Cách làm Kombucha F2 và những lưu ý không thể bỏ qua

cách làm trà kombucha F2

Ở bài trước, mình đã chia sẻ cách làm Kombucha cơ bản cũng như tác dụng của Kombucha đối với hệ tiêu hóa. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn cách làm Kombucha F2 từ hũ Kombucha bạn đã ủ được trước đó cũng như cách để làm scoby hotel giúp bạn tạo nên những con scoby dày khỏe.

Đặc biệt, trong quá trình bạn nuôi Kombucha, em scoby sẽ có rất nhiều trò, vậy, làm thế nào để biết khi nào hũ Kombucha bị hỏng? Và ngoài tác dụng với hệ tiêu hóa, thì trà Kombucha còn những công dụng gì đối với sức khỏe?Mình sẽ lần lượt giải đáp các vấn đề trên trong bài viết dưới đây.

Kombucha F2 là gì? Cách làm Kombucha F2

Kombucha F2 là quá trình lên men tiếp theo của Kombucha F1 với các loại trái cây.

cách làm trà kombucha F2
Trà Kombucha F2

Như mình đã nói ở bài trước, Kombucha F1 sau khi chiết tách, bạn có thể dùng ngay cũng được. Nếu dùng không hết thì bạn cho vào chai thủy tinh đậy kín nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ dùng được khoảng 1 tháng. Kombucha F1 chỉ có gas lăn tăn rất nhẹ. Nếu bạn muốn tạo gas mạnh hơn và thưởng thức nhiều hương vị khác ngon hơn, bạn có thể tiếp tục lên men với trái cây để tạo ra Kombucha F2 nhé.

Cách làm Kombucha F2

Cách làm Kombucha F2 như sau: bạn có thể chọn loại trái cây bất kỳ tùy sở thích, đem cắt nhỏ, cho vào chai rồi thêm Kombucha F1 vào, tỷ lệ là 100 g trái cây thì 400 ml trà Kombucha F1 nhé. Đậy nắp kín, để ở ngoài nhiệt độ phòng 2 ngày rồi đem bỏ vào tủ lạnh dùng dần (có thể dùng được 2 tuần). Bạn có thể thay thế trái cây cắt nhỏ bằng nước ép trái cây cũng được, tỷ lệ và thời gian lên men như trên, chỉ là thay vì dùng trái cây cắt nhỏ thì bạn đem ép để lấy nước.

Trong quá trình trà lên men cùng trái cây, bạn sẽ có thể quan sát được các bọt khí nhỏ xuất hiện xung quanh những miếng trái cây. Tùy vào thời tiết mà thời gian lên men có thể nhanh chậm khác nhau, ngày nắng nóng thì bạn có thể chỉ cần thời gian 1 đến 1,5 ngày, còn ngày mát mẻ thì thời gian sẽ khoảng 2 ngày thậm chí là 3 ngày. Sau thời gian ủ, bạn có thể mở nắp dùng ngay hoặc bỏ vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng để ổn định gas. Và bạn nhớ là khi mở, bạn nên mở từ từ để tránh khí gas bắn mạnh văng tung tóe ra nhà nhé.

Cách nuôi làm trà Kombucha F2 tại nhà
Trà Kombucha F2 tự làm (Kombucha F2 sau 2 ngày lên men)

Những lần đầu làm, có thể bạn chưa thấy có gas mạnh, nguyên nhân có thể do trà của bạn những mẻ đầu còn yếu nên chưa lên men đủ, vì vậy làm trà F2 không tạo được gas (nhưng mà trà đó bạn vẫn uống được bình thường nhé, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe). Bạn cứ làm rồi từ từ tăng giảm thời gian và quan sát qua nhiều mẻ bạn sẽ có kinh nghiệm nhiều hơn và sẽ tạo ra được mẻ trà với hương, vị và độ gas vừa ý. Thế nên đừng vội nản lòng sớm, bạn nhé!

Bên cạnh đó, độ mạnh của gas cũng tùy thuộc vào loại nguyên liệu mà bạn lên men F2, ví dụ như khóm (dứa) sẽ tạo gas mạnh hơn gừng. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể gia giảm tỷ lệ trái cây và nước trà để tạo ra những bình trà phù hợp với sở thích, ví dụ bạn không thích vị gừng quá mạnh thì bạn giảm lượng gừng ít lại vẫn được. Và theo trải nghiệm của mình thì mình thấy vị táo, khóm và gừng ngon hơn những vị khác.

Cách làm scoby hotel

Scoby hotel là gì? Bạn có thể hiểu đơn giản đây là bình trà Kombucha không dùng để uống mà dùng để lưu trữ và tạo ra những con Scoby dày, khỏe và đẹp.

Vậy, tại sao cần lưu trữ Scoby? Vì trong quá trình nuôi, mẻ trà hoàn toàn có khả năng bị nấm mốc xâm nhập, vì vậy việc lưu giữ con men scoby sẽ giúp bạn có con men làm lại mẻ trà mới mà không cần phải mua lại. Ngoài ra, việc lưu trữ con men riêng như vậy sẽ giúp bạn tạo nên một môi trường với độ PH đủ mạnh và cũng đủ thời gian để hình thành nên những con men dày khỏe và lượng nước mồi mạnh.

Con giống Scoby
Con giống Scoby

Cách thực hiện: bạn có thể làm một trong hai cách sau tùy điều kiện nhé.

Cách thứ nhất: Khi bạn mua con men, thường người bán sẽ gửi kèm một lượng nước mồi nhất định. Tùy nơi mà lượng nước mồi có thể nhiều ít khác nhau. Bạn có thể hỏi thử, nếu họ gửi kèm ít nước mồi bạn có thể thương lượng để mua thêm. Khi nhận được con men và nước mồi, bạn sẽ chia lượng nước mồi làm 2 phần, một phần bạn nuôi trà Kombucha cùng con men. Phần còn lại bạn cho vào một cái bình thủy tinh sạch khác (đã được tiệt trùng bằng nước sôi để khô ráo), kích thước bình chừng 1 lít là được, rồi bạn cho thêm 300 ml trà đường pha theo tỷ lệ làm trà kombucha (như đã hướng dẫn ở bài trước) vào bình thủy tinh nhỏ này, khuấy đều rồi dùng khăn xô đậy miệng, để nơi thích hợp như mình đã trình bày ở bài trước nhé.

Vì chỉ dùng nước mồi mà không có con men nên bình Kombucha dự trữ này sẽ lâu hình thành Scoby mới hơn. Bạn cứ để như vậy đến khi thấy con scoby mới được hình thành và có độ dày khá chắc chắn thì bạn sẽ thêm trà đường cho nó và khuấy đều lên, để nó lại hình thành tiếp những Scoby khác nữa nhé.

Cách thứ 2: Cách này bạn dùng cho trường hợp lượng nước mồi bạn nhận được không đủ nhiều để bạn có thể chia thành 2 phần. Bạn dùng toàn bộ lượng nước mồi và con men để nuôi mẻ trà đầu như đã hướng dẫn ở trên. Sau khi thu mẻ trà đầu, bạn sẽ có thêm một con scoby nữa. Lúc này, bạn hãy lấy một con men và một ít nước mồi ra, cho vào một cái bình thủy tinh nhỏ đã chuẩn bị rồi thêm trà đường và khuấy đều lên, dùng khăn đậy lại để làm bình trà con men dự trữ. Phần nước trà và con men còn lại, bạn thu một ít nước trà để uống, còn lại thì bạn thêm trà đường và ủ tiếp những mẻ tiếp theo như hướng dẫn ở trên.

Bình trà lưu trữ con men mục đích chính là lưu trữ để làm giống chứ không phải để uống, vì vậy bạn cứ để yên như vậy để con men dày lên. Bạn không cần lo nó sẽ quá chua, vì nước mồi chua thì mới mạnh, bạn dùng nước mồi mạnh làm trà sẽ đạt tỷ lệ thành công cao hơn. Khi nào bạn quan sát từ bên ngoài thấy độ dày của con men đã vừa ý thì bạn thêm nước trà đường và lại khuấy nhẹ nhàng cho đều lên để nó hình thành con men mới. Trường hợp bạn không cần quá nhiều con men thì bạn cứ để như vậy đến khi nào thấy nước trà trong bình vơi đi thì mới thêm trà đường vẫn được nhé. Bạn để càng lâu con men sẽ càng dày.

Nhận biết scoby bị mốc

Trong quá trình nuôi, không phải lúc nào con men Scoby mới hình thành cũng dày, chắc và đẹp như con men bạn thường thấy người ta đăng trên mạng. Để có những con men đẹp, đòi hỏi phải có kinh nghiệm để tạo điều kiện tốt nhất cho Scoby hình thành và phát triển. Do vậy, nhiều bạn nuôi có thể gặp các trường hợp như con men không chắc, dễ rách, bề mặt không láng đẹp, bị thủng, không đều màu,… Đây là những tình trạng có thể gặp nhưng không phải con men bị hư, bạn vẫn dùng được bình thường, chỉ là bạn chưa tạo cho hũ trà độ PH phù hợp hoặc do điều kiện thời tiết chưa thích hợp nên con men hình thành chưa tốt mà thôi.

Bạn chỉ buộc phải bỏ khi con men Scoby bị mốc mà thôi. Dấu hiệu nhận biết Scoby bị mốc đó là trên bề mặt Scoby xuất hiện các đóm trắng, vàng, đen,… và có lông. Bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng tay sờ trực tiếp vào các đóm đó, nếu thấy có một lớp lông nhẹ hoặc tay bạn có dính bụi mịn thì con men của bạn đã bị nhiễm mốc. Lúc này không có cách nào để xử lý mà bạn chỉ có thể đổ đi mà nuôi lại mẻ mới thôi. Bạn tuyệt đối không nên tiếc mà lấy phần nước dùng, vì nó đã bị nhiễm mốc, nếu bạn dùng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Con men Scoby không đẹp
Con men Scoby không đẹp nhưng không phải bị hư
Con men đã bị mốc
Con men đã bị mốc (không được dùng)

Một số lưu ý trong quá trình nuôi scoby

  • Bạn tuyệt đối không được đổ trà đầy bình ủ, vì trong quá trình lên men kombucha cần có khoảng trống để việc trao đổi khí diễn ra thuận lợi, nếu bạn để quá đầy sẽ dễ dẫn đến việc bình trà của bạn có thể bị hư. Bạn nên chừa ít nhất 1/3 phần bình trống.
  • Khăn đậy bình không dùng khăn quá thưa vì bụi nhỏ sẽ có khả năng lọt vào, làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc.
  • Trong quá trình lên men, việc trao đổi khí có thể tạo nên một lớp khí bị giữ lại dưới con scoby làm con scoby của bạn bị đẩy lên khỏi mặt nước. Bạn nhớ để ý bình trà của mình, nếu gặp tình trạng này thì bạn hãy nghiêng nhẹ bình về phía có phần scoby bị đẩy lên để khí thoát ra ngoài và scoby chạm lại vào mặt nước nhé.
  • Trong quá trình nuôi, tùy vào độ PH, nhiệt độ, môi trường mà bạn để ủ mà con scoby có thể “làm nhiều trò” khác nhau như hình thành bọt đặc dưới lớp scoby, khuyết lổ ti li trên bề mặt scoby,…đây đều là những hiện tượng bình thường. Tuy nhiên bạn có thể sẽ hoang mang nếu lần đầu nuôi, vì vậy bạn cần tìm một nơi bán con men sẵn sàng hỗ trợ bạn sau khi mua hàng. Một địa chỉ mình gợi ý cho bạn đó là kombucha Mộc Miên, bạn cứ vào Facebook gõ tìm kiếm sẽ tìm thấy. Mình cũng mua con men từ chỗ này và được hỗ trợ rất tận tình sau khi mua hàng đến khi mình làm thành công mẻ trà như mong muốn.

Lưu ý khi dùng

  • Một là: bạn tuyệt đối không được tiếc mà dùng trà đã bị nhiễm nấm mốc. Có thể bạn thấy nó chỉ xuất hiện trên bề mặt nên bạn đem rửa đi và ủ lại mẻ mới nhưng thực chất, nấm mốc đã xâm nhập vào con men, rửa đi lớp bề ngoài là không thể làm sạch tuyệt đối (nên bạn nhớ, không nên tiếc mà phải bỏ đi vì dùng trà Kombucha bị nhiễm nấm mốc sẽ hại cho sức khỏe). Sau khi bỏ mẻ trà bị nhiễm mốc, bạn vệ sinh sạch sẽ dụng cụ, phơi nắng khử trùng bằng nước sôi thật kỹ rồi tiến hành dùng con scoby khỏe và nước mồi trong bình scoby hotel để ủ lại.
  • Hai là: phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng vì Kombucha đa phần đều có chứa cafein, không tốt cho mẹ và em bé. Ngoài ra, người mắc các bệnh liên quan đến thận, người đang điều trị ung thư, HIV cũng không nên uống
  • Ba là: hiệu quả giảm cân mà trà mang lại chỉ hiệu quả khi bạn dùng đúng cách, đó là: cần ủ trà đến khi hệ vi sinh trong trà sử dụng hết lượng đường trong trà và bạn sẽ bổ sung vị ngọt bằng các chất làm ngọt tự nhiên. Đặc biệt là nên dùng sau bữa ăn và không nên dùng quá nhiều.
  • Bốn là: bạn không nên dùng quá 200 ml trà Kombucha mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này cũng tùy vào thể trạng từng người. Vì vậy, bạn nên dùng từ từ để theo dõi cơ thể không nên dùng nhiều khi mới sử dụng nhé.
  • Năm là: người có tiền sử loãng máu nên ngừng dùng một tuần trước kỳ kinh nguyệt để tránh nguy cơ bị rong kinh.
  • Sáu là: trà kombucha F1 bạn nên bảo quản trong tủ mát, dùng tối đa trong vòng 30 ngày, còn trà F2 sau lên men 2 ngày thì bạn bảo quản ngăn mát tủ lạnh dùng tối đa trong 2 tuần, không nên để lâu hơn vì trà lên men quá lâu có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
  • Bảy là: người có tiền sử mắc các loại bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Thông tin thêm

Sau khi chiết trà Kombucha ra chai nhỏ để dùng dần, nếu bạn đậy nắp kín thì khi mở mới có gas.

Nguyễn Sen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện