- Tên khác: Cây cỏ nến, bồ thảo, hương bồ thảo
- Tên khoa học: Typha orientalis, thuộc họ Hương bồ: Typhaceae (1).
- Tính vị: Vị ngọn, tính bình.
- Công dụng chính: Lợi tiểu, cầm máu.
Còn nhớ cái hồi lên năm lên bảy, cứ lâu lâu là lỗ tai tôi lại bị lở một lần. Thế là, lần nào mẹ tôi cũng ngắt một cọng bún trắng nõn, bóp nát rồi đắp lên chỗ bị lở, vừa đắp vừa lầm thầm mấy câu đại loại như: “hết nghe, không được chảy nữa nghe”, “con cào cào mày không được cắn cái lỗ tai của con tao nữa nghe”, thế đấy!.
Thật ra, tôi cũng không nhớ sau đó lỗ tai tôi có hết hay không. Thế nhưng, bên cạnh cách điều trị bệnh theo kiểu “bùa phán” ấy, vẫn còn có nhiều bài thuốc thực tế hơn, đơn cử là trường hợp dùng bồ hoàng để điều trị chứng tai chảy mủ mà chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây. Vậy, bồ hoàng là vị thuốc gì?
Vài nét về bồ hoàng (Cây cỏ nến)
Trong y học cổ truyền có vị bồ hoàng, tức là phấn hoa (hoa đực) của cây bồn bồn, có màu vàng nâu, đã được tách ra rồi sấy hay phơi khô.
Theo cách gọi phổ thông, cây bồn bồn chính là cây cỏ nến vì hoa của nó có hình dạng như cây nến. Ngoài ra, cây còn có các tên khác như bông nến, hương bồ thảo, bồ thảo, thủy hương bồ, thủy hương..
Cây bồn bồn (cỏ nến) sinh trưởng tốt ở vùng đất ngập nước, có thân rễ ngầm và các tép lá dẹp mọc vượt theo nước (có thể dài đến 3 m). Cây có tên khoa học là Typha orientalis, thuộc họ Hương bồ: Typhaceae (1).
Công dụng của cây cỏ nến bồ hoàng (phấn hoa bồn bồn)
Bồ hoàng có vị ngọt, thông vào gan và tỳ. Dược liệu bồ hoàng trong các trạng thái sơ chế khác nhau sẽ có các tác dụng khác nhau. Cụ thể, nếu phơi khô và dùng sống thì bồ hoàng giúp:
- Lợi tiểu, điều trị tiểu tiện khó khăn.
- Hoạt huyết, hành ứ, điều trị đau bụng do bế kinh và đau ngực.
Nếu sau khi phơi khô lại đem bồ hoàng sao đen thì vị thuốc này sẽ có tác dụng:
- Cầm máu, điều trị chảy máu cam, thổ huyết, băng huyết, có thai ra huyết.
- Điều trị huyết trắng và ứ huyết do thương tổn.
Liều lượng: mỗi ngày dùng 5 – 8 g thuốc sắc hay thuốc bột, nếu dùng thuốc sắc thì lấy bồ hoàng gói vào miếng vải sạch rồi sắc uống cho tiện (2) (3).
Bên cạnh đó, bồ hoàng cũng có thể được dùng ngoài da trong trường hợp tai chảy mủ nhờ có tác dụng tiêu viêm (tán mịn rồi rắc vào chỗ bị chảy mủ trên tai) (2) hay đau bụng sau sinh do phụ nữ mới sinh con xong, máu hôi ra không hết (lấy bồ hoàng sao qua trên giấy rồi uống với nước, mỗi lần 4 g) (3).
Một số bài thuốc có dùng bồ hoàng
Thay vì dùng độc vị, bồ hoàng (cây cỏ nến) còn được dùng kết hợp với nhiều vị thuốc khác trong các trường hợp như:
- Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, rong kinh: Gặp các trường hợp này, người bệnh có thể dùng bài thuốc viên hoàn gồm hai thành phần là bồ hoàng (sao lên) và lá lốt (tẩm nước muối rồi sao lên) với liều lượng bằng nhau, sau đó tán bột, trộn đều rồi cho thêm mật ong vào để luyện thành viên, mỗi viên bằng hạt đậu xanh (uống mỗi lần 30 viên và dùng nước cơm để uống) (3).
- Đi ngoài ra máu: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu (như bệnh trĩ, táo bón, ung thư trực tràng…) cũng như có nhiều phương pháp từ truyền thống đến hiện đại để điều trị căn bệnh này. Nếu người bệnh muốn dùng thảo dược thì có thể tham khảo bài thuốc gồm các vị sau: bồ hoàng (sao), lá sen tươi (phơi khô, tán nhỏ) và vỏ củ cải khô (tán bột), liều lượng bằng nhau. Cách dùng: tán bột các vị trên rồi trộn đều và uống mỗi lần từ 4 – 8 g bột, uống bằng nước cơm (3).
- Ngoài ra, theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, kết quả nghiên cứu (trên chuột và trong ống nghiệm) cho thấy chiết xuất từ bồ hoàng và 7 chiết xuất từ các thảo dược khác có thể được sử dụng kết hợp cùng nhau để điều trị bệnh Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ). Bảy thảo dược còn lại bao gồm: nhựa cây tô hạp hương, hạt nhục đậu khấu, thân rễ của cây Cnidium officinale, gỗ đàn hương trắng, quả tiêu lốt, nụ đinh hương và đan sâm (4).
Lưu ý: Mặc dù không có các báo cáo về độc tính của bồ hoàng nhưng vì vị thuốc này có tính hoạt huyết nên phụ nữ mang thai không nên dùng. Mặt khác, các bệnh nhân cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bồ hoàng làm thuốc.
Công dụng của lá và thân rễ cây bồn bồn
Lá bồn bồn thường được bỏ đi trong quá trình thu hoạch cây bồn bồn để làm thực phẩm (lấy thân non). Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, lá bồn bồn cũng có thể điều trị trĩ mạn tính. Theo đó, lấy lá bồn bồn rửa sạch, phơi khô, tán thành bột mịn rồi trộn với đường mật mía, uống khoảng 20 g mỗi ngày (chia thành 4 lần uống) (3).
Bên cạnh đó, phần thân rễ mọc ngầm của cây bồn bồn cũng được biết đến với các tác dụng như:
- Bồi bổ và làm mát cơ thể.
- Giúp lợi tiểu, lợi sữa.
- Điều trị sốt, kiết lỵ và viêm vú (3).
Cây bồn bồn với đời sống người dân miền Tây
Ờ Cà Mau, nhiều người không lạ gì câu ca dao:
“Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng
Thương em một đời dãi nắng dầm mưa“
Thật vậy, mấy mươi năm nay, cây bồn bồn đã gắn bó thân thiết với đời sống của nhiều hộ dân ở vùng cực Nam tổ quốc, với những tháng ngày lặn lội đồng sâu nhổ từng cây bồn bồn, lấy cọng non làm kế mưu sinh. Để rồi, từ loài cây bị xem như cỏ dại, bồn bồn ngày nay đã trở thành đặc sản miền Tây, đem lại nguồn thu nhập khá cao và lâu bền cho nhiều bà con nông dân. Nhắc đến gỏi bồn bồn, dưa bồn bồn, bồn bồn nhúng lẩu…, nhiều người từng một thời gắn bó với sông nước lại chách lưỡi thèm thuồng cái độ trắng, độ non và ngon của nó!