Cải thìa, nên và không nên kết hợp cùng những nguyên liệu nào?

Rau cải thìa

Trong các loại rau cải thường ngày thì cải bẹ xanh, cải ngọt và cải thìa (CT) là ba loại được ưa chuộng nhất. Trong số đó, CT là loại có hình dáng đẹp, bẹ uống cong như cái thìa nên ở quê mình gọi là cải muỗng. Giữa ba loại cải này, so về công dụng nấu ăn thì CT có vẻ ưu thế hơn.

Thật vậy, từ những bẹ cải thìa (CT) tươi giòn, xanh mát, bạn có thể đa dạng cách chế biến để thay đổi khẩu vị cho đình. Thế này nhé, nếu bạn muốn ăn tươi để thưởng thức độ giòn của cải thìa, bạn có thể trộn gỏi (ngon nhất là món CT trộn hồng đấy).

Nếu muốn ăn chín, bạn có thể lấy CT nấu canh và khi nấu canh xong thì đem trộn dầu giấm ăn cũng rất ngon. Nếu chán cả canh, bạn hãy làm món CT xào (xào với tôm khô, với các loại nấm như nấm hương, nấm kim châm hay đơn giản hơn là xào tỏi, xào dầu hào).

Và, điều đặc biệt hơn bạn có biết là gì không? Là món cải thìa nhồi thịt, vừa đẹp lại vừa ngon.

Thịt nhồi cải thìa
Thịt nhồi cải

Sơ nét về rau cải thìa

Cải thìa còn được gọi là cải chíp, cải muỗng (ở Trung Quốc, CT được gọi là tiểu bạch thái). Cây có tên khoa học là Brassica rapa chinensis, thuộc họ Cải (1). Cây có thân mập, hơi lùn và bẹ lá to, có màu xanh hoặc trắng xanh.

Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, CT là loại rau quen thuộc vừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe lại vừa được dùng làm thuốc.

Những lợi ích của rau cải thìa

Trước hết, có thể thấy CT là loại rau rất ít chất béo và nhiều chất xơ. Vì vậy, khi đi vào cơ thể, cải thìa thúc đẩy sự nhu động ruột nên giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Thông qua đó, các mỡ xấu và các chất độc hại được bài tiết ra khỏi cơ thể. Vì vậy, dùng CT thường xuyên sẽ góp phần làm giảm mỡ máu (3).

Rau cải thìa
Rau cải

Khi nói về CT, người ta còn ấn tượng ở lượng Can xi gấp 7 lần tỏi (14 mg/ 100 g CT tươi) và lượng vitamin C gấp 4 lần rau hẹ (37 mg/ 100 g cải thìa tươi). Ngoài ra, trong CT còn chứa chất đạm, chất xơ cùng nhiều loại vitamin, khoáng chất khác như Ma giê, Sắt, Kẽm, Man gan, Na tri, Phốt pho, Ka li, Selen, vitamin A, E, B2, B3… (2) (3). Vì vậy, ăn cải thìa sẽ mang lại những lợi ích như:

  • Tăng cường hệ miễn dịch.
  • Giúp nhuận tràng, giảm táo bón.
  • Phòng ngừa ung thư đường ruột.
  • Ngăn ngừa một số bệnh về tim mạch, trong đó có xơ vữa động mạch.

Nên kết hợp cùng các nguyên liệu nào?

  • Cải thìa và tàu hủ: Với những người ăn chay thì món này rất phù hợp để làm giảm mỡ máu, làm sạch dạ dày và tăng cường sức khỏe (thường nấu canh).
  • Nấu CT cùng nấm hương: Đây là món ăn được ưa chuộng ở Trung Quốc cũng như Việt Nam. Món ăn này giúp bổ sung các dưỡng chất cơ bản cho sức khỏe con người (thường xào).
  • Kết hợp CT với tôm khô (đã bóc vỏ): Món ăn này tốt cho tim mạch và da, đồng thời cũng có tác dụng thanh nhiệt và giải độc (thường xào lên).
  • Kết hợp CT với gan lợn: Món ăn này tốt cho mắt, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và làm giảm táo bón. Bên cạnh đó, gan lợn cũng chứa nhiều chất Sắt nên món ăn này còn giúp bổ máu (thường dùng để xào) (3).

Bài thuốc có dùng cải thìa

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, CT còn được biết đến với công dụng thúc đẩy lưu thông máu (hoạt huyết tán tắc) và điều trị viêm sưng, đơn độc (3). Theo tư liệu y học cổ truyền Việt Nam, CT thường được nhắc đến qua hai bài thuốc sau:

  • Giúp giảm cơn đau dạ dày: lấy CT, gừng và hành với liều lượng vừa đủ, giã nát, sao qua cho nóng ấm rồi đắp lên vùng bụng (ở chỗ thấy đau).
  • Giúp giảm dị ứng với sơn dầu: lấy rễ cây cải thìa, hoa kim ngân và bèo tây tím, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên (2).

Lưu ý

  • Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mới mang thai, những người có bệnh về mắt, bị ghẻ, hôi nách hoặc bị đang bị các bệnh mãn tính không nên dùng nhiều CT.
  • Những món không nên kết hợp:
  • Không nên chế biến CT cùng với củ mài (vì sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể).
  • Không nên nấu CT cùng với dưa leo hoặc bí đỏ (vì trong dưa leo và bí đỏ có chứa các men phân giải vitamin C, trong khi đó, CT lại chứa nhiều vitamin C, vì vậy, nếu kết hợp cùng sẽ làm cho vitamin C trong cải thìa bị triệt tiêu) (2) (3).
Nguồn tham khảo
  1. Cải thìa, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3i_th%C3%ACa, ngày truy cập: 13/ 03/ 2020.
  2. Đức Minh, Những vị thuốc quanh ta, cây cỏ, rau củ và sức khỏe của bạn, NXB Hà Nội, trang 99.
  3. 油菜不能和什么一起吃https://www.pingguolv.com/bj/127588.html,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện