Các món ăn, bài thuốc từ hoa hồng nhung

Cánh hoa hồng nhung

Hương hoa hồng nói chung đều tốt cho hệ thần kinh. Tuy nhiên, mỗi loại hoa hồng lại có những công dụng riêng của nó mà trong y học, ta thường nghe đến các loại như hồng nguyệt quý, hồng bạch ho, hồng tầm xuân, hoa hồng nhung…

Trong Kim Bình Mai – một trong “bát đại kỳ thư” của Trung Quốc cũng có cảnh lấy hoa hồng nhung ngâm cùng hoa mộc. Bởi lẽ, trong đời sống hàng ngày của người xưa, hồng nhung là một trong các loại hoa được ưa chuộng (thường được dùng để ngâm rượu).

Ngày nay, hoa hồng nhung ít được ngâm rượu hơn nhưng thay vào đó là được hãm uống như trà, hoặc làm gỏi, hoặc tách từng cánh rồi ngâm cùng rượu vang để uống (giúp tinh thần hưng phấn).

Công dụng của hoa hồng nhung

So với các loại hoa khác thì đế hồng nhung to hơn, cánh dày, màu tím đỏ và có mùi thơm nồng. Về công dụng, điểm nổi trội đầu tiên của hoa hồng nhung là sự lành tính và tác dụng thông khí hiệu quả (cao hơn nhiều loại hoa hồng khác) (1).

Bên cạnh đó, xét về thành phần dinh dưỡng thì hoa hồng nhung còn có các khoáng chất đáng chú ý như:

  • Can xi: tốt cho sự tiêu hóa và trao đổi chất.
  • Đồng: tốt cho hoạt động của các tuyến nội tiết.
  • Ka li: tốt cho sức khỏe của tim (1).

Ngoài ra, lấy tinh dầu hoa hồng pha nước tắm hoặc rửa mặt cũng có tác dụng an thần, thư giãn rất tốt.

Cánh hoa hồng nhung
Cánh hoa

Theo y học cổ truyền: Hoa hồng nhung có hương thơm, vị ngọt (hơi đắng nhẹ) và có tính ấm. Trong y học, loại hoa này được biết đến với nhiều công dụng như:

  • Giúp kích thích hệ kháng thể.
  • Tốt cho sự hoạt động của các tuyến nội tiết.
  • Tốt cho các cơ quan (xóa bỏ các rối loạn bên trong).
  • Giúp tái tạo các tế bào.
  • Tốt cho gan, lá lách và điều trị đau gan.
  • Giúp hoạt huyết, điều hòa khí huyết.
  • Điều trị phong liệt.
  • Làm tan các vết bầm tím.
  • Điều trị kinh nguyệt không đều và giúp giảm đau bụng kinh.
  • Tốt cho hệ thần kinh, giải tỏa buồn phiền.
  • Giúp giảm đau bao tử.
  • Giúp giải độc, điều trị ho, viêm họng và ho ra máu.
  • Điều trị kiết lỵ, sưng vú (1).

Liều dùng: Mỗi ngày uống từ 3 – 6 g nước sắc hoa hồng nhung (1).

Gợi ý: Các bạn nên hái hoa vào lúc sáng sớm, tốt nhất là sau cơn mưa đêm hoặc sau những đêm có nhiều sương.

Một số bài thuốc từ hoa hồng nhung

Hồng nhung chưng đường phèn là bài thuốc quen thuộc trong dân gian giúp giảm ho, điều trị ho ra máu, kiết lị, bệnh gan, nhức đầu và đau bao tử (1).

Không chỉ được chưng đường phèn, hoa hồng nhung còn có thể đem nấu với rượu để uống (giúp điều hòa kinh nguyệt, làm giảm sưng phù (mới phát), nhọt ở vú (mới phát) và đau tức ngực) (1).

Hoa hồng nhung
Bông hoa

Ngoài ra còn có thể kể đến các món ăn, bài thuốc kết hợp giúp điều trị bệnh như:

1. Trà hương phụ – hồng nhung

Trà hương phụ – hồng nhung là loại trà đặc biệt dành riêng cho những phụ nữ hay u uất, buồn phiền hoặc tinh thần không ổn định. Cách pha trà như sau:

  • Chuẩn bị: 5 đóa hồng nhung (phơi khô) và 0, 2 lạng củ gấu (hương phụ).
  • Thực hiện: Lấy hương phụ (đã thái lát) rửa nhanh với nước cho sạch rồi cho vào nồi, sau đó đổ hai chén nước vào, nấu cho sôi rồi hạ nhỏ lửa, sau 10 phút thì chắt nước vào ly. Sau đó, các bạn cho thêm hoa hồng nhung vào ly và ngâm, khi thấy hoa hồng nhung nở ra và bắt đầu tỏa hương thơm là có thể uống nước (1).

2. Gỏi trộn hồng nhung

Bên cạnh trà thì hoa hồng nhung còn được dùng làm salat, trong đó có thể kể đến món gỏi rau trộn vừa ngon miệng lại vừa có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng da. Cách làm như sau:

  • Chuẩn bị: vài lá rau diếp cá, một ít củ cải đỏ, 1 trái dưa leo, hai nhánh măng tây, hai đóa hồng nhung tươi, hai muỗng nước ép chanh (muỗng to), một muỗng giấm (muỗng to), một muỗng dầu ô liu (muỗng to) và một muỗng đường (muỗng nhỏ).
  • Thực hiện: Lấy hoa tươi rửa sạch, để ráo nước; lá rau diếp cũng rửa sạch. Với cà rốt, các bạn gọt vỏ và thái thành sợi mỏng (với dưa leo cũng vậy). Với măng tây, các bạn rửa sạch, gọt bỏ phần đầu thô ráp rồi cho vào nước nóng khoảng 3 phút thì vớt ra, sau đó ngâm trong nước đá rồi vớt ra, cắt thành đoạn. Cuối cùng, trộn các nguyên liệu lại với nhau rồi cho gia vị vào, trộn đều là có thể ăn được (1).
Nguồn tham khảo
  1. Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 49.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện