Cách phân biệt đường thốt nốt thật và giả

Đường thốt nốt thô

Trước đây, rất ít người biết đến đường thốt nốt và người dân An Giang chủ yếu bán nước chiết tươi (nước chiết từ bông thốt nốt, rỉ ra khi ta cắt ngang). Tuy nhiên, nước chiết tươi thì không thể bán hết, vì vậy, bất đắc dĩ, người ta mới ủ rượu hoặc nấu thành đường. Giờ đây, đường thốt nốt được biết đến nhiều hơn vì nhiều người bắt đầu cảm thấy sợ tác hại của đường cát. Vì vậy, cách phân biệt đường thốt nốt thật và giả cũng được tìm hiểu nhiều hơn.

Vì sao lại có đường thốt nốt thật và giả? Cách phân biệt thật giả

Bạn biết đấy, đặc trưng của nghề nấu đường thốt nốt là ngày ngày phải trèo lên cây, cắt bông, treo chai nhựa hứng nước chiết rỉ ra từ bông, rồi đợi nước nhiều thì lại trèo lên lấy xuống, lược sạch nấu đường (lược bỏ gỗ sến, mấy con ong bay rớt vào…). Vì vậy, vào mùa mưa thì nước mưa sẽ nhiễu vào chai nhựa hứng nước, khiến cho nước chiết lẫn với nước mưa.

Nấu đường
Thu nước chiết nấu đường thốt nốt

Trước tình trạng này, có người sẽ bỏ luôn, không nấu. Có người sẽ nấu nhưng nâng giá đường lên. Ví dụ như bình thường, nấu 1 nồi ra được 5 kg đường (ví dụ vậy), thì bây giờ, nấu 1 nồi chỉ ra được 3 kg, vừa hao củi trấu mà lại không ra đường. Cũng có người không nâng giá đường lên, tuy nhiên, để không bị lỗ thì họ phải trộn thêm đường cát vì đường cát rẻ hơn (thường là trộn 20 % hoặc nhiều hơn, ít hơn tùy theo người nấu). Đó là lý do thứ nhất khiến cho đường thốt nốt có hàng thật và hàng giả.

Đường thốt nốt
Đường thốt nốt

Với lò đường thì là như vậy, còn với những hãng bán đường, mua đường của nhiều nhà lại để bán lại thì sẽ có tình trạng như sau: Vào mùa nắng, có đủ đường thì người ta cũng ít khi pha trộn thêm. Tuy nhiên, vào mùa mưa thì sẽ thiếu đường. Vì vậy, để có đường bán quanh năm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và khách vãng lai thì họ phải có đường tích trữ. Thường thì họ mua đường tích trữ dưới dạng bao. Bạn cứ tưởng tượng nó như một bao nước vậy, bên trong là đường chảy.

Đến khi hết mùa, họ mới lấy các bao ấy ra, nấu lại và tất nhiên, sau khi nấu thì nước tiếp tục bốc hơi, đường sẽ bị hao hụt lại. Vì vậy, để không bị lỗ thì họ phải pha thêm đường cát (bởi nếu tăng giá thì lại khó bán). Chuyện này mình nghe kể lại chứ mình cũng không phải là người tận mắt chứng kiến, vì vậy, hy vọng các bạn chỉ tham khảo và nếu các bạn muốn mua đường nguyên chất thì các bạn nên xem xét tiêu chí uy tín của nơi bán và chất lượng của đường. Cầm hũ đường trên tay, ngửi rồi nếm thử bằng cảm quan của bạn. Cảm quan thì sẽ không đúng hoàn toàn (nhưng nó cũng sẽ cho bạn biết hũ đường đó có pha quá nhiều đường cát hay không). Tất nhiên rồi, pha quá nhiều đường cát, đường mía hay đường mạch nha… thì sẽ không thơm hương đặc trưng của đường thốt nốt nữa. Đó là lý do thứ hai khiến cho đường thốt nốt có hàng thật và hàng giả. Và cảm quan của bạn cũng là một cách để phân biệt (nếu như bạn có kinh nghiệm).

Xem giá cả có phải là cách để phân biệt đường thốt nốt thật và giả không?

Xem giá cả cũng là cách phân biệt xem đường thốt nốt đó là thật hay giả. Tuy nhiên, nó không chính xác hoàn toàn. Bạn biết đấy, tính đến tháng 9 năm 2022 thì 1 lít nước chiết bông thốt nốt (dùng để nấu đường) có giá thấp nhất là 5 ngàn đồng. Và trung bình 5 – 8 lít nước chiết mới cô đặc thành 1 kg đường.

Nước chiết bông thốt nốt
Nước chiết bông thốt nốt

Vì vậy, giá nguyên liệu để tạo ra một kg đường nguyên chất là từ 25 – 40 ngàn đồng. Thêm tiền công nấu, đổ đường, tiền củi lửa, tiền bao bì (hũ, bọc…), tiền vận chuyển… thì giá một kg đường thốt nốt nguyên chất phải từ 40 ngàn đồng trở lên (đây là giá sỉ, giá bán lẻ sẽ cao hơn, từ 60 ngàn trở lên). Ở miền Bắc, phí vận chuyển từ Nam ra cao hơn nên giá sẽ cao hơn nữa.

Tuy nhiên, không phải hũ đường nào giá cao cũng là nguyên chất. Bởi vì, người bán có thể đôn giá lên để lời nhiều.

Vấn nạn đường thốt nốt dùng bột tẩy

Có một thực tế đáng báo động là hiện nay, ở An Giang, rất nhiều chỗ nấu đường dùng bột tẩy để bảo quản nước chiết đường thốt nốt (vì nước chiết nấu đường rất mau hư, nếu không dùng gỗ sến để bảo quản thì sẽ bị lên men trước khi nấu, tuy nhiên, vì gỗ sến đỏ khá mắc nên nhiều người đã dùng bột tẩy).

Điều e ngại là: bột tẩy này chưa được đảm bảo về tính an toàn, nhất là khi các lò đường chỉ dùng theo kinh nghiệm và cảm tính.

Với đường thốt nốt có dùng bột tẩy thì khi đổ ra keo, ra khuôn…, nó vẫn thơm. Tuy nhiên, nếu bạn không ăn, không đụng đến và để đó tầm 1 tháng – 2 tháng thì đường sẽ mất mùi, hết thơm, thậm chí có mùi hôi như keo hồ mà chúng ta khuấy từ bột mì tinh. Thậm chí, trong một lần mua đường ở một số chỗ để test và so sánh thì mình còn phát hiện có hũ bị sình lên, trương lên sau 1 tháng. Khi ngửi thử, mình thấy nó hôi mùi sình non và mũi ai nhạy thì mới ngửi ra (bởi vì cả nhà mình thì chỉ có mình và em mình ngửi thấy mùi lạ trong hũ đường). Chỉ tiếc là hôm ấy mình lu bu nên quên chụp lại, chỉ đem bỏ đi, nếu không thì đã có tư liệu quý cho những người mua đường đối chiếu. Ngoài dấu hiệu trên thì có lẽ vẫn còn các dấu hiệu khác, hy vọng bạn đọc nếu biết thì chia sẻ thêm cho mình với nhé!

Thông tin thêm về đường thốt nốt nguyên chất: 0979254124 (Tuyết Nhi)

Tuyết Nhi – Văn Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện