Các món ăn, bài thuốc từ cây dọc mùng (bạc hà miền Tây)

Dọc mùng (bạc hà)

Nếu không phải là người Tây Nam Bộ, chuyên ăn bạc hà nấu canh chua thì bạn sẽ không biết rằng, cây bạc hà ở đây không phải là loại cây nho nhỏ, có lá thơm (dùng để tạo hương bạc hà) mà là tên của một loài cây có bẹ lá rất to (to như cây khoai môn, cây ráy…).

Cây bạc hà này, không gây ngứa như cây môn, cây ráy và còn được gọi bằng một cái tên khác là dọc mùng. Và không chỉ được dùng như một loại thực phẩm, cây bạc hà (dọc mùng) còn được dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh sởi. Dưới đây là những món ăn bài thuốc từ cây dọc mùng:

Bài thuốc điều trị sởi từ dọc mùng

Theo kinh nghiệm dân gian thì dọc mùng có tính mát, vị nhạt và không có độc. Được biết, các công dụng nổi trội của cây này là: thanh nhiệt, làm mát cơ thể và giải nhiệt. Vì vậy, nó được dân gian dùng làm thuốc ngoài da để điều trị sởi.

Dọc mùng (bạc hà)
Món ăn bài thuốc từ cây dọc mùng (bạc hà)

Cách thực hiện như sau: Lấy bẹ dọc mùng rửa sạch rồi đem phơi khô (liều lượng là 40 gam, trong Đông y, người ta gọi bẹ dọc mùng đã phơi khô khô là thùng phụ can). Sau đó, nấu thật kỹ với 2 chén nước, nấu cho tới khi nước thuốc còn hơn nửa chén thì chia ra 2 lần uống (uống sau bữa ăn 30 phút, kiên trì dùng 2 – 3 ngày thì bệnh sởi sẽ được cải thiện rõ rệt).

Lưu ý: Để phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ nhỏ, phụ huynh có thể cho trẻ ăn các món ăn được chế biến từ dọc mùng dưới dạng nấu chín (như món canh chua…) với liều lượng 2 đến 3 lần trong tuần.

Dọc mùng (bạc hà) trong ẩm thực Việt

Nồi canh chua sẽ không còn là chuẩn vị nữa nếu không có bóng dáng của mấy lát dọc mùng xanh xanh xen lẫn sắc trắng của giá đỗ, màu đỏ tươi của vài miếng cà chua và mấy khứa cá lóc. Dọc mùng vừa dai vừa giòn, cắn vào miệng nghe rột rột…

Với người ăn mặn, dọc mùng nấu canh chua cá lóc là ngon nhất (còn với những người ăn chay thì nấu dọc mùng với giá, đậu bắp, cà chua thêm vài lát đậu hủ cũng rất ngon!).

Món ăn bài thuốc từ cây dọc mùng món canh chua
Canh chua dọc mùng

Ngoài thưởng thức dọc mùng dưới dạng nấu chín thì người dân quê tôi cũng thường hay dùng rau dọc mùng tươi và chế biến thành các món gỏi (nộm).

Cách làm như sau: Bạn tước bỏ lớp vỏ màu xanh bên ngoài của các cọng dọc mùng rồi rửa lại với nước cho thật sạch. Sau đó, cắt dọc mùng thành miếng vừa ăn rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 8 – 10 phút. Ngâm xong, bạn chắt bỏ nước và vắt cho ráo rồi cho vào thau vừa phải. Sau đó, bạn cho nửa muỗng cafe muối vào thau, trộn đều, để cho thấm trong 15 phút rồi cho thêm những loại rau gia vị khác (như rau răm, rau húng lủi…) và một ít đậu phộng rang thơm vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Thế là bạn đã làm xong món gỏi dọc mùng rồi đấy!

Gỏi dọc mùng
Gỏi dọc mùng

Thông tin thêm

Dọc mùng không gây ngứa nếu lỡ chạm vào và cũng không gây ngứa khi rửa, cắt gọt. Tuy nhiên, khi xào hoặc ăn sống, có khi bạn sẽ thấy cảm giác hơi ngứa ngứa, nhót nhót, tưng tưng trong cổ. Các biểu hiện này rất nhẹ và cũng không gây khó chịu.

Vì vậy, nhiều người vẫn thích ăn dọc mùng vì tính thanh nhiệt, ngon miệng, giòn dai của nó.

Cách khắc phục: Nếu dùng dọc mùng để nấu canh chua hay nấu lẩu thì bạn sẽ không bị cảm giác tưng tưng, ngứa nhẹ trong cổ.

Lưu ý:

  • Nhiều người nhầm lẫn cây dọc mùng (bạc hà) với cây môn ngứa và cây ráy nên bị gây ngứa, rất khó chịu. Nếu không may bị ngứa, bạn có thể lấy giấm hòa với nước ấm rồi rửa vùng da bị ngứa nhé!
  • Người bị bệnh Gout không nên ăn.

Kim Lụa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện