Tôi vô tình biết đến trà Kombucha qua một người bạn. Khi dịch bùng phát, ở nhà rảnh nên tôi đã làm thử một vài sản phẩm lên men như dầu gội, nước giặt rửa từ bồ hòn, mật ong lên men,… để tự dùng. Làm xong, thu được thành quả tôi có chia sẻ với một người bạn. Thấy tôi thích các sản phẩm lên men nên bạn tôi gợi ý tôi làm thử trà Kombucha.
Thật sự đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên của loại trà này, vì vậy tôi lên Google tìm hiểu thử (lúc đó do dịch nên tôi không đủ điều kiện để làm). Gần đây, tình cờ tôi lại xem được vài video cũng như đọc một số thông tin về tác dụng của trà kombucha đối với sức khỏe. Và tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về trà Kombucha.
Trà Kombucha là gì? Scoby có phải là con giấm không?
Trà Kombucha là một loại trà lên men. Để làm được loại trà này, bạn cần có con giống Scoby (con giống này là sự cộng sinh của vi khuẩn và nấm men). Sự cộng sinh này sẽ tạo thành con Scoby bề ngoài nhìn giống như cao su, độ dày mỏng và kích thước có thể khác nhau phụ thuộc vào thời gian nuôi và vật chứa, màu trắng ngả vàng, thoảng mùi giấm nhẹ.

Thế con giống Scoby có phải là con giấm để nuôi giấm táo, giấm gạo hay giấm chuối không? Vâng, đây là câu hỏi mà tôi đã đặt ra khi lần đầu nhìn thấy con giống scoby (trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy cũng có rất nhiều bạn có cùng thắc mắc như tôi).
Sau quá trình tìm hiểu, tôi xin trả lời Scoby tuy nhìn qua thì khá giống con giấm nhưng về bản chất nó không phải là con giấm, vì nó được nuôi nguyên liệu khác với nuôi giấm cho nên hệ vi sinh vật cũng khác với con giấm. Nếu bạn trực tiếp nuôi sẽ thấy quá trình lên men Kombucha sẽ tạo bọt khí, khi đủ mạnh nó còn có thể đẩy một góc scoby lên khỏi mặt nước trong khi nuôi giấm thì không gặp hiện tượng này. Thế nên, để đảm bảo sức khỏe thì khi bạn muốn tự làm Kombucha để dùng, bạn nên mua con giống Scoby về làm chứ không nên vì thấy giống mà dùng con giấm để làm nhé.
Bên cạnh đó, tuy tự làm trà Kombucha không khó nhưng quy trình làm đòi hỏi phải cẩn thận, sạch sẽ và hiểu về nó. Vì vậy, nếu bạn không có thời gian tự tìm hiểu hãy chọn nơi cung cấp Scoby chất lượng và người bán thật sự có kiến thức về Kombucha, sẵn sàng hỗ trợ bạn trong quá trình nuôi. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu và làm chỉ là sẽ mất thời gian hơn mà thôi.
Cách nuôi – làm trà Kombucha
Dụng cụ cần chuẩn bị: Bạn cần chuẩn bị bình thủy tinh, rây lượt, muỗng gỗ, kẹp gỗ (có thể thay thế kẹp gỗ bằng đũa gỗ), khăn xô, dây buộc, chai thủy tinh để đựng trà Kombucha.
Bạn lưu ý: Không nên thay thế các dụng cụ trên bằng chất liệu khác như nhựa hay kim loại nhé, vì quá trình lên men có thể sẽ xảy ra các phản ứng với kim loại hoặc bào mòn đối với nhựa, sẽ không tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu: Về cơ bản, nguyên liệu để làm Kombocha khá đơn giản, bao gồm trà, đường, con giống Scoby và nước mồi (khi bạn mua con giống Scoby, nó sẽ được đựng trong bọc nước mồi). Trong đó, trà và đường, về nguyên tắc bạn có thể dùng loại nào cũng được, tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ thành công cao và tốt cho sức khỏe thì bạn nên chọn trà không tẩm ướp hương liệu, tốt nhất là trà hữu cơ. Đối với đường thì nên chọn đường nguyên chất từ cây mía, thốt nốt hoặc đường vàng thiên nhiên có bán trong các siêu thị cũng được.
Vì sao lại vậy? Bởi vì chúng ta lên men trà nhờ vô số vi khuẩn li ti và nấm men. Nếu bạn dùng các loại trà đã tẩm ướp hay đường có tẩy… có thể dẫn đến nguy cơ làm chết đi hệ vi khuẩn và nấm men, dẫn đến hư mẻ trà Kombucha của chúng ta.

Thực hiện:
Để làm trà Kombucha, bạn cần chuẩn bị lượng nguyên liệu bao gồm 5 g trà, 100 g đường và một lít nước. Đây là công thức chuẩn để bạn nuôi trà. Bạn cứ dựa theo tỷ lệ này rồi nhân lên nếu bạn muốn làm nhiều hơn. Có nhiều người nuôi lâu đã có nhiều kinh nghiệm thì khi làm, người ta không cân đong chính xác mà có thể gia giảm tỷ lệ các nguyên liệu nhưng nếu bạn mới bắt đầu nuôi, hãy áp dụng theo tỷ lệ này để đảm bảo thành công.
Đầu tiên bạn cần rửa thật sạch và tiệt trùng bằng nước nóng các dụng cụ để làm trà Kombucha, bao gồm bình thủy tinh để làm trà, muỗng gỗ và kẹp gắp gỗ rồi để cho nguội và khô ráo nước.
Bạn lấy 500 ml nước đem đun sôi rồi cho 5 g trà vào, hãm 10 đến 15 phút cho trà ra hết thì lọc bỏ bã. Tiếp theo, bạn cho 100 g đường vào, khuấy đều cho tan hết thì cho 500 ml nước lọc vào để giúp trà nhanh nguội. Sau đó, bạn kiểm tra lại, nếu thấy trà đã nguội thì bạn có thể tiến hành bước tiếp theo. Nếu trà chưa nguội, bạn chờ thêm một chút nữa cho trà nguội hẳn nhé. Sau khi trà đã nguội hẳn, bạn cho hỗn hợp trà đường vào bình thủy tinh đã chuẩn bị sẵn rồi cho nước mồi và con Scoby vào, dùng muỗng gỗ khuấy nhẹ nhàng cho nước mồi và trà đường hòa vào nhau. Xong rồi, bạn dùng khăn xô đậy miệng bình lại và cố định khăn bằng một sợi dây.
Trong thời gian lên men trà, việc đậy nắp bình không chỉ để tránh cho bụi bẩn và côn trùng nhỏ rơi vào mà còn cần đảm bảo sự trao đổi khí giữa bên trong bình và ngoài môi trường. Vì vậy người ta thường dùng khăn đậy miệng để đảm bảo cả hai công dụng trên. Tuy nhiên nếu bạn không có sẵn khăn thì có thể dùng nắp bình để đậy nhưng không được vặn kín mà chỉ đậy hờ thôi.

Ủ trà và thu hoạch Kombucha
Sau khi làm xong các bước trên, bạn đem bình trà để ở nơi thoáng mát, không có ánh nắng trực tiếp hoặc ít sáng thì càng tốt. Nếu con men và nước mồi đủ mạnh thì chỉ sau 1 ngày, bạn đã bắt đầu thấy một màng mỏng xuất hiện trên mặt nước trà, đó chính là Scoby mới hình thành và nó sẽ dày lên qua từng ngày. Tùy vào nhiệt độ mỗi nơi và sở thích của mỗi người mà thời gian thu hoạch trà Kombucha sẽ khác nhau. Ở những nơi nhiệt độ cao, ví dụ như Sài Gòn thì thời gian ủ sẽ nhanh hơn những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch còn phụ thuộc vào khẩu vị của người dùng, bạn thích ngọt nhiều hay ngọt ít, nếu thích ngọt nhiều thì bạn thu sớm, còn thích ít ngọt thì bạn để ủ thêm.
Vậy làm sao để biết trà đã hợp khẩu vị chưa?
Bạn yên tâm, bạn có thể thử trà trong quá trình ủ. Thường sau 3 đến 5 ngày, bạn có thể bắt đầu thử để xem vị chua ngọt đã vừa chưa.
Cách thử như sau: bạn nhẹ nhàng nghiêng bình trà thì sẽ thấy một khoản trà không bị che bởi con Scoby. Sau đó, bạn dùng muỗng gỗ đã được rửa sạch, khử trùng bằng nước sôi rồi phơi nắng cho thật khô, lấy phần nước trà chỗ này để nếm thử. Bạn lưu ý cẩn thận, tránh đụng vào con Scoby nhé.
Thường khi mới mua Scoby và nước mồi về thì nhìn chung, lượng nước mồi khá ít nên lần đầu bạn sẽ cần thời gian ủ lâu hơn. Những lần sau, bạn có sẵn nước mồi của lần trước, bạn chừa lại nhiều một chút để ủ thì những mẻ sau sẽ nhanh lên men hơn. Thường 2,3 mẻ đầu mình sẽ ủ khoản 7 đến 12 ngày mới thu hoạch, tùy thời tiết. Đến lần thứ 4 trở đi thì mình chừa lại lượng nước mồi nhiều và nước mồi của mình cũng đủ mạnh rồi nên sẽ lên men nhanh hơn, những mẻ sau thường mình sẽ thu trong vòng 5 đến 7 ngày thôi.
Sau khi bạn thấy mẻ trà đã vừa vị thì bạn rót lấy phần nước trà ra, phần nước trà này được gọi là Kombucha F1 – là phần mà chúng ta sẽ uống. Sau khi chiết ra, bạn có thể dùng ngay, phần dùng không hết thì bạn cho vào chai thủy tinh (đã được tiệt trùng qua bằng nước nóng và để nguội), đậy nắp và bảo quản trong ngăn mát. Bạn nên dùng hết lượng trà F1 này tối đa trong vòng một tháng, không nên để lâu hơn nhé.

Ủ mẻ tiếp theo
Bạn chừa con Scoby và ít nhất 300 ml nước mồi lại rồi pha trà đường theo tỷ lệ và các bước như trên (để ủ mẻ tiếp theo). Tuy nhiên, ở đây có một mẹo nhỏ là bạn nên để một hôm, sang hôm sau bạn mới thêm trà đường ủ mẻ tiếp theo thì sẽ tốt hơn. Những mẻ đầu, bạn không cần vớt scoby ra để vệ sinh hay rửa bình, cứ thêm trà đường vào làm tiếp là được. Sau khoản 3 lần ủ thì bạn có thể vớt scoby ra, chọn lấy một con scoby khỏe, lấy một ít nước kombucha bạn thu được, nhẹ nhàng rửa qua Scoby (nhớ vệ sinh tay thật sạch trước khi bạn chạm vào scoby nhé). Bình ủ thì bạn rửa sạch bằng nước lạnh rồi tráng qua nước sôi để cho thật nguội, sau đó mới cho Scoby, nước mồi và trà đường vào ủ như đã hướng dẫn ở trên.
Công dụng của trà Kombucha đối với hệ tiêu hóa
Xin khẳng định rằng kombucha không phải là một loại thuốc thần thánh chữa bách bệnh như nhiều người vẫn đồn. Tuy nhiên, Kombucha với nhiều lợi khuẩn sẽ giúp cho cơ thể bạn thải độc một cách chậm rãi, từ đó giúp hệ miễn dịch của bạn dần dần trở lại bình thường.
Nhìn chung, Kombucha là thức uống lên men tự nhiên và dễ dùng. Với vị chua ngọt (nếu bạn ủ thời gian ngắn) hoặc chua thanh dễ chịu (nếu bạn ủ lâu), thoảng mùi chua rất nhẹ của giấm… sẽ giúp bạn giải khát rất tuyệt vời cho những ngày nắng nóng.
Nếu bạn tiếp tục lên men với trái cây để tạo nên thế hệ kombucha F2 thì thành phẩm F2 sẽ có gas. Trên thế giới hiện nay có một số quốc gia dùng trà này thay thế cho soda, nước khoáng có gas, thậm chí là bia,… Bạn có thể dùng kombucha vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và dùng cho bất kỳ chế độ ăn nào: ăn thô, ăn kiêng, ăn chay,… Tuy nhiên, chỉ nên dùng một ít, không được lạm dụng nhé! Mỗi tuần, bạn chỉ cần dùng 2 lần là được.

Được biết, trong kombucha có chứa lợi khuẩn probiotics. Chắc hẳn bạn đã không còn xa lạ với tên của lợi khuẩn này bởi nó có tên trong rất nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe như sữa chua, men tiêu hóa cho trẻ… Vi khuẩn này sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh hơn, đồng thời còn có tác dụng giảm viêm, từ đó hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe về hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, trong trà kombucha còn chứa rất nhiều axit axetic có tác dụng tiêu diệt một số vi sinh vật gây hại. Đồng thời, Polyphenol có trong trà xanh hoặc trà đen (là thành phần để ủ trà kombucha) còn có khả năng chống lại nhiều hại khuẩn gây nhiễm trùng. Và điều tuyệt vời hơn nữa là dù có tác dụng ngăn ngừa các vi khuẩn có hại nhưng chúng lại an toàn đối với các lợi khuẩn, giúp cho bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, từ đó giảm được các nguy cơ mắc một số bệnh khác.
Mặc dù kombucha an toàn với hầu hết mọi đối tượng, tuy nhiên, tùy vào thể trạng của từng người mà lượng dùng có thể khác nhau hoặc thậm chí có những trường hợp không được dùng. Ngoài ra, khi bạn tự làm tại nhà, bạn nên được sự hỗ trợ từ người có kinh nghiệm hoặc bạn cần tìm hiểu thật kỹ để đủ kiến thức về kombucha nhằm đảm bảo việc bạn sử dụng và lên men nó đúng cách. Bởi vì trong quá trình lên men, kombucha hoàn toàn có thể bị nhiễm bẩn, nhiễm mốc, thậm chí việc kombucha lên men quá mức cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những vấn đề này mình sẽ cập nhật đầy đủ trong bài viết kế tiếp, bạn tìm đọc nhé!
Nguyễn Sen