghiên cứu về giá trị y học. Vì vậy, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà nghiên cứu tiếp theo.

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện